Nghịch lý khó chấp nhận

ANTĐ - Đánh giá về tình hình lao động tại Việt Nam, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế nhận định, gần một nửa số người thất nghiệp trong năm 2012 ở độ tuổi 17 đến 24. Song đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì 4 triệu, tức 53% số thanh niên đang làm những công việc dễ bị tổn thương: Năng suất lao động thấp, thu nhập kém, điều kiện lao động không đảm bảo và không được bảo hiểm. Chất lượng việc làm cho thanh niên giảm, trong khi tình trạng thiếu việc làm và nghèo có xu hướng tăng lên.

Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở, trong báo cáo mới đây trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo cũng thừa nhận tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm trái với chuyên ngành đào tạo. Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động cho biết, từ năm 2009-2012, mỗi năm có khoảng 2.000 sinh viên không thể kiếm được việc làm hoặc phải làm công việc trái ngành, thấp hơn trình độ đào tạo. Có khá nhiều sinh viên đại học làm công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để mưu sinh vì rất khó tìm được việc đúng ngành, đúng trình độ. Hiện nay, mỗi năm có hơn 1 triệu thanh niên bước vào thị trường lao động, nhưng rất khó tìm được việc làm ưng ý.

Nguyên nhân là do cử nhân mới ra trường thường khó đáp ứng các tiêu chí mà doanh nghiệp đề ra. Trong khi đó, theo khảo sát của HĐND TP Hà Nội, nhu cầu về đào tạo nghề của lao động nông thôn, nhất là thanh niên ở Hà Nội là rất lớn, nhưng đến nay thành phố vẫn đang “dư thừa” cả trăm tỷ đồng tiền ngân sách chi cho chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Theo kế hoạch, từ cuối năm 2009 đến năm 2015 phải giải ngân 709 tỷ đồng, nhưng đến hết năm 2012 mặc dù được cấp 285 tỷ đồng mà chỉ giải ngân được 162 tỷ đồng. Như vậy năm 2012 vẫn còn tồn đọng tới 120 tỷ đồng chưa giải ngân được. Kinh phí của năm 2013 cũng được cấp 165 tỷ đồng nhưng tiến độ giải ngân vẫn ì ạch không kém. Kết quả giám sát cho thấy, việc tổ chức lớp học rất khó khăn do số người đăng ký rất đa dạng, trình độ học viên không đồng đều, số người tìm được việc làm sau đào tạo quá thấp. Vì thế nhiều người không mặn mà với việc học nghề, đào tạo mà chỉ muốn kiếm được tiền ngay. Trên thực tế, Hà Nội còn cả một đội quân lao động đông đúc bị ảnh hưởng nặng nề bởi bị thu hồi đất nông nghiệp. Mặc dù họ cầm trong tay một “cục tiền” từ kinh phí thu hồi đất, tiền bồi thường không nhỏ, song không mấy lo xa cho tương lai bằng việc học nghề. Đa phần ném tiền vào xây nhà, mua sắm hoặc lao vào một số nghề dịch vụ kiếm tiền nhanh.

Đã đến lúc phải thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hệ thống giáo dục đào tạo, dạy nghề và thị trường lao động cũng như doanh nghiệp. Trong khi “thừa” cả trăm tỷ đồng đào tạo nghề, thì hàng trăm nghìn thanh niên vẫn bơ vơ không có việc làm. Thật là một nghịch lý khó chấp nhận mà vẫn tồn tại bấy lâu nay.