Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Bố mẹ tôi có 2 con, tôi và 1 chị gái. Cách đây 5 năm, khi làm di chúc, bố mẹ tôi đã để lại toàn bộ tài sản cho mỗi con một nửa. Tuy vậy, hơn 1 năm nay khi bố tôi lâm bệnh nặng, bên cạnh chỉ có vợ chồng tôi chăm sóc, chị gái tôi không thăm nom hỏi han gì nên bố tôi đã làm di chúc mới để lại toàn bộ tài sản cho vợ chồng tôi. Sau khi bố tôi mất, chị gái tôi đã quay về đòi chia tài sản theo di chúc đầu tiên. Xin hỏi luật sư, trong trường hợp này, di chúc nào có hiệu lực pháp luật và di sản sẽ được phân chia thế nào? Bùi Thu Hường (Bắc Ninh)
Người lập di chúc thay thế di chúc cũ bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ (Ảnh minh họa)

Người lập di chúc thay thế di chúc cũ bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Theo Điều 630, Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế, tức là người để lại tài sản đã chết thì người được hưởng di sản theo di chúc mới có quyền định đoạt, sở hữu, sử dụng về tài sản này hợp pháp.

Bên cạnh đó, Điều 640, Bộ luật Dân sự quy định người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Do đó, nếu người được thừa kế không thực hiện đúng nghĩa vụ như: chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý tài sản hoặc cha mẹ không muốn tặng cho tài sản cho người con này nữa thì có thể truất quyền thừa kế của người con này và lập di chúc khác.

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Đối với trường hợp của gia đình bạn, nếu cả 2 di chúc hợp pháp, thì căn cứ Điều 640, Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc cũ bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ. Như vậy, khi người lập di chúc đã hủy bỏ, thay thế di chúc cũ bằng một di chúc mới thì di chúc cũ sẽ không còn hiệu lực thi hành.

Mặt khác, tại khoản 5, Điều 643, Bộ luật Dân sự năm 2015, khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực. Nghĩa là, người lập di chúc chết thì bản di chúc sau cùng mới là bản di chúc có hiệu lực và những người thừa kế phải căn cứ vào bản di chúc sau cùng này để phân chia di sản thừa kế. Do đó, bạn là người thừa kế toàn bộ di sản của cha mẹ để lại theo nội dung di chúc trên.