Người thương binh tài hoa và những tác phẩm để đời bằng gỗ

ANTD.VN - Vừa qua, tại Triển lãm sản phẩm của thương binh và người khuyết tật với chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tổ chức tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, tác phẩm “Chùa Một Cột thu nhỏ” của tác giả Phí Đình Tuấn đã gây được ấn tượng đặc biệt và được Viện Độc bản Việt Nam trao bằng xác lập Độc bản Việt Nam. Điều đặc biệt, chủ nhân của tác phẩm độc đáo ấy là thương binh, từng chiến đấu ở 3 mặt trận khốc liệt và hiện làm chủ doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng chục thương binh, bệnh binh, người khuyết tật. 

Người thương binh tài hoa và những tác phẩm để đời bằng gỗ ảnh 1Ông Phí Đình Tuấn bên các tác phẩm để đời là chân dung Bác Hồ và “Chùa Một Cột thu nhỏ”

Một thời hào hùng

Sinh ra ở vùng đất Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội), vốn nổi tiếng với nghề truyền thống đồ gỗ mỹ nghệ nên từ nhỏ, cậu bé Tuấn đã muốn nối nghiệp các bậc tiền bối, trở thành nghệ nhân làm gỗ. Nhưng giấc mơ ấy tạm được gác lại khi vừa 18 tuổi, chàng thanh niên Tuấn tình nguyện tòng quân. Sau thời gian huấn luyện, Phí Đình Tuấn được điều vào chiến trường Quảng Trị chiến đấu trong đội hình của Sư đoàn 304A. Giữa những tháng ngày chiến đấu đầy cam go, hào hùng ấy, năm 1973, chiến sĩ Phí Đình Tuấn được giao nhiệm vụ rất đặc biệt: Cùng một nhóm chiến sĩ tức tốc dựng căn lán gỗ ngoài trận địa để làm nơi đón tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Castro khi ông đến thăm hỏi chiến sĩ ta tại chiến trường Quảng Trị. 

Đến giờ, khi nhắc đến kỷ niệm đặc biệt ấy, ông Phí Đình Tuấn vẫn tự hào: “Có lẽ, do cán bộ đơn vị rà soát hồ sơ, thấy mình sinh ra ở làng nghề truyền thống làm gỗ nên đã chọn giao việc. Lúc lên Ban doanh trại của sư đoàn đã thấy hơn 20 anh em ở các phân đội khác, ai cũng hồi hộp, vừa vinh dự, tự hào, lại có phần lo lắng vì đa số đều là lính trẻ mới 18 - 20 tuổi, chưa từng tham gia công tác mang tính đặc biệt quan trọng như vậy bao giờ. Tuy nhiên, với quyết tâm cao nên sau hơn 2 tuần, chiếc lán đã được dựng lên, đáp ứng đúng yêu cầu cấp trên đề ra. Cuộc gặp thành công, mình xúc động trào nước mắt vì đã được góp một phần nhỏ bé công sức. Kể từ đó, linh tính mách bảo rằng, nghề mộc đã ăn vào máu rồi, không thể bỏ được”.

Sau nhiệm vụ lịch sử ấy, những trận đánh đã liên tiếp cuốn người lính Phí Đình Tuấn đi theo. Hết chiến trường Quảng Trị, ông lại cùng đồng đội “thần tốc”  tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong một trận đánh tại căn cứ Nước Trong sát cửa ngõ Sài Gòn, ông Tuấn đã bị thương. Nhưng vết thương ấy vẫn không khiến quyết tâm cầm súng đánh giặc của ông nguội tắt. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, những tưởng Phí Đình Tuấn sẽ trở về quê hương để theo đuổi ước mơ từ nhỏ, nhưng trước đòi hỏi từ chiến trường biên giới Tây Nam, ông lại cùng đồng đội, có mặt trong đoàn quân tình nguyện của Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh, tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn-pốt. Sau đó, tháng 3-1979, người lính trận mạc Phí Đình Tuấn lại cùng đơn vị nhận nhiệm vụ trở ngược ra Bắc, tham gia chốt chặn tại vùng đất Bình Gia (Lạng Sơn) quyết tâm chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đến năm 1981, trước những diễn biến mới của chiến trường, theo sự điều động của cấp trên, ông Phí Đình Tuấn mới chính thức rời cây súng và chuyển ngành, mang trên mình mức thương binh hạng 2/4. 

Cái tâm của người lính

Rời quân ngũ, ông Phí Đình Tuấn được cấp trên bổ nhiệm giữ nhiều vị trí quan trọng như: Giám đốc Công ty thương binh Hà Tây; Chi cục phó Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Hà Nội. Đến năm 2006, ông chính thức nghỉ hưu, song, những ấp ủ về việc mở xưởng, theo đuổi nghề mộc ngày nào vẫn luôn âm ỉ. Vì vậy, ngay khi rời nhiệm sở, ông đã bắt tay vào thực hiện ước mơ dang dở từ thuở thiếu thời ấy. Ông bảo: “So với những làng nghề khác, nghề gỗ Chàng Sơn có những điểm độc đáo, lợi thế hơn. Vì vậy, dù tuổi đã cao, tay nghề đã mai một, nhưng mình vẫn quyết tâm đi học lại. Học từ gia đình, anh em, bạn bè, cứ ai có cái gì hay, đặc sắc, tinh xảo, mình đều đến xin “thụ huấn”. Vốn sinh ra từ làng nghề,  lại có chút kiến thức nên chỉ sau thời gian ngắn vừa học vừa làm, mình đã làm ra những sản phẩm được mọi người đánh giá là… có thẩm mỹ”. 

