Ngoại tình bị phạt tiền: Xử lý không dễ

ANTĐ - Ngoại tình sẽ bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng - Đây là quy định của điều 46 trong Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp mà Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến dư luận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điều này không chỉ khó thực hiện mà còn gây tổn thương cho người bị “cắm sừng”.

Cái giá của hạnh phúc

Chị Nguyễn Hoài Minh (42 tuổi, Đại Cồ Việt, Hà Nội) đã xây dựng gia đình được 17 năm. Chị là giáo viên cấp 2, còn chồng chị làm đại diện cho một nhãn hàng thực phẩm khá nổi tiếng. Nhưng ngay từ khi con gái đầu của chị mới 1 tuổi, chị đã phát hiện chồng mình qua lại với người tình cũ. Hai người còn thường xuyên đi ăn, đi xem phim, bạn bè chị đã nhiều lần bắt gặp. Lúc đó, chị chỉ biết khóc, nhiều lúc ôm con đi lang thang, chỉ muốn tự tử. Chị cũng không dám bỏ chồng vì bố mẹ ở xa, con nhỏ, công việc còn chưa ổn định. Khi đó, chồng chị cũng hứa hẹn sửa đổi, chấm dứt quan hệ nên chị bỏ qua. Khi con 3 tuổi, chị lại phát hiện chồng mình cặp bồ với đối tác. Anh ta còn ngang nhiên lưu những tin nhắn tình cảm ướt át xác thịt trên điện thoại. Ở máy ảnh cũng lưu nhiều ảnh đi du lịch của hai người. Chị đã dự định bỏ chồng thì lại phát hiện mình có thai. Suốt thời gian mang thai, chị trầm cảm, đứa con trai sinh ra cũng còi cọc, yếu ớt. 

Chồng chị mải mê niềm vui có con trai nên tu tỉnh được một thời gian. Chị Minh vì các con cũng nguôi ngoai dần. Hơn nữa, chị cũng không thể khiến các con tan đàn xẻ nghé khi ly hôn nên cố nhịn nhục. Nhưng giáp tết âm lịch, chị lại sững người khi bắt gặp chồng mình bá vai bá cổ một cô gái trẻ từ nhà nghỉ đi ra. Khi chị lao vào cấu xé người phụ nữ kia thì người chồng còn đẩy chị ngã lăn xuống đường. Anh ta phủi áo rồi khinh bỉ: “Làm trò cười cho thiên hạ mà không biết nhục à”. 

Về nhà, anh ta gí vào mặt chị tờ báo có đăng tin về việc ngoại tình bị xử phạt 200.000 đồng rồi cười khẩy: “Nếu cô thích thì ly hôn, còn pháp luật cũng chỉ lên án việc này với giá 200.000 đồng thôi, còn ít hơn tiền thuê khách sạn. Tôi nộp luôn mấy chục triệu đồng một thể”. Không chỉ thế, người chồng còn đắc ý: “Đấy là tôi tự giác nộp chứ ai chứng minh được tôi chung sống như vợ chồng với người khác. Tôi quan hệ tình dục với ai là quyền của tôi. Có luật nào quy định cưới vợ xong là phải ngủ với vợ đâu”. 

“Tôi tổn hại tinh thần. Hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ. Vậy mà hành vi đó chỉ bị phạt 200.000 đồng, thậm chí còn khó tìm được bằng chứng chứng minh anh ta “chung sống như vợ chồng với người khác”. Cái giá rẻ mạt của việc xử phạt hành vi ngoại tình đó khiến tôi cảm thấy phẫn uất, thấy bị miệt thị, diễu cợt” – chị Minh cho biết. 

Khó tìm bằng chứng

Luật sư Nguyễn Văn Tú -  Giám đốc Công ty Luật TNHH FANCI – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang cho rằng, việc tìm kiếm bằng chứng để quy kết một người phạm tội “chung sống như vợ chồng” là rất khó khăn. Hiện nay phần lớn các thành viên bị xâm phạm vẫn đang phải tự mình, nhờ luật sư và đặc biệt là các thám tử cung cấp còn cơ quan nhà nước thì hầu như không có. 

Bà Hà Thanh Vân – Phó Trưởng ban Luật pháp chính sách (Hội LHPN Việt Nam ) cho biết: “Hiện tượng ngoại tình khó có thể chứng minh được họ đang chung sống “như vợ chồng” vì không có tiêu chí để xác định. Trong sự biến chuyển của xã hội, cấu trúc hôn nhân cũng có nhiều thay đổi, quan hệ giữa vợ và chồng cũng biến đổi theo, các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình cũng đa dạng và lắt léo hơn. Nếu Luật không ra các nghị định hướng dẫn, giải thích cặn kẽ, gọi tên các hiện tượng một cách cụ thể thì đối tượng có thể cãi phăng đi, Tòa không thể có căn cứ xử lý. Lúc đó, nhiều vụ việc sẽ phải dựa hoàn toàn vào chủ quan của Thẩm phán”. 

Cùng quan điểm này, ông Phạm Vũ Thiên – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến – Sức khỏe dân số cho rằng, cụm từ “chung sống như vợ chồng” sẽ đánh đố người thi hành luật. Xưa nay, Luật Hôn nhân gia đình vẫn có điều khoản nghiêm cấm “chung sống như vợ chồng” chứ không cấm “quan hệ tình dục” với người khác ngoài vợ (chồng) mình. Thậm chí, theo ông Thiên, sẽ cần tính đến cả việc ai sẽ là người trả tiền cho hành vi ngoại tình đó. Vì thực tế thi hành Nghị định xử phạt của Luật Phòng chống Bạo lực gia đình, nhiều ông chồng đánh vợ bị phạt, nhưng vợ phải cầm tiền đi nộp phạt, sau đó, người chồng lại tiếp tục đánh vợ để “cho hết 1 triệu đồng” (nộp phạt). 

 “Ngoại tình không phải là câu chuyện của riêng ai. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng thiếu thuỷ chung trong quan hệ vợ chồng là sự nhàm chán, buồn tẻ, khô cứng. Chúng ta cần nhìn nhận nó một cách khách quan, nhân văn để giải quyết hoặc hạn chế chứ nhất định không được có thái độ né tránh hoặc lớn tiếng mạt sát, rủa nguyền. Càng không thể giải quyết bằng “phạt tiền”, vì tiền không khiến tình nghĩa quay trở lại mà chỉ càng làm cho nhau tổn thương. Nếu vì “phạt tiền” mà vợ chồng càng xa cách, gia đình tan lúc này, lỗi tại ai, sẽ phạt ai?” – chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn - Giám đốc Công ty TNHH tư vấn tâm lý, đào tạo phát triển Cá nhân & Cộng đồng) phân tích.