PGS.TS Nguyễn Thị Ngân Hoa:

Ngoại ngữ 1 chỉ có thể là tiếng Anh, đừng thử nghiệm dạy tiếng Trung

ANTD.VN -PGS.TS Nguyễn Thị Ngân Hoa, Phòng Khoa học Công nghệ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cố vấn giáo dục hệ thống trường Tiểu học và Trung học cơ sở Pascal, là người có trên 20 năm công tác trong ngành giáo dục, với chuyên ngành Ngôn ngữ học, lĩnh vực nghiên cứu như: Việt ngữ học; ngôn ngữ văn chương; giáo dục ngôn ngữ. Ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Ngân Hoa về việc dạy và học ngoại ngữ rất đáng chú ý. Theo đó, ngoại ngữ 1 chỉ có thể là tiếng Anh, đừng thử nghiệm dạy tiếng Trung, tiếng Nga…

Vì sao chọn học tiếng Anh làm ngoại ngữ 1?

Vì đó là ngôn ngữ đã quốc tế hoá và được xây dựng bộ công cụ dạy tiếng chuẩn hoá, hiện đại và phong phú nhất trên thế giới.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngân Hoa (thứ 2 từ trái sang) cùng đại diện BGH trường Tiểu học và THPT Pascal chụp ảnh lưu niệm với thần đồng Đỗ Nhật Nam

Có nhiều tài liệu để lựa chọn nhưng chuẩn đầu ra rõ ràng và đủ các cấp độ của năng lực ngôn ngữ cho các đối tượng, trên cơ sở chuẩn tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất, là bản ngữ.

Dù các đối tượng chọn chương trình và tài liệu học tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, cũng phải hướng tới tiếp cận chuẩn của người bản ngữ (IELTS, SAT...). Không có chuyện hạ chuẩn tiếng Anh cho "thiểu số" hay chấp nhận cái kém của "đa số".

Các tài liệu học tiếng Anh của các đại học Anh, Mỹ hay Úc đều được thiết kế theo hướng dụng học (pragmatics), nhằm phát triển năng lực giao tiếp (sử dụng ngôn ngữ đạt hiệu lực cao trong tất cả các lĩnh vực), từ hội thoại hằng ngày đến các lĩnh vực: chính trị, xã hội, truyền thông, khoa học, hành chính. 

Tiếng Anh là ngôn ngữ trung gian được quy định để dịch mọi ngôn ngữ trong giao tiếp quốc tế trong mọi lĩnh vực hoạt động quan trọng giữa các quốc gia: chính trị- ngoại giao, khoa học, truyền thông quốc tế. 

Vì sao nên học thêm ngoại ngữ 2 và chọn ngoại ngữ 2 là gì?

Như trên đã nói, quan điểm ngoại ngữ 1 phải là tiếng Anh và theo chuẩn quốc tế, không tự biên tự diễn xào xáo kiểu Việt Nam lâu nay. Cách dạy tiếng Anh trong nhà trường ở Việt Nam làm chẳng giống ai, học đi học lại vẫn “How are you?”, “What's your name?”. Họ từ tiểu học lên đại học cứ xoáy trôn ốc về cái máng lợn cũ, làm người học chán ốm và cảm giác bị coi thường, cứ như thể họ là như lũ đần vậy. 

Tiếng Anh muốn đạt chuẩn đầu ra mong đợi là hết trung học cơ sở học sinh đạt từ 5,5-6,0 IELTS, để có thể chủ động tiếp tục sử dụng ngôn ngữ này làm công cụ giao tiếp và học tập, thì phải học từ tiểu học và học theo hệ giáo trình quốc tế của Cambridge hoặc Oxford. Không thể “tự chế tạo” ra giáo trình Anh ngữ kiểu Việt Nam hiện chẳng theo chuẩn gì.

