Nghiêm trị hành vi đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Facebooker Đặng Như Quỳnh cho thấy sự nghiêm minh của luật pháp cũng như quyết tâm tạo không gian lành mạnh trên mạng xã hội.

Hiểm họa từ những thông tin “chưa được kiểm chứng”

Theo Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an, bị can Đặng Như Quỳnh đã đăng tải các thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội Facebook có hàm ý một số cá nhân là đại diện của các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán sắp bị bắt, xử lý hình sự, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, làm thiệt hại về kinh tế, uy tín của tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư.

Thời gian gần đây, đúng là có việc các cơ quan chức năng khởi tố các vụ án vi phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, như hành vi gian dối trong việc phát hành trái phiếu, huy động tiền nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh), hay vụ “thao túng thị trường chứng khoán”, “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam của lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC). Những thông tin liên quan đến các vụ vi phạm pháp luật này đều đã được các cơ quan chức năng công khai rộng rãi đến dư luận.

Cơ quan công an lập biên bản vi phạm với đối tượng thông tin thất thiệt về đại dịch Covid-19

Cơ quan công an lập biên bản vi phạm với đối tượng thông tin thất thiệt về đại dịch Covid-19

Tuy nhiên, cách đưa tin của Đặng Như Quỳnh lại khác. Lợi dụng việc dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm đến các vụ án trên, là một Facebooker có lượng lớn người theo dõi, có những thông tin đăng tải trên trang mạng xã hội cá nhân được nhiều người quan tâm, chia sẻ, Quỳnh đã tự đăng thông tin suy diễn rằng thời gian tới Bộ Công an sẽ khởi tố và xử lý những cá nhân, doanh nghiệp có ảnh hưởng trên thị trường tài chính, chứng khoán tương tự như hai vụ án trên.

Những thông tin “chưa được kiểm chứng” mà Quỳnh và một số người khác đăng tải được chia sẻ rất nhiều trên các diễn đàn người chơi chứng khoán, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các nhà đầu tư chứng khoán và góp phần làm giá cổ phiếu của những công ty, doanh nghiệp bị “điểm tên” trên Facebook giảm giá liên tục. Nhiều nhà đầu tư bức xúc bởi tài khoản chứng khoán của họ lỗ nặng sau những thông tin thất thiệt được đăng tải trên nhiều diễn đàn.

Việc làm của Đặng Như Quỳnh đã phạm vào tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, được quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Hiện Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, giải quyết vụ án và khuyến cáo người dân không nghe theo, tiếp tay, lan tỏa những thông tin chưa được kiểm chứng.

Trước đó, hồi tháng 3-2022, Công an TP.HCM cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo cơ quan điều tra, bà Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên Internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Từ khoảng tháng 3-2021 đến khi bị bắt, bà Hằng thường xuyên livestream “tố” không có cơ sở nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, MC Đại Nghĩa... ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020. Trong lời nói, bà Hằng sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Quá trình điều tra, bà Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh, trật tự tại TP.HCM và các địa phương khác.

Tạo không gian mạng lành mạnh, thông suốt

Mạng xã hội là phương tiện kết nối, chia sẻ thông tin nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý tò mò, “hóng” tin của số đông người dùng mạng xã hội, có những người đã cố tình tung ra những thông tin có tính chất độc, lạ, tin giả, tin không đúng sự thật nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng. Trong khi đó, người sử dụng mạng xã hội thường bị kích thích bởi tính “giật gân” thông tin nên vẫn lan truyền trên mạng xã hội mà không quan tâm tới việc nội dung của tin có bao nhiêu phần trăm sự thật. Đáng chú ý hiện nay, một số ít “cư dân mạng” cho rằng không gian mạng là môi trường “ảo” thì không ai phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn do mình viết ra hay lan truyền thông tin nào đó từ người khác.

Trên thực tế, tin bịa đặt, tin không đúng sự thật, tin giả chẳng khác nào như một loại virus độc hại. Nó xâm nhập, gây rối dư luận, gây rối lòng tin, thậm chí làm khủng hoảng niềm tin. Các thế lực phản động, thù địch và cơ hội chính trị cũng thường xuyên lợi dụng điều này để xuyên tạc, kích động chống phá hòng gây mất ổn định đất nước ta.

Cần phải khẳng định rằng, đăng tải thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc là hành vi vi phạm pháp luật. Để không gian mạng được thông suốt, lành mạnh, thật sự là nơi để học hỏi, chia sẻ tri thức, giao lưu và thực hiện các hoạt động khác, chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ để loại bỏ các loại tin nguy hiểm này. Pháp luật đã có những chế tài ngăn chặn, xử lý các hành vi này và tùy theo tính chất, mức độ, loại hành vi, hậu quả của hành vi mà cá nhân đó có thể bị khởi kiện để yêu cầu bồi thường về dân sự, bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Điều 25 - Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tuy nhiên, cùng với đó, khoản 4, Điều 15, Hiến pháp 2013 quy định: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 (được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 1-3-2018 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng) nghiêm cấm hành vi: “Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.

Thậm chí, tùy vào hành vi và nội dung vi phạm, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như: “Tội làm nhục người khác” (Điều 155); “Tội vu khống” (Điều 156); “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (Điều 331).

Với người dùng mạng xã hội, điều quan trọng là cần thận trọng khi tiếp nhận thông tin, trang bị cho mình kiến thức hiểu biết để nhận diện đâu là thông tin thật - giả, phải kiểm chứng nguồn tin nào là chính thống nếu muốn đăng tải, chia sẻ. Khi chưa khẳng định là nguồn tin chính thống, tin cậy hay nghi ngờ tin giả, tin bịa đặt cần tham khảo ý kiến của những cơ quan, đơn vị có liên quan hoặc những người xung quanh. Nếu biết là thông tin giả hoặc bịa đặt thì báo ngay cơ quan chức năng hoặc tổ chức để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật.