Người khắc đài tưởng niệm ở Hỏa Lò

ANTĐ - Thường anh vừa tạc đá vừa uống rượu. Thói quen này hình thành từ những năm đầu thập niên 1970, khi anh lang thang trên đất Kinh Bắc để làm bảo tồn, bảo tàng các di tích văn hóa lịch sử. Chỉ đi xe đạp và đeo thêm bầu rượu, Lê Liên tìm đến từng ngóc ngách...

Từ chuyện cổ dân gian 

Ngẫm cái việc đi tìm lại quá khứ, Lê Liên cứ hình dung như mình đang mày mò khám phá những câu chuyện cổ tích của ông cha để lại. Đường nét rồng bay phượng múa này cần phải tô vẽ lại. Phải đề can để lưu bản gốc. Rồi tàu lá cũng như phiên bản chữ Nôm cổ trên các xà gỗ miếu mạo đình chùa. Lê Liên lang thang nhiều ngày mê mải với những họa tiết, hình tượng lạ lùng đậm chất dân gian bí ẩn. Có những đêm không về, anh ngủ ngay trên thềm đình làng với những hình tượng ông phỗng, ông rối, hay ông tễu lởn vởn trong đầu.  

Người khắc đài tưởng niệm ở Hỏa Lò ảnh 1

Nhà điêu khắc Lê Liên bên tượng “Chuyện cổ tích”

Bất ngờ, vào một đêm Lê Liên bỗng nhớ tới tất cả, những ký ức tuổi thơ và gương mặt của người bà hiện lên. Khi đó các cháu đang hỉ hả cười như mình ngày nào, vây quanh bà lắng nghe những câu chuyện thú vị. Lê Liên ngồi bật dậy trong cơn mộng du, đầy ám ảnh với những thỏi đất trong tay. Anh đắp và nặn dựng một khối tượng gồm 5 đứa bé vây quanh bà, với một không khí đắm đuối và những nét thần tiên hiện lên trên từng khuôn mặt. Đó là tác phẩm đầu tiên trong cuộc đời làm tượng của Lê Liên. Bức tượng này cũng có số phận khá kỳ thú.

Người khắc đài tưởng niệm ở Hỏa Lò ảnh 2

Đài tưởng niệm cách mạng trong nhà tù Hỏa lò của Lê Liên

 Vì khi làm mẫu nhỏ, Lê Liên vẫn cất giấu một chỗ chưa dám trình làng, chỉ khoe với ông bạn Anh Vũ. Không ngờ Anh Vũ mê mẩn với cụm tượng này và bí mật bàn với Lê Liên mang về nhà mình ở xóm Tân Mới, để dựng phóng to lên nhìn cho đã. Lê Liên kể đó là vào khoảng giữa năm 1972, hai người phải đi tìm nhiều đất sét để dựng tượng. Không ngờ ý tưởng ngày một phát triển, “Chuyện cổ tích” càng lớn thêm. Bức tượng choán hết ngôi nhà lá đơn sơ trên sườn đồi. Nhiều khi làm thấy vướng và lại thiếu ánh sáng nữa, Anh Vũ xin phép vợ dỡ cả mái nhà, để lấy ánh sáng cho Lê Liên dựng tượng.

Có đêm mưa dột nhưng vợ chồng Anh Vũ chiều bạn, đã huy động mọi thứ che cho tượng còn cả nhà cùng con cái nằm giữa trời chịu ướt. Lê Liên bồi hồi kể lại chuyện tình bạn cũng đẹp như một câu chuyện cổ tích ấy. Phải mấy tháng sau, Lê Liên mới có cơ hội “thu dọn” thạch cao tại các công trình khác, bỏ tiền mua thêm để hoàn thành bức tượng. 

Bất ngờ, vào năm 1974, tỉnh Hà Bắc có diễn ra một hội nghị quan họ và đánh giá những hiện vật sưu tầm được, Lê Liên tranh thủ mời nhà điêu khắc nổi tiếng Nguyên Hải và cũng là thầy giáo dạy mình trong trường Mỹ thuật đến nhà Anh Vũ để xem “Chuyện cổ tích”. Không ngờ ông thầy này ngạc nhiên và khen Lê Liên là một tài năng. Khi ấy, Lê Liên mới có tham vọng sẽ trình làng ở một triển lãm nào đó. Và chính 2 năm sau, trong triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, tác phẩm này đã được Tổng bí thư Trường Chinh khen ngợi và tạo nên một hiện tượng điêu khắc mang đậm dấu ấn truyền thống và được tôn vinh là một tài năng trẻ đáng khích lệ. Anh được nhận vào học hệ Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (1977-1982). 

Ít năm sau, bức tượng “Chuyện cổ tích” đã được một nhà sưu tầm người Pháp mua với giá hơn 10.000 USD. Hôm nay đến nhà anh, chỉ còn một phiên bản dựng lại sau này.  

Đến tượng đài của lòng yêu nước

Cùng anh đến khu Di tích Hỏa Lò, anh chỉ tôi  xem công trình tượng đài mà anh dựng từ năm 2000. Mặc dù tôi đã từng được xem ảnh và nghe nói trên báo chí, nhưng vẫn choáng ngợp trước tượng đài dài chừng 20m và cao gần 7m. Hình ảnh các chiến sĩ được khắc sâu trong bức tường đá khổng lồ khiến tôi rùng mình.

 Từng đôi mắt đầy sắc khí hiện lên. Từng cánh tay như vụt bay ra từ quá khứ khốc liệt, trong cuộc đấu tranh tại nhà tù man rợ nhất của Pháp được dựng lên từ năm 1896. Hình tượng cao cả của những chiến sĩ cách mạng, bất chấp mọi tội ác dã man, cùng với chiếc máy chém đẫm máu đã vượt lên trong đấu tranh, giữ vững khí tiết của người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đường nét của các nhân vật được Lê Liên xử lý một cách độc đáo. Đó là nghệ thuật khắc âm bản, nét chìm sâu, sắc nét mang yếu tố dân gian đậm chất sử thi và cất tiếng nói một cách sâu sắc về cuộc đấu tranh sinh tồn của con người, cùng với lý tưởng cao cả vì cộng đồng và vì lý tưởng cách mạng dân tộc. 

Một bất ngờ hơn, khi Lê Liên dẫn tôi ra phòng trưng bày chiếc máy chém, cao tới 4m và nói, trong thời gian làm tượng đài ròng rã suốt cả năm trời, anh đã ngủ bên cạnh chiếc máy chém này. Anh nói lúc đó là chiếc máy chém còn để gần công trường thi công. Thế rồi, ăn cũng trên máy chém, ngủ cũng trên mâm máy chém. Kể đến đó, Lê Liên cười sảng khoái.