Ngôi chùa của học thức và trí tuệ

ANTĐ - Chùa Bình Văn (xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh) không có gì đặc biệt với vẻ ngoài cổ kính, tôn nghiêm giống như bao ngôi chùa trên đất nước Việt Nam. Nhưng các văn bia còn lưu lại tới ngày nay đã chỉ ra ngôi chùa này là Thiền viện Phật giáo đầu tiên của Việt Nam. 

Tòa thượng điện chùa Bình Văn


Nơi hội tụ linh khí đế vương

Thuộc quần thể di tích tổ đình Phật giáo Việt Nam, chùa Bình Văn nằm lọt trong cấm thành Luy Lâu cổ xưa. Đây là một trong hai ngôi chùa có mặt trong nơi vua chúa xưa ở, bên cạnh ngôi chùa Phi tướng tự. Không ngẫu nhiên mà ngôi chùa được đặt trong tử cấm thành Luy Lâu. Bởi theo tương truyền, quần thể di tích tổ đình Phật giáo Việt Nam gồm phía đông là chùa Dâu, phía tây có chùa Dàn, phía bắc có chùa Tướng, phía nam có chùa Đậu, phía đông có chùa Tổ nằm ở đầu 5 con rồng, còn chùa Bình Văn nằm trên viên ngọc là nơi bảo tồn, hội tụ linh khí đế vương mà người ta gọi là Ngũ long tranh châu theo bia phả để lại. Có lẽ do nằm trên thế đất đặc biệt mà ngôi chùa này mang trong mình năng lượng khí thiêng rất mạnh. Với những người biết đến môn học Yoga, một lần được ngồi thiền tại nơi đây đều cho biết, họ cảm thấy rất khỏe mạnh và khoan khoái. 

Nguồn năng lượng này cũng được sử sách ghi lại trong văn bia còn tồn tại đến ngày nay. Bia đá của lần trùng tu thứ nhất của ngôi chùa là vào năm Cảnh Hưng thứ 10 đã ghi lại: Lần tôn tạo đầu tiên có bà họ Nguyễn ở thôn đằng Đông đi chùa Trí Quả. Đêm về nằm mộng thì thấy Phật bà hiện về bảo: con muốn đi tu thì về chùa Bình mà tu. Trong giấc mơ ấy bà đã thấy viên ngọc đá rồng và ánh sáng chói lóa phát ra từ ngôi chùa. Sau đó bà đã mang toàn bộ của cải trùng tu lại ngôi chùa và tu tại đây. Vị nữ sư trụ trì của ngôi chùa là Thích Đàm Huệ Tỉnh đã cho biết thêm: Mỗi ngày sư thầy đều bắt đầu tụng kinh niệm Phật từ 4h sáng. Và mỗi lần ngồi tụng kinh là một lần ngồi thiền. Rồi cả ngày chỉ ăn một bữa cơm chay, tay chân thì luôn việc đến tận đêm khuya nhưng người không thấy mệt mỏi mà trái lại nhẹ nhõm và nhanh nhẹn.

Thiền viện đầu tiên của Việt Nam

Bia niên đại Cảnh Hưng thứ 25

Hiện nay, ngôi chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá có lịch sử lâu đời như: chiếc chuông có từ thời Cảnh Thịnh nhất niên, 6 bia đá có từ Cảnh Hưng thứ 10. Việc dịch các bia phả để lại đã cho thấy chùa Bình Văn chính là Thiền viện Phật giáo đầu tiên của Việt Nam và là nơi phúc khảo quan lại, hàng năm là nơi chấm bài bình thơ, bình văn tại Giao Châu. Đây là ngôi chùa của học thức và trí tuệ công danh, thành công và thịnh vượng, bình an và hạnh phúc. Ở Thủ đô có Văn Miếu - Quốc Tử Giám để cầu về đường học hành thì ở Bắc Ninh, chùa Bình Văn là một nơi như thế. Trước mỗi kỳ thi đại học, con em quanh chùa đến cầu về đường học hành rất đông. 

Do tính chất đặc biệt quan trọng và linh thiêng nên trong suốt 2000 năm liên tục, ngôi chùa có các tổ sư kế tiếp trụ trì. Đến nay ngôi chùa do 2 sư nữ trông coi với diện tích lên tới 4.800m2. Là ngôi chùa cổ được xây dựng rất lâu, trải qua thời gian, phải đương đầu với thăng trầm của lịch sử, hiện ngôi Tam Bảo của chùa đã bị mối mọt hư nát, làm mất đi sự tôn nghiêm, và là nơi văn hóa tín ngưỡng cho bao thế hệ. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và sự giúp đỡ của nhân dân trong việc trùng tu lại ngôi Tam Bảo, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà khách là điều cần thiết để có chỗ sớm chiêu chiều mộ cầu cho quốc thái dân an và cũng là nơi giới thiệu sơ lược về văn hóa dân tộc, bảo vệ di sản của ông cha ta đã dầy công tạo dựng.