Với nỗ lực không mệt mỏi, chỉ trong thời gian ngắn vừa làm nghề kết hợp với giao lưu, học hỏi từ các nghệ nhân nổi tiếng, người thương binh già Phí Đình Tuấn đã chứng tỏ được tay nghề của mình. Ông liên tục được mời tham gia phục dựng hàng loạt  công trình cùng các nghệ nhân khác trong làng, trong đó, có thể kể đến lần tham gia tu bổ di tích chùa Hà và Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngoài những công trình chung ấy, ông đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm riêng. Có những tác phẩm mà ông dành tâm huyết và sự trân trọng kỳ lạ, như bức ảnh chân dung  Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông tỉ mỉ tạc lại bằng chất liệu gỗ hương đỏ đặc biệt. Nói về tác phẩm này, giọng ông rưng rưng: “Mình rất tự hào với danh xưng Bộ đội Cụ Hồ, điều mà không phải ai cũng có được. Sau này, khi rời quân ngũ, mình vẫn tự nhắc nhở bản thân phải luôn nhớ về những tháng ngày đầy hào hùng ấy và  không được làm điều gì để làm xấu đi hình ảnh người lính Cụ Hồ. Khi làm tác phẩm này, mình kỹ lưỡng, tỉ mỉ từ khâu chọn gỗ, đến những nét chạm, trổ, khắc, đục”. 

Ngoài bức chân dung Bác Hồ, tác phẩm Chùa Một Cột thu nhỏ vừa được ông hoàn thành sau một thời gian dài bỏ bao tâm huyết cũng là một sản phẩm “để đời”. Khi sản phẩm được trưng bày tại Triển lãm sản phẩm của thương binh và người khuyết tật năm 2018, nhiều người đã trầm trồ thán phục trước độ “hoành tráng” về kích cỡ và sự tinh xảo trong những đường nét nghệ thuật mà nghệ nhân Phí Đình Tuấn dày công tạo ra. Theo ông Tuấn, để hoàn thành tác phẩm có tỉ lệ 1:1,5 so với bản chính, khối lượng 2,1 khối, chiều ngang 2,45m, chiều cao tổng thể 2,55m, với hàng trăm chi tiết, ông cùng hơn 10 nghệ nhân của Chàng Sơn đã phải mất hàng tháng trời ròng rã sáng tạo, chỉnh sửa. Có những hôm, ông còn phải thắp điện làm thâu đêm nhằm bảo đảm tiến độ. Để tạo ra sự độc đáo, ông phải sang tận bên Lào để chọn loại gỗ căm xe có màu sắc trang nhã, chịu được thời tiết khắc nghiệt vùng nhiệt đới, chống mối mọt. Điều đặc biệt của tác phẩm là mặc dù được hình thành bởi hàng nghìn chi tiết lớn nhỏ, nhưng tất cả đều được gắn kết với nhau mà không cần tới sự hỗ trợ của các chi tiết kim loại. Để tạo tác lại những viên ngói giống như của chùa Một Cột, nghệ nhân Phí Đình Tuấn đã tỉ mỉ xe mỏng từng thớ gỗ, khắc họa lại từng đường nét, khiến những người nhìn từ xa sẽ tưởng đó là những viên ngói thật. Đặc biệt, tất cả các hàng ngói đều có kích thước, hình dáng đồng đều, giống hệt nhau. 

Đợi ông kể xong về tác phẩm “để đời”, tôi lái sang câu chuyện doanh nghiệp của ông đang tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động, chủ yếu là các thương binh, bệnh binh, con em gia đình chính sách. Mắt ông lại rực sáng: “Về quê, thấy nhiều anh em thương binh, bệnh binh, người khuyết tật còn khó khăn, vất vả, công ăn việc làm không ổn định, mình rất trăn trở. Trước đây, từng làm giám đốc một công ty thương binh của tỉnh, rồi nhiều năm làm cán bộ ở sở chuyên chăm lo về chính sách, giờ về quê, chẳng lẽ không giúp được gì cho anh em? Nghĩ vậy nên mình quyết định thành lập Công ty TNHH sản xuất, dịch vụ dành cho thương binh và người khuyết tật, sau đó mở rộng sản xuất, tuyển dụng lao động vào làm việc. Những ai chưa có tay nghề mình trực tiếp đào tạo, hướng dẫn. Từ chỗ chỉ vài người, nay số lao động đã lên tới 25 người, mức thu nhập cũng… tạm ổn. Hiện mình đang làm thủ tục với địa phương để xin thuê đất, mở rộng sản xuất. Lúc đó, chắc chắn sẽ giúp được nhiều đối tượng chính sách hơn nữa”. 

Nhờ suy nghĩ ấy của ông Tuấn, nhiều thương binh trong làng và hàng chục hoàn cảnh khó khăn khác từ chỗ trước đây chỉ sống bằng nguồn trợ cấp xã hội vốn ít ỏi, giờ đã có mức thu nhập khá. Nhìn ánh mắt đầy tâm huyết của người lính từng kinh qua bao trận đánh khốc liệt, tôi tin những ấp ủ, dự định của ông thành sẽ hiện thực. Lúc đó, sẽ có nhiều hơn nữa những thương binh, người khuyết tật, các đối tượng chính sách được tạo công ăn việc làm và không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.