Người dân mong thịt sạch, quy hoạch giết mổ vẫn loay hoay

ANTĐ - Dù đã nỗ lực cải thiện, nhưng đến nay ngành nông nghiệp Hà Nội mới kiểm soát được khoảng 44% lượng thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ hàng ngày trên địa bàn thành phố. Trong khi người dân mong mỏi được sử dụng thực phẩm sạch thì các cơ sở giết mổ công nghiệp đang “chết mòn”.

Mới kiểm soát được 44% thịt tiêu thụ hàng ngày

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, toàn TP có 6 cơ sở giết mổ công nghiệp, nhưng giờ  chỉ còn 3 cơ sở đang hoạt động là Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (Thường Tín), Công ty CP Việt Nam (Chương Mỹ), Công ty CP Đông Thành (Đông Anh). Tuy nhiên, công suất vận hành thực tế của các cơ sở giết mổ này khá thấp, khoảng gần 60 tấn thịt/ngày, chỉ đạt khoảng 10% so với công suất thiết kế.

Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, trong 6 cơ sở giết mổ công nghiệp, chỉ có 1 cơ sở của Nhà nước, còn lại toàn của tư nhân bỏ tiền ra đầu tư, nhưng vẫn phải chấp nhận “chết mòn” dù TP đã rất tạo điều kiện cho các cơ sở này hoạt động như miễn tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn, hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm… “Nhà máy giết mổ công nghiệp tư nhân họ bỏ ra cả tỷ đồng để đầu tư nhưng phải “đắp chiếu”, sót lắm chứ nhưng không làm gì được. Trong khi hàng triệu người tiêu dùng Thủ đô thì “khát” thực phẩm sạch, thực phẩm giết mổ đảm bảo ATTP”, ông Trần Xuân Việt bày tỏ. 

Người dân mong thịt sạch, quy hoạch giết mổ vẫn loay hoay ảnh 1

3/6 cơ sở giết mổ công nghiệp của Hà Nội đang phải “đắp chiếu”

Bên cạnh đó, trên địa bàn TP hiện có 14 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp với sản lượng đạt khoảng hơn 160 tấn thịt/ngày và 5 cơ sở giết mổ tập trung thủ công đang hoạt động, công suất đạt gần 100 tấn/ngày. Như vậy, toàn bộ cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp của TP mới chỉ kiểm soát được 44% lượng thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ hàng ngày trên địa bàn. Còn lại 56% lượng thực phẩm từ gần 2.500 hộ giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát, không đảm bảo ATTP. “So với các tỉnh, thành khác, việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm của Hà Nội vẫn thuộc top yếu, đến nay vẫn chưa chấm dứt được tình trạng chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm trong nội thành”, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt nhận định.

Quy hoạch giết mổ chậm trễ, bất cập

Ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, các cơ sở giết mổ công nghiệp cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng. Để hoạt động hiệu quả, bản thân các cơ sở này phải có chuỗi khép kín từ đầu vào đến phân phối, tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện các cơ sở giết mổ công nghiệp chưa làm được điều đó nên khó cạnh tranh được với kiểu giết mổ nhỏ lẻ.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm là một trong những biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo ATTP đối với sản phẩm thịt. Nhận định quy hoạch giết mổ đến nay vẫn chậm trễ và bất cập, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cũng chỉ ra nguyên nhân do tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn và các địa phương còn hời hợt, thiếu mặn mà. “Địa phương nào, ngành nào cũng báo cáo tuyên truyền tốt đến người dân, nhưng sao tâm lý người dân vẫn sính dùng thịt “ngoại”, trong khi gà dai Hàn Quốc, gà Trung Quốc thực chất là loại thải, không thể bằng gà nuôi trong nước. Điều này chứng tỏ làm tuyên truyền chưa tốt, chưa tới, rồi sự vào cuộc của các quận, huyện còn thiếu mặn mà”, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt nêu ý kiến. Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt yêu cầu Sở NN&PTNT phải kiểm điểm lại trách nhiệm trong việc phối hợp với các quận, huyện trong việc triển khai hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, vì đảm bảo ATTP là vấn đề thiết thực với đời sống dân sinh.