Người có bài thuốc chữa bỏng kỳ diệu đã chữa khỏi cho 20.000 bệnh nhân

ANTĐ - Suốt gần 30 năm qua, ông đã cứu chữa cho hơn 20.000 lượt người bệnh. Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) và Sở Y tế Thái Bình đã có quyết định cấp đặc cách “Giấy chứng nhận người có bài thuốc chữa bỏng” cho ông. Ông đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Ông là thương binh Đào Viết Thoàn ở thôn Đông Ấu, xã An Phú, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Người thương binh hạng 1/4

Từ Hà Nội, chúng tôi tìm về thôn Đông Ấu, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình vào một buổi sáng đầu đông. Đến đây, hỏi về nhà ông Đào Viết Thoàn, thương binh 1/4 từ già đến trẻ ai cũng biết. Cảm nhận đầu tiên về người thương binh Đào Viết Thoàn là thái độ ân cần mến khách và rất khiêm tốn. Dù luôn chân luôn tay tháo gạc, xoa thuốc, phát thuốc cho bệnh nhân nhưng lúc nào ông cũng nhẹ nhàng, chu đáo. Chị Nguyễn Thị Thương, giáo viên huyện Tiền Hải, một bệnh nhân đang điều trị tại đây cho biết: Cách đây một tuần tôi bị bỏng nước sôi. Được mọi người mách địa chỉ nhà ông Thoàn nên đã tìm đến. Không ngờ đến đây có quá nhiều bệnh nhân… Nhiều người còn ở những tỉnh xa cũng tìm đến. Điều đặc biệt là khi đắp thuốc của ông có cảm giác rất mát, khi thay băng cũng không hề đau đớn”. 

Để tiện cho việc điều trị, từ nhiều năm qua ông Đào Viết Thoàn đã xây dựng thêm 2 dãy nhà cấp 4 với 20 phòng để đón tiếp, phục cho cho 40-45 lượt bệnh nhân mỗi ngày. Ông cũng miễn phí toàn bộ giường nằm, điện nước và chất đốt cho 10.500 lượt bệnh nhân nội trú tại gia đình mình, miễn tiền công cho hơn 5.000 bệnh nhân nghèo và trẻ nhỏ, miễn tiền công, tiền thuốc cho gần 1.300 bệnh nhân thuộc đối tượng chính sách.

Sinh năm 1958, tại thôn Đông Ấu, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, năm 1976 ông Thoàn tình nguyện nhập ngũ và trở thành lính xe tăng Lữ đoàn 408. Cuối năm 1979 ông bị thương nặng khi đang làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới. Ngay sau đó, ông được đưa về điều trị tại Quân y viện 103, với những vết thương rất nặng: chấn thương sọ não, vỡ mỏ xương thái dương bên phải, cắt bỏ tai phải, khoét bỏ mắt trái, mất khớp gối chân phải. Ông phải điều trị tại đây suốt 2 năm liền trong tình trạng các vết thương rất nặng. Nỗi đau thể xác hành hạ cộng với hàng chục lần phẫu thuật khiến ông nhiều lúc tưởng chừng như không thể sống nổi. Song được sự quan tâm cứu chữa của các bác sĩ Bệnh viện 103, ông thêm niềm tin rằng nhất định mình phải vượt lên số phận để không trở thành một người tàn phế. 

Được sư cụ nhận làm đệ tử và bài thuốc bí truyền

Tại đây các bác sĩ bệnh viện 103 cũng giới thiệu ông biết loại thuốc sinh cơ, được chế từ chùa Trắng, thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội do sự cụ trụ trì Thích Đàm Lương khởi xướng. Lúc đó, vết thương ở bàn chân ông đã được ghép da nhiều lần mà không liền, vẫn bị hoại tử và lộ xương. Ông xin phép bệnh viện đến chùa Trắng ở và xin được đắp thuốc. Ban đầu, sư cụ trực tiếp đắp thuốc cho ông. Về sau vết thương tiến triển tốt, cụ hướng dẫn ông tự điều trị. Cảm giác đầu tiên của ông khi được sư cụ đắp thứ thuốc đó vào vết thương là rất mát, không xót, và khi thay băng thì băng không hề dính vào vết thương, khác hẳn với những lần phải thay băng ở bệnh viện, mỗi lần thay là một lần đau đớn do băng, gạc dính chặt vào da thịt vùng bị thương. Chỉ vài ngày, vết thương đã thay đổi hẳn theo chiều hướng tốt, không còn lộ xương nữa.

