Người lao động có bắt buộc phải trực Tết, có được ứng trước lương?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gọi điện đến Đường dây nóng ANTĐ, nhiều bạn đọc hỏi, theo quy định hiện hành, nếu phải trực Tết, tiền lương của người lao động được tính ra sao, họ có được ứng trước lương?

Theo Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản pháp luật liên quan, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 là thời gian người lao động được phép nghỉ.

Người lao động không bắt buộc phải trực Tết, trừ các trường hợp: Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Nếu người sử dụng lao động ép buộc nhân viên đi trực Tết mà không được sự đồng ý của họ thì có thể bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng (Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Song nếu do tính chất đặc thù của công việc, do sắp xếp, nhu cầu của công ty hoặc theo thỏa thuận 2 bên, người lao động đi trực trong những ngày nghỉ Tết thì được coi là làm thêm giờ và được trả lương tương ứng.

Về cách tính tiền lương trực Tết, nếu đi làm vào ban ngày được hưởng ít nhất là bằng 300% lương của ngày làm việc bình thường.

Đi làm vào ban đêm sẽ hưởng ít nhất là bằng 390% lương của ngày làm việc bình thường. (300% (tiền lương làm thêm giờ ngày lễ, tết) + 30% (làm việc vào ban đêm) + 20% x tiền lương thực trả theo công việc làm vào ban ngày của ngày lễ, tết (300%) = 390%)

Như vậy, nếu người lao động làm thêm giờ trong ngày Tết Âm lịch sắp tới, tính cả tiền lương của ngày hôm đó thì người lao động làm việc ban ngày sẽ được hưởng 400% tiền lương của ngày làm việc bình thường. Người làm thêm vào ban đêm những ngày Tết sẽ được hưởng 490% tiền lương của ngày làm việc bình thường.

Về việc ứng trước lương trước khi nghỉ Tết, Điều 101 Bộ luật Lao động nêu rõ: Tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi;

Tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 1 tháng tiền lương và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng;

Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

Như vậy, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động ứng trước lương để nghỉ Tết mà không bị tính lãi. Người sử dụng lao động có thể đồng ý hoặc từ chối.

Mức tiền tạm ứng theo từng trường hợp tạm ứng được xác định như sau: Tối đa 1 tháng tiền lương trong trường hợp người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên; Khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ khi người lao động nghỉ hằng năm;

Dựa trên khối lượng công việc đã làm trong tháng đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán; 50% tiền lương khi người lao động bị tạm đình chỉ;

Trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận thì mức tiền tạm ứng sẽ được thực hiện dựa trên ý chí của người lao động và người sử dụng lao động. Pháp luật không quy địnhg cụ thể mức tiền lương tạm ứng tối đa.