“Người thông minh” cũng mắc sai lầm

ANTĐ - Bạn chịu khó tìm hiểu các kiến thức về sức khỏe, chăm chút đến thân hình, vòng eo của mình. Như vậy đã đủ để khỏe mạnh chưa? Chưa hẳn vậy. Có những thói quen, sai lầm phổ biến mà người thông minh cũng mắc phải. 

“Ăn bớt” giấc ngủ. Liệu cố dậy sớm từ 5h sáng để tập thể dục có phải là ý tưởng tốt? Không hẳn, nếu bạn vẫn chưa ngủ đủ giấc. Nhiều nghiên cứu cùng khẳng định, mọi người cần ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm để có sức khỏe tối ưu, trong khi thiếu ngủ có liên hệ mật thiết với một loạt các vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, trầm cảm, tiểu đường và giảm phản ứng miễn dịch với vaccine.

Thích dùng kháng sinh. Nhiều người cứ thích hỏi bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống siêu vi cho các triệu chứng thông thường chỉ vì họ sợ bị bệnh. Tuy nhiên, những loại thuốc này cũng chứa rủi ro, bởi chúng không chỉ tiêu diệt những vi khuẩn tốt trong cơ thể mà còn góp phần đẩy nhanh hiện tượng kháng thuốc. 

Trì hoãn chăm sóc y tế. Bạn khỏe mạnh, vì thế tự dưng đau tức ngực hoặc yếu người, thậm chí lơ mơ chỉ là lúc hơi mệt một chút. Không nên chủ quan như vậy, rất nhiều người thường bỏ qua hoặc tự đánh lừa mình đó không phải là triệu chứng nghiêm trọng. Các bác sỹ luôn lưu ý nếu có những triệu chứng đau tim hoặc đột quỵ, thời gian là điều quý giá nhất vì càng được chẩn đoán và điều trị sớm bao nhiêu, khả năng tổn thương đến tim và não được hạn chế bấy nhiêu.

Không chịu ăn trái cây và rau. Mọi người đều biết nên ăn ít nhất 5 loại trái cây và rau quả mỗi ngày. Ăn nhiều rau quả giúp làm giảm nguy cơ bệnh tim, một số dạng ung thư và có thể kiểm soát cân nặng. Nhưng một cuộc khảo sát ở nước Mỹ phát hiện ra rằng trong năm 2009, chỉ 1/3 số người lớn ăn ít nhất 2 phần trái cây mỗi ngày và số người ăn từ 3 khẩu phần rau trở lên hàng ngày chỉ chiếm khoảng 1/4.

Bỏ qua vaccine. Người lớn cũng cần phải tiêm chủng nhưng nhiều người trong chúng ta không nhận thức được điều đó. Tiêm vaccine chính là cách để ngăn ngừa một số triệu chứng khó chịu cho đến những bệnh chết người như cúm, bệnh zona đến ung thư cổ tử cung. Người lớn càng được khuyến nghị tiêm chủng tùy theo sức khỏe, chuẩn bị đi du lịch và môi trường sống.

Quên kết nối bạn bè. Dù bận rộn đến thế nào cũng đừng quên liên lạc với bạn bè. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy rằng, kết nối với người khác, duy trì các quan hệ xã hội lành mạnh luôn tốt cho sức khỏe mọi người. Trong khi đó, thói quen về sức khỏe xấu hay tốt cũng do quan hệ xã hội mà ra, ví dụ béo phì, hút thuốc lá, thậm chí hạnh phúc cũng có thể lây lan qua việc “học” người khác.