Tại sao tôi phản đối việc Việt hoá tài liệu dạy học tiếng Anh, dù Bộ Giáo dục và đào tạo mời đủ các Giáo sư hay chuyên gia làm dự án xây dựng tài liệu này? Tại vì ngay cả bộ giáo trình, công cụ dạy học tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và như ngôn ngữ thứ 2 (cho trẻ em dân tộc), cũng như tài liệu dạy học tiếng Việt như một ngoại ngữ cho sinh viên nước ngoài cũng còn chưa được xây dựng cho ra hồn. Đó là một thực tế rất buồn.

Thần đồng Đỗ Nhật Nam dạy tiếng anh cho các bạn học sinh trường Pascal và Newton (Hà Nội)

Cũng có một số giáo trình dùng được, nhưng nửa vời, không đủ bộ công cụ (chẳng có đủ audio, media hay các công cụ online và công cụ đánh giá chuẩn đầu ra). Giáo trình chỉ gồm có mỗi quyển sách, rồi giáo viên tự biên tự diễn, chẳng dạy được thì tự chế, thích cho ra lúc nào, đề thi thế nào thì tùy cơ ứng biến!. 

Tại sao đang nói về ngoại ngữ 2 mà lại nhảy sang tiếng Việt như vậy? Là vì tiếng Việt là sở trường, là tiếng mẹ đẻ của ta mà tài liệu còn linh tinh thế, thì ta đi biên soạn tài liệu ngoại ngữ chỉ tổ tổn hại tiền bạc thời gian. Chắc chắn không đi tới bến bờ nào. Không hiệu quả được.

Để dạy và học tiếng Anh hiệu quả, thì cần tập trung một ngoại ngữ là tiếng Anh. Từ tiểu học tiếp nối lên trung học cơ sở là 9 năm, theo một chương trình chuẩn, không có “đồng tâm” “đồng tiếc” hay xoáy “trôn ốc” “trôn iếc” gì cho rách việc ra. Đến lúc nào mới học ngoại ngữ 2? 

Ngoại ngữ 2 là chương trình tự chọn chỉ nên triển khai sớm nhất là từ lớp 6, có thể lớp 10, hoặc vào đại học, tuỳ định hướng và nhu cầu của gia đình và của chính người học.

Nên chọn ngoại ngữ 2 là các ngôn ngữ nào?

Trong thời gian tới, Việt Nam chỉ nên chọn ngoại ngữ 2 là các ngôn ngữ: Pháp, Đức, Nhật, Hàn. Tại sao? Tại vì cơ hội học tập của sinh viên ở các quốc gia này nhiều hơn, học bổng nhiều hơn, cơ hội việc làm sau khi có ngoại ngữ này nhiều hơn.

Mặt khác Nhật Bản và Hàn Quốc có nhiều tập đoàn có cơ sở đầu tư tại Việt Nam. Mối quan hệ về kinh tế và thị trường lao động giữa Việt Nam và các quốc gia này tương đối "lành mạnh".

Từ Mỹ về nghỉ hè năm 2015, 2016, thần đồng Đỗ Nhật Nam liền đứng lớp dạy tiếng anh cho các bạn học sinh trường Pascal và Newton (Hà Nội)

Thêm nữa Nhật, Pháp và Đức đều là cường quốc khoa học kỹ thuật nên làm chủ các ngôn ngữ này cùng tiếng Anh, thì cơ hội tiếp cận một cách tử tế khoa học kỹ thuật của sinh viên Việt Nam cao hơn, Việt Nam mới mạnh lên về nhân lực được. 

Việc triển khai ngoại ngữ 2 trong nhà trường phổ thông cũng phải có lộ trình chặt chẽ, để sau 4 năm trung học cơ sở học sinh đủ vốn ngoại ngữ của một ngôn ngữ nữa nhằm tự học và tự phát triển trình độ ngoại ngữ, tránh tình trạng học trước quên sau, học chẳng để làm gì.

Chỉ những học sinh nào đạt chuẩn tiếng Anh sau 5 năm tiểu học, mới nên được tư vấn để lựa chọn ngoại ngữ 2 thích hợp. Việc lựa chọn ngoại ngữ 2 từ trung học phổ thông (lớp 10) cần gắn với tư vấn hướng nghiệp để tạo động lực và cơ hội học tập, cơ hội việc làm cho học sinh trung học.