Ông nhận ra thứ thuốc kỳ diệu này có tác dụng hút các chất hoại tử trên vết thương ra ngoài một cách nhanh chóng, và kích thích các tế bào còn sống khiến chúng phát triển. Nghĩ mình là người tàn tật, về quê cũng chẳng làm được gì nên ông Thoàn đã có nguyện vọng ở lại chùa để được học bài thuốc của thầy một cách trọn vẹn. Sau một thời gian dài, thấy ông là người có nghị lực, có tâm, có tố chất làm thầy thuốc, sư cụ đã nhận ông làm đệ tử, truyền thụ bí quyết chế thuốc, cách chữa bệnh của bài thuốc bí truyền này. Sau 5 năm miệt mài  học hỏi, thành thạo về cách chế thuốc và phương pháp điều trị, năm 1987, ông trở về quê đoàn tụ với gia đình, bắt đầu hành trình làm giàu lòng nhân đức của mình. 10 năm đầu gần như ông chỉ chữa giúp cho mọi người. Hàng xóm có ai bị bỏng nước sôi, bỏng lửa lại tìm đến nhà ông và được chữa khỏi hoàn toàn miễn phí.

Thương hiệu ông Thoàn bỏng

Tiếng lành đồn xa, thương hiệu, danh tiếng ông Thoàn bỏng đã lan đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Căn nhà của ông đã trở thành địa chỉ quen thuộc của các bệnh nhân bỏng không chỉ ở Thái Bình mà còn nhiều tỉnh thành khác, đến nay đã trở thành bệnh viện bỏng thu nhỏ tại xã An Quý. Điểm ưu việt mọi người từ xa tìm đến ông không chỉ vì bài thuốc chữa bỏng nhanh khỏi mà vì không để lại sẹo. Qua 26 năm, ông đã điều trị cho hơn 20.000 người. Đó là một kỳ tích mà không phải lương y nào cũng làm được. Bệnh nhân tìm đến ông cũng đa phần là những người nông dân nghèo, không có tiền chạy chữa tại các bệnh viện lớn. Đặc biệt, có tới 17.024 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, Mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ em mồ côi, các cháu nhỏ dưới 3 tuổi... được ông chữa trị miễn phí. Chỉ riêng tiền công và thuốc trong những năm qua ông đã miễn cho người nghèo, đối tượng chính sách, người khuyết tật, trẻ mồ côi... đã lên tới trên 4 tỷ đồng. Riêng trong năm 2012, ông đã chữa cho 1.200 bệnh nhân, số tiền miễn cho các đối tượng chính sách và người nghèo là  hơn 104 triệu đồng. Ðó là điều rất đáng được ghi nhận.

Ông bảo: Từ tháng 2-1982 đến tháng 7-1987, tôi đã tìm tòi, tự học sách, tài liệu y học, y dược và nhận ra rằng một số loại cây thuốc nam gần gũi với cuộc sống qua sơ chế có tác dụng rất tốt trong việc làm mau lành vết thương, giảm đau cho bệnh nhân. Với bài thuốc và phương pháp chữa bệnh mới, khi thay băng, tháo băng, không cần phải nhỏ nước muối sinh lý mà vẫn không làm bệnh nhân đau đớn, vết thương, vết bỏng nhanh liền. Ðồng thời, với cách làm này, tôi còn hạn chế được lượng thuốc bôi trên vết bỏng, tiết kiệm được chi phí thuốc cho người bệnh. Giải pháp này của ông đã giành được giải nhất Hội thi “Sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật tỉnh Thái Bình lần thứ V”. 

Không thể kể hết được những trường hợp bệnh nhân thập tử nhất sinh, bỏng nặng toàn thân, bỏng sâu vào tận xương, gân đã được ông cứu chữa khỏi, thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đó là vào năm 1984, gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ ở Thụy Ninh, Thái Thụy, Thái Bình bị bỏng do pháo nổ. Con trai mất trong bệnh viện, anh Sỹ và vợ cũng bị bỏng rất nặng. Sau 25 ngày được chữa trị, vợ chồng anh đã khỏi bệnh. Có trường hợp bị hoại tử rất nặng do nhiễm trùng, tính mạng đe dọa nhưng cũng chỉ sau 20 ngày đắp thuốc của ông đã giành lại được sự sống. Ngoài ra còn rất nhiều bệnh nhân nhờ bàn tay cứu chữa của ông Thoàn đã hồi phục sức khỏe. 

Ghi nhận những đóng góp trong việc chữa bệnh cứu người bảo vệ sức khỏe nhân dân, thương binh nặng Đào Viết Thoàn đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý của các cấp, các ngành. Ông còn là tấm gương tiêu biểu cho phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh Thái Bình.