Nghịch lý khi doanh nghiệp chỉ thích lao động phổ thông

ANTĐ - Lý do là các doanh nghiệp muốn tự đào tạo lao động từ đầu, thay vì nhận lao động được các cơ sở dạy nghề của Việt Nam đào tạo sẵn chuyên môn, song không phù hợp.

Nghịch lý khi doanh nghiệp chỉ thích lao động phổ thông ảnh 1
Các doanh nghiệp nước ngoài thường chỉ thích nhận lao động phổ thông vào đào tạo
từ đầu, thay vì nhận lao động được các cơ sở dạy nghề Việt Nam đào tạo sẵn
(Ảnh minh họa)


Nửa cuối buổi chiều hôm nay (13-6), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền là vị trưởng ngành thứ 3 trả lời chất vấn của các vị ĐBQH. Các câu hỏi tập trung vào biện pháp giải quyết việc làm (đặc biệt cho vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số), đào tạo nghề, xuất khẩu lao động (liên quan đến việc có phép, không phép), những vướng mắc trong giải quyết chính sách người có công...

Mở đầu, ĐB Trần Quốc Tuấn (tỉnh Trà Vinh) đề cập đến việc cần khai thác hiệu quả nguồn lực của công tác dạy nghề. Ông cho rằng hiện nay các trường dạy nghề không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí khi có trường, có thày, nhưng thiếu trò. Các học viên sau khi đào tạo không có tay nghề đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, phải đào tạo lại.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền xác nhận, tại một số địa phương đây là tình hình thực tiễn. Bà cho biết, hiện toàn quốc có hơn 1.000 cơ sở dạy nghề, trong đó của công lập là trên 800 cơ sở, của tư thục có trên 100 cơ sở, doanh nghiệp có vài chục cơ sở. Tình trạng thiếu học viên trong lĩnh vực dạy nghề, xuất phát từ nhận thức của các bạn trẻ không muốn học nghề lao động trực tiếp.

“Do điều kiện các trường nên nội dung đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp cần”- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thẳng thắn- “Ở Bắc Ninh có doanh nghiệp nước ngoài đến xây dựng nhà máy, nhưng họ chỉ muốn chỉ tuyển lao động mới tốt nghiệp lớp 12 để tự đào tạo. Nguyên nhân do cơ sở dạy nghề của chúng ta chỉ đào tạo những cái đang có, mà chưa cập nhật được những cái mới, cái cần của doanh nghiệp; còn lao động kỹ thuật cao thì theo quy định doanh nghiệp nước ngoài được mang vào”

Nữ bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ tiến hành sơ kết 3 năm về vấn đề này, chỉ đạo hệ thống ngành dọc, các trường dạy nghề phải gắn với thị trường lao động. Phải chủ động tìm hiểu xem các doanh nghiệp quanh vùng cần gì rồi gắn với lĩnh vực mình có để đào tạo.

Trả lời ĐB Nguyễn Minh Lâm (tỉnh Long An) về công tác đào tạo nghề nông thôn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phân tích: Lao động nông thôn không hoặc chưa được đào tạo, chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, rất cần rèn luyện kỹ năng để nâng cao năng suất lao động. Liên quan đến đến quản lý lao động tự do ở những địa giới giáp biên, bà Chuyền cho rằng: Do điều kiện kinh tế xã hội từng vùng, tình hình này có từ lâu đời. Bộ LĐ,TB&XH đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng dự thảo quy định, sắp tới sẽ tiến hành xin ý kiến các bộ ngành về vấn đề này, làm thế nào để ra được quy định quản lý lao động vùng biên cho phù hợp.

Về trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài, Bộ trưởng đưa ra con số: Hiện chúng ta có khoảng 500.000 lao động làm việc tại thị trường các nước, nhưng chỉ có 8 ban quản lý, phần đông còn lại là cơ quan ngoại giao có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người lao động.

Do đã có quy định trách nhiệm doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi xuất khẩu là trong trường hợp xảy ra sự cố thì trước tiên doanh nghiệp phải tự tháo gỡ, không làm được phải báo cáo ban quản lý hoặc đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để phối hợp giải quyết, nên những năm gần đây xảy ra một số vụ thì cơ bản đều được giải quyết.

Tuy nhiên một số ít lao động lại ra nước ngoài làm việc thông qua những doanh nghiệp hoặc cá nhân không có giấy phép xuất khẩu lao động (đi chui) nên khi xảy chuyện, việc giải quyết hậu quả là rất khó khăn. “Cần siết lại vấn đề này”- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chốt lại.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH sẽ được tiếp tục vào sáng mai (14-6).