Nghiêm cấm tự ý đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam

ANTĐ - Các dự án Luật Trưng cầu ý dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã được các ĐBQH thảo luận sôi nổi tại nghị trường trong phiên họp ngày 3-6.

Nhiều hành vi bị cấm

Mở đầu phiên họp sáng 3-6, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Dự thảo bổ sung chương mới quy định chi tiết nội dung liên quan đến bắt giữ tàu biển như: các trường hợp được bắt giữ tàu biển, thẩm quyền và trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển. Dự thảo cũng xác định, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng hải, nhằm bảo đảm an toàn hàng hải trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo như: Gây phương hại hoặc đe dọa gây phương hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia; Cướp biển hoặc có hành vi bất hợp pháp chống lại hoạt động hàng hải; Ngăn chặn, cản trở quyền tự do hàng hải trên biển; Tự ý đưa giàn khoan di động vào hoạt động, lắp đặt thiết bị, công trình, đảo nhân tạo trong vùng biển Việt Nam, khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Nghiêm cấm tự ý đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam ảnh 1

Vấn đề bảo đảm an toàn hàng hải trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo được quan tâm đặc biệt trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam

Tham gia thảo luận nội dung này, ĐB Nguyễn Phi Thường - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho rằng: “Dự thảo chưa đáp ứng được yêu cầu kiến tạo sức mạnh chủ quyền quốc gia trên biển, chuyển hướng sang kinh tế biển, hội nhập và dẫn dắt các hoạt động hàng hải quốc tế, chủ động áp đặt các xu thế có lợi cho Việt Nam…”. 

Chính sách phát triển hàng hải được các ĐB đặc biệt quan tâm. ĐB Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: “Đây là điểm yếu nhất trong dự án luật lần này. Giao thông hàng hải của ta yếu, chưa cạnh tranh được với các nước khác”. Cùng quan điểm này, ĐB Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam cho rằng: “Hàng hải phải nối kết với đường bộ, đường sắt để làm sao hàng hóa không bị ùn tắc. Hiện nay vẫn bị chậm, chưa đồng nhất, chưa tận dụng được đồng thời hiệu quả của các loại hình vận tải”. Trăn trở với thực trạng hàng nghìn container chứa rác thải công nghiệp độc hại vô chủ nằm tại các cảng biển từ hàng chục năm nay, một số ĐB đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định ràng buộc trách nhiệm của các đối tượng liên quan, quy định chế tài để khắc phục dứt điểm nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác thải công nghiệp của thế giới. 

Chưa tán thành tự vận động bầu cử 

Cũng trong ngày 3-6, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. ĐB Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, nếu cho phép tự vận động bầu cử sẽ làm mất tính công bằng trong bầu cử. Tán thành quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia, ĐB Danh Út (Kiên Giang) đề nghị bổ sung thêm cụm từ “cấm vận động bầu cử trái pháp luật”. Còn theo ĐB Siu Hương (Gia Lai), nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ, đề nghị xem xét, làm rõ hơn quy định về thẩm quyền và thời gian giải quyết khiếu nại tố cáo của tổ bầu cử.

Tại buổi thảo luận tổ chiều 3-6, các ĐB đã góp ý vào dự án Luật Trưng cầu ý dân. Nhìn chung, các ĐB cho rằng, việc trưng cầu ý dân chính là thực hiện dân chủ, đề cao quyền lực của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, bảo đảm để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình vào việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời thể hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. 

Ông Trần Ngọc  Vinh - 
Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng: 

Cần quy định bắt giữ tàu xâm phạm vùng biển chủ quyền

“Tôi đồng tình đưa quy định về bắt giữ, tạm giữ tàu biển vào Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Điều này có vai trò quan trọng trong việc giữ vững, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tàu thuyền các nước khác khi xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam thì chúng ta phải bắt giữ, xử lý trên cơ sở luật pháp quốc tế.

 Tuy nhiên, phải quy định các bước cụ thể trong quá trình bắt giữ tàu biển. Cần quy định thêm: “Nếu các tổ chức, cá nhân bắt giữ tàu biển không đúng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường”. Điều này đảm bảo tính khách quan, công bằng cho mọi đối tượng mà luật hướng tới”. 

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Nên có tỷ lệ cụ thể về người trẻ ứng cử đại biểu Quốc hội

“Trong  dự thảo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, các nội dung nói về cử tri phải thể hiện rõ hơn nữa điều đã được ghi trong Hiến pháp là “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Ở đây, cử tri chính là người thực hiện quyền lực của nhân dân. Do đó, cần phải quy định rõ quyền, cũng như trách nhiệm của cử tri.

Nên quy định rõ: Cử tri phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm công dân trong hoạt động bầu cử như tham gia hội nghị cử tri, tự mình đi bầu cử… Vấn đề thứ hai tôi rất quan tâm là về bình đẳng giới. Tôi tán thành cách quy định tỷ lệ ứng cử viên ĐBQH là nữ, nhưng đây mới chỉ là tỷ lệ với tổng số ứng cử của toàn quốc, còn từng tỉnh, thành phố và đơn vị bầu cử vẫn chưa rõ. Ngoài ra, tỷ lệ về người tái cử ĐBQH hay ứng viên ĐBQH là người trẻ tuổi cũng chưa được quy định trong dự thảo luật.

Thuần Thư (Ghi)