Người đưa internet vào Việt Nam

ANTĐ - Phóng viên An ninh Thủ đô trò chuyện với Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) - người được cho là có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet ở Việt Nam.

Internet - “công trình vĩ đại nhất của nhân loại”
Người đưa internet vào Việt Nam ảnh 1

- Gần đây người ta thường nhắc đến ông với những cụm từ như “người có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam”, người khai sinh ra Internet Việt Nam. Cá nhân ông nghĩ thế nào về sự tôn vinh này?

- Việt Nam may mắn sớm gia nhập mạng Internet toàn cầu. Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, nhờ mở cửa nên nhiều nhà khoa học của chúng ta đã được tiếp cận với Internet khi ra nước ngoài và họ rất muốn đưa nó vào Việt Nam. Những năm 1990, mỗi khi ra nước ngoài họp người ta thường không chào nhau là “See you again” mà là “See you on Internet”. Mình là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện mà mình không có Internet thì rất buồn, vì vậy tôi đã nỗ lực đưa Internet vào Việt Nam. Và với cương vị của mình, khi Chính phủ quyết định tạm thời có quy định đưa Internet vào Việt Nam, tôi đã nỗ lực để đưa Internet vào trong nước. Báo chí, anh em đồng nghiệp, dư luận gần đây cũng đã bình chọn tôi là người số 1 của Internet Việt Nam, người có công lớn nhất, thực sự tôi rất vui mừng vì điều đấy. Nhưng cũng phải nói lại là mình có may mắn vì được sớm tiếp cận với Internet và với cái nghề, với cương vị của mình thì tôi cũng có điều kiện để thực hiện điều này chứ thực ra rất nhiều người khác cũng có công để Việt Nam được sớm gia nhập mạng Internet thế giới, không bị muộn quá. 

- Ông đã từng nói Internet là công trình vĩ đại nhất của nhân loại?

- Đúng, Internet, tôi hay gọi là cái công trình nhân tạo vĩ đại nhất của nhân loại. Trước nay người ta hay nhắc đến Kim tự tháp Ai Cập, Vạn lý Trường Thành hay ngọn Hải đăng Alexandria… những cái đó là những công trình lịch sử, mỗi năm có khoảng vài triệu người đến tham quan. Nhưng bạn thấy đấy, Internet mỗi ngày có hàng tỷ người sống trong môi trường của nó, tại bất cứ một giây phút nào trong 24 giờ mỗi ngày con người đều có thể liên lạc, giao lưu, trao đổi với nhau trên phạm vi toàn thế giới. 
Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng,   Internet đã làm thay đổi toàn bộ cách thức giao tiếp, làm việc của con người. Nó là một động lực thúc đẩy xã hội phát triển, năng suất lao động cao hơn, giao tiếp nhanh hơn, đỡ mất công sức hơn. Không chỉ là phương tiện làm việc, giao tiếp, Internet thực sự đã bổ sung cho nhân loại một môi trường sống mới, một cuộc sống mới rất thật chứ không hề ảo.

Cuộc vận động bền bỉ

- Ông có bao giờ tưởng tượng rằng nếu như không có Internet thì sẽ như thế nào?

- Hồi đó, chúng ta đang bước đầu hội nhập quốc tế, lúc này cả thế giới gắn với Internet, nếu ta không có Internet, thông tin bị ách tắc thì không thể hội nhập được. Internet là cơ sở của toàn cầu hóa, hội nhập, kinh tế tri thức. Lúc đó, nhiều vị lãnh đạo cấp cao yêu cầu đưa báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân rồi đài phát thanh, truyền hình ra phát cho đồng bào ta ở nước ngoài, nhưng 1kg gửi máy bay 10 USD chúng ta lấy tiền đâu, rồi sang đến đó thì ai phát… Vì vậy chúng tôi rất quyết liệt vận động các lãnh đạo cấp cao đồng ý mở cửa để Internet có mặt tại Việt Nam.

- Nhưng để thuyết phục lãnh đạo cấp cao đưa được Internet vào Việt Nam lúc đó có gặp khó khăn gì không?

