Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong chương trình hành động vừa ban hành, Chính phủ nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.
Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông ảnh 1

Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 149/NQ-CP về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới.

Mục tiêu của chương trình nhằm hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường, kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông.

Để đạt được những mục tiêu trên, chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Nhiệm vụ số 1 là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Kịp thời khởi tố các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm, điều tra, xử lý nghiêm minh.

Đặc biệt, nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

Đồng thời, thay đổi tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm TTATGT…

Nhiệm vụ thứ 2, Chính phủ yêu cầu rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao thông; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông.

Thứ 3 là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT.

Thứ 4 là tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông.

Cụ thể, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm, hệ thống đường cao tốc, tàu cao tốc.

Thứ 5, chương trình hành động của Chính phủ yêu cầu nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT.

Trong đó, cần đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông; quản lý chặt chẽ việc cấp biển số phương tiện giao thông; nghiên cứu, hoàn thiện quy định quản lý nhà nước đối với biển số phương tiện giao thông.

Cùng đó, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn.