Người dân đã tin thì không gì lay chuyển được

ANTD.VN - Với đặc thù của vị trí địa lý và sự phân bố dân cư, các đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ba Vì, Hà Nội đã tạo nên những chuỗi liên kết quan trọng trong thế trận giữ gìn ANTT.

Bắt đầu câu chuyện về công tác giữ gìn ANTT tại địa bàn các xã vùng núi thuộc huyện Ba Vì, Thượng tá Nguyễn Anh Hùng - Phó trưởng CAH Ba Vì cho hay: “Với bà con đồng bào thiểu số, khi đã có niềm tin thì mọi việc đều trôi chảy. Mà để được bà con tin tưởng, không có cách nào khác ngoài hành động thiết thực, trách nhiệm của mỗi CBCS phụ trách địa bàn. Bà con yêu mến cán bộ qua từng việc làm cụ thể, chứ không nghe nói suông”.

Người dân đã tin thì không gì lay chuyển được ảnh 1Được bà con dân bản tin tưởng nên dù chuyện nhỏ, chuyện to đều được thông tin phối hợp giải quyết

Hành động thay vì nói suông

Nằm dưới chân núi Tản, huyện Ba Vì có 30 xã với một thị trấn. Nhiều địa danh tiếp giáp với các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã khiến cho nhiệm vụ giữ gìn ANTT nơi đây thêm phần phức tạp. Từng xảy ra trường hợp các đối tượng lai vãng đến địa bàn gây án, rồi lẩn trốn qua các tuyến đường mòn sang địa bàn lân cận. Cũng có những vụ TNGT do một số người điều khiển phương tiện đi ngang, đi tắt gây ra, nhưng do lợi dụng tuyến đường đèo núi đã bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra.

Trước tình hình trên, CAH Ba Vì đã chủ động triển khai các kế hoạch giữ gìn ANTT, với nhiệm vụ trọng tâm là phát huy hiệu quả thế trận An ninh nhân dân, trong đó vận dụng uy tín và trách nhiệm thông qua công việc thiết thực, cụ thể của từng cán bộ địa bàn. Cùng với đó, đơn vị hướng đến CBCS là người ở địa phương để tăng uy tín đối với nhiệm vụ giữ gìn ANTT, đặc biệt chú trọng đến phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc Mường, Dao và đồng bào dân tộc ít người khác hiện đang sinh sống trên địa bàn.

Là người con của đồng bào Mường dưới chân núi Tản, Trung úy Đinh Công Quân, cán bộ Đội An ninh nhân dân - CAH Ba Vì chia sẻ: “Niềm tin của bà con dân bản là niềm tin sắt đá. Khi bà con đã trao trọn niềm tin vào cán bộ thì gắn chặt như rễ cây sa mu bám sâu trong lòng đất không gì làm thay đổi được. Chính vì thế, nếu muốn gắn bó với dân thì người cán bộ công an không phải chỉ bằng lời nói mà phải hành động với những việc làm cụ thể”. 

Nhận thức rõ nhiệm vụ được giao, Trung úy Quân luôn chủ động đề xuất những kế hoạch thực tế, “cắm bản” tại địa bàn được giao phó. Đặt nhiệm vụ lên trên hết, người cán bộ trẻ đã đặt chân khắp các thôn, bản dưới chân núi Tản, bên vực sông Đà. Bước chân không ngại gian khó của sức trẻ đã làm Trung úy Quân hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán của từng dân tộc sinh sống trên vùng đất mây ngàn, gió núi và một mình anh phụ trách địa bàn các xã miền núi gồm Ba Trại, Minh Quang, Khánh Thượng...

Thế trận khép kín 

Theo Thượng tá Nguyễn Anh Hùng, sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương trong những năm qua đã giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân các xã miền núi huyện Ba Vì được cải thiện. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn  nhiều khó khăn và với trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, đời sống kinh tế còn nhiều yếu kém, đây chính là điều kiện để các đối tượng xấu lợi dụng kích động, lôi kéo gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Xác định nhiệm vụ trước mắt và lâu dài để hoàn thành tốt yêu cầu đảm bảo ANTT trên địa bàn, mỗi CBCS - CAH Ba Vì luôn ý thức rõ cần phải tích cực, chủ động đi sâu, đi sát đến làng bản, nắm bắt các tâm tư nguyện vọng và những bức xúc được bà con phản ánh, đồng thời giải thích thấu đáo thắc mắc của bà con. Mặt khác, CAH Ba Vì đã xây dựng các mối quan hệ có ích,  tích cực tranh thủ số người có uy tín trong các khu dân cư, đặc biệt là số già làng, trưởng bản để phục vụ cho công tác nắm tình hình và vận động toàn dân tham gia đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Ban Chỉ huy CAH Ba Vì đã chủ động xây dựng và chỉ đạo CBCS duy trì hoạt động của 120 tổ, nhóm tự quản về ANTT, 59 mô hình “Dòng họ tự quản”, 17 câu lạc bộ phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Đối với 7 xã khu vực miền núi, trong nhiều năm qua nổi bật là mô hình “Làng an toàn, khu dân cư an toàn, cơ quan doanh nghiệp an toàn”. Phát huy sức mạnh tổng lực từ nhân dân tham gia công tác giữ gìn ANTT, các xã đã nhân rộng mô hình “Tự phòng, tự quản” mang tính chất đặc thù của địa bàn.

Cùng với đó là các mô hình liên kết vành đai và qua quá trình hoạt động đã phát huy sức mạnh, thắt chặt tình đoàn kết giữa huyện Ba Vì với các huyện lân cận tại các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, tạo nên thế trận an ninh khép kín, góp phần quan trọng trong phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội liên huyện, liên tỉnh.

Hoạt động của các Câu lạc bộ quản lý giáo dục con em không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội của Hội phụ nữ các xã Ba Trại, Minh Quang, Tản Lĩnh; Câu lạc bộ Cựu chiến binh tham gia tố giác tội phạm và đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội tại xã Khánh Thượng; Mô hình “Thôn tự quản về ANTT” ở các thôn thuộc xã Minh Quang; Câu lạc bộ phòng chống tội phạm của Đoàn thanh niên nông trường Việt Mông; các dòng họ tự quản về ANTT… của huyện Ba Vì đã và đang phát huy tính tích cực trong các mặt công tác giữ gìn ANTT ở địa phương.