Ngọt - ngon măng sặt Yên Bái

ANTĐ - Từ Hà Nội đến Yên Bái giờ không còn xa nữa. Vài năm trước đây, phải đi qua cầu Trung Hà qua Phú Thọ phía huyện Đoan Hùng rồi mới tới được Yên Bái cũng phải mất đến cả nửa ngày. Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai qua cầu Nhật Tân kéo Yên Bái lại gần chỉ có hơn 2 tiếng đồng hồ chạy ô tô. Quãng đường chưa đủ xa và cũng chẳng gần đó cứ văng vẳng câu thơ của hướng dẫn viên du lịch “Nắng rát Lào Cai - Mưa dai Yên Bái” để nói về vùng đất miền núi. Những cơn mưa sau Tết Nguyên đán dai dẳng đến mức não nề, buồn chán hóa ra cũng có tác dụng. Khi mưa vừa dứt, nắng chỉ khẽ bừng lên thì Yên Bái đón chào một mùa măng non mà nổi tiếng nhất là măng sặt.

Ngọt - ngon măng sặt Yên Bái ảnh 1Măng sặt mùa này được bán nhiều ở các chợ tại Yên Bái

Yên Bái vào những tháng 3, 4 là mùa măng ngon nhất nơi này. “Tre, nứa, trúc, mai, vầu, mấy chục loại khác nhau nhưng cùng một mầm non măng mọc thẳng”, tất cả đều có ở các vùng miền núi phía Bắc. Yên Bái có đủ cả măng tre, măng nứa, măng lay và măng sặt. Cây sặt thuộc họ tre nhưng thân nhỏ, thẳng, búp măng đội đất chui lên chỉ vừa bằng nắp chai nước. Khi những cơn mưa phùn dai dẳng của tháng 2 mùa xuân vừa dứt, nắng khẽ bừng lên là lúc rừng sặt búp măng nhú bạt ngàn. Măng sặt phải hái sớm lúc vừa nhú ăn mới ngọt, để già sẽ bị đắng không còn hương vị của thứ măng nổi tiếng này nữa.

Măng sặt Yên Bái nổi tiếng ngon nhất là măng ở Nghĩa Lộ. Búp măng chỉ dài khoảng 2 gang tay, gốc măng chỉ bằng nắp chai nước có màu trắng, áo măng là những mo tre nhỏ màu tía nhạt, phía trên đầu là màu xanh của búp. Măng hái về rửa sạch bùn đất rồi bóc bỏ mo, lá, chỉ lấy phần thân lõi màu trắng ngà ở giữa. Măng sặt hái lúc mới nhú, khi nhấm tươi ban đầu sẽ có vị hơi đắng nhẹ và rất nhanh là vị ngọt thanh của mầm non.

Măng sặt Yên Bái chế biến được nhiều món. Sau khi đã bóc áo có thể luộc chấm muối vừng, chấm chéo (gia vị của người Thái). Những cây măng hơi lớn có thể chẻ đôi, ba tùy. Măng sặt cũng có thể tước sợi rồi xào với thịt bò, sợi măng sẽ mềm, ngậy. Hoặc chỉ cần xào với hành hoa cũng có thể thưởng thức vị măng mềm, giòn sần sật rất quyến rũ. Món này có thể chẻ tư rồi nấu canh với xương lợn, thịt gà. Bát canh măng không giống như canh măng của người Hà Nội ngày tết mà nó ít độ ngậy hơn nhưng ngọt vì tươi.

Cứ đến mùa, măng được bán đầy các chợ của Yên Bái, có thể nhờ luôn người bán hàng bỏ vỏ áo măng giúp. Nếu mua về chưa chế biến ngay, hãy luộc rồi trữ trong tủ lạnh. Công đoạn luộc trước khi cất trữ này vừa loại bỏ chất đắng trong măng và quan trọng hơn là không cho măng “tăng trưởng” nữa để giữ độ non của búp. Cho dù, cuối xuân là mùa của đủ loại măng nhú lên mặt đất nhưng măng sặt Yên Bái là đặc sản khiến nhiều người phải nhớ và thèm.