“Nghĩa trang đặc biệt” của xóm Bàu

ANTĐ - Những ngôi mộ cô hồn vô chủ nằm rải rác ở bờ khe nước, gốc phi lao, nương vườn... đã được người dân xóm Bàu (thôn Cu Hoan, xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) chung tay quy tập lại rồi cùng tình nguyện góp tiền xây dựng một khu nghĩa trang nhỏ nằm ở cuối xóm để tiện chăm sóc, hương khói thường xuyên...

Xóm nghèo làm việc nghĩa

Khu nghĩa trang nhỏ này nằm ở trảng cát cuối xóm Bàu, thôn Cu Hoan, xã Hải Thiện, vừa được khánh thành cách đây khoảng 1 tháng. Xóm Bàu nằm ngay ở vùng cát khắc nghiệt, đoạn giáp ranh giữa xã Hải Thiện với xã Hải Vĩnh, là nơi sinh sống của 60 hộ dân. Đời sống của người dân ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu sống bằng nghề thuần nông và trồng trọt trên vùng cát. Nhưng tấm lòng của người dân nơi đây lại hết sức cao cả.

Chúng tôi tìm gặp anh Lê Văn Hoa, 45 tuổi, phó xóm Bàu. Anh Hoa cùng với ông Lê Văn Mảnh, xóm trưởng và ông Mai Huỳnh, thư ký xóm là những người góp công lớn cho sự ra đời của khu nghĩa trang cô hồn của xóm Bàu. Dù đang là mùa vụ bận rộn nhưng anh