- Khi báo cáo lên lãnh đạo cao nhất thì có rất nhiều ủng hộ nhưng cũng có rất nhiều lo ngại. Tuy nhiên sau khi chúng tôi đưa ra những thuyết phục về sự cấp bách, về mặt lợi và hại, làm sao để hạn chế cái hại của Internet thì một số lãnh đạo cấp cao đã ủng hộ, trong đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó là người ủng hộ mạnh mẽ nhất. Thủ tướng đã ban hành một quy định tạm thời về sử dụng Internet tại Việt Nam. 
Trên cơ sở đó khi Chính phủ thành lập Ban điều phối Internet do ông Phạm Gia Khiêm làm Trưởng ban, tôi làm Phó ban thì chúng tôi đã thúc đẩy, báo cáo đến lãnh đạo cao nhất của Thường trực Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Tôi rất vui mừng là khi đó các doanh nghiệp, các nhà khoa học đã rất hào hứng, tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, những quy định, quy chế, giải pháp kỹ thuật để đưa Internet vào Việt Nam. Và đặc biệt xúc động khi ngày 19-11-1997, thay mặt Ban Điều phối quốc gia về Internet, tôi đã chính thức cấp giấy phép cho 4 nhà khai thác Internet và trả lời báo chí, đặc biệt là báo chí nước ngoài về việc Việt Nam chính thức hòa mạng Internet thế giới. Có thể nói đây không chỉ là một vấn đề kỹ thuật nghiệp vụ mà còn thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Nhà nước chúng ta trong vấn đề tiếp tục đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế.

- Được biết, ông cũng là người đưa ra quan điểm táo bạo “quản lý phải theo kịp yêu cầu phát triển” để “cởi trói” cho Internet?

- Mới đầu chúng ta vẫn rất thận trọng với Internet, các lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp đến tôi là “quản đến đâu mở đến đấy”. Vì vậy suốt 2 năm sau đó, chúng ta không có cà phê Internet, không có đại lý Internet, ngay cả những tập đoàn công nghệ lớn như VNPT cũng không được mở đại lý Internet… Tôi động viên anh em phải chấp hành quan điểm đó, đồng thời thuyết phục lãnh đạo rằng như vậy Internet sẽ không phát triển được, thiệt thòi cho đất nước. Tôi đưa một quan điểm mới báo cáo với Bộ Chính trị là “quản lý phải theo kịp yêu cầu sự phát triển”. Đồng thời sau thời gian kiểm nghiệm, lãnh đạo cũng thấy rằng mặt lợi của Internet vô cùng lớn, mặt hại cũng không đến nỗi như chúng ta lo sợ, vì vậy 2 năm sau, Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” ra đời đã “cởi trói” cho Internet. Từ đây, cà phê Internet, đại lý Internet nở rộ khắp nơi. 

- Là người gắn với Internet từ lúc “phôi thai”, ông nhận thấy 15 năm qua, Internet Việt Nam đã theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới?

- Chúng ta may mắn là sớm có Internet, chỉ muộn hơn thế giới 7 năm. Đến nay, có thể nói về cơ sở hạ tầng chúng ta đã sánh ngang thế giới với đầy đủ các công nghệ hiện đại nhất. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn hạn chế trong việc phát huy cái mạnh của Internet, ngành công nghiệp nội dung số của chúng ta vẫn chưa thực sự mạnh đúng tầm với sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Nước ta vẫn có khoảng 60 triệu người chưa được tiếp xúc trực tiếp với Internet, thế giới vẫn còn “gồ ghề” lắm. Tôi còn mong ước là sau này học sinh đi học không còn phải mang cái ba lô sách giáo khoa nặng trĩu nữa mà chỉ cần một cái Ipad hay thiết bị công nghệ nào đó, bài học không còn là những con chữ khô cứng hay mô tả của thầy giáo mà nó là những video, những tư liệu hình ảnh sống động… Các bệnh viện không phải quá tải vì ai cũng tìm những bệnh viện, bác sĩ giỏi nhất mà qua Internet mỗi bác sĩ giỏi có thể tiếp cận với hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày… Cái đó Internet hoàn toàn có thể làm được, vấn đề là chúng ta phải thay đổi. Quản lý giờ không phải chỉ “theo kịp sự phát triển” nữa, mà cần phải “thúc đẩy sự phát triển” của Internet.

- Xin cảm ơn ông và chúc ông dồi dào sức khỏe!