Đại lễ Phật đản 2017:

Làm theo lời dạy xóa bỏ cực đoan, đoàn kết hòa hợp vì lợi ích dân tộc

ANTD.VN - Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản (tức ngày Đức Phật đản sinh) đã được Liên hợp quốc công nhận là ngày hội văn hóa tâm linh thế giới. Cùng với lễ Vu lan và Thành đạo, lễ Phật đản hay còn gọi là Vesak làm thành  3 ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật . 

Làm theo lời dạy xóa bỏ cực đoan, đoàn kết hòa hợp vì lợi ích dân tộc ảnh 1Khu vực trước cổng chùa Quán Sứ (Hà Nội) trang hoàng rực rỡ chào mừng Đại lễ Phật đản 2017 - Ảnh: LAM THANH

Trước đây, lễ Phật đản thường diễn ra vào ngày 8-4 âm lịch hàng năm. Nhưng đến năm 1950, khi Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên được tổ chức, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia thành viên đã thống nhất chọn ngày Rằm tháng 4 âm lịch. Năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, nhằm tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa tư tưởng hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của Đức Phật, Đại hội đồng Liên hợp quốc tại phiên họp thứ 54 đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên hợp quốc.

Năm nay tại Việt Nam, ngày Phật đản tính theo dương lịch là ngày 10-5-2017. Trước đó đã có nhiều hoạt động chào mừng, cầu hòa bình và hạnh phúc cho toàn dân tộc. Ngày 6-5, tại chùa Bái Đính, Ninh Bình đã diễn ra đại lễ Phật đản 2017 - Phật lịch 2561. Hàng nghìn tăng ni, Phật tử cùng du khách thập phương đã về dự lễ.

Tại đại lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Bái Đính đã đọc thông điệp Phật đản Phật lịch 2561 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thông điệp mừng đại lễ mong muốn các tăng ni, Phật tử Việt Nam, bằng những hành động thiết thực nhất hãy bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đe dọa đời sống của chính mỗi người.

Đồng thời, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình cũng bày tỏ mong muốn toàn thể tăng ni, Phật tử thực hiện lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: xóa bỏ cực đoan, đoàn kết hòa hợp vì lợi ích của dân tộc và sự nghiệp phục vụ chúng sinh có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc. Nghi lễ tắm Phật cũng được diễn ra trong không khí trang nghiêm thành kính, sau đó mọi người cùng nhau thả bóng bay, chim bồ câu cầu hòa bình, hạnh phúc cho toàn dân tộc.

Trước đó, tại chùa Lý Triều Quốc Sư (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban đại diện Phật giáo quận Hoàn Kiếm (Thành hội Phật giáo Hà Nội) đã tổ chức Ðại lễ Phật đản năm 2017 (Phật lịch 2561) và sơ kết công tác Phật sự đầu năm 2017. Tại buổi lễ, các tăng ni, Phật tử đã nghe đọc thông điệp của Ðức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong thời gian qua, tăng ni trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tích cực tham gia công tác xã hội, thăm hỏi người già cô đơn, giúp đỡ người tàn tật, nhận đỡ đầu các cháu có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa…

Bên cạnh đó, một số tăng ni phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, thường xuyên vận động Phật tử chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang và lễ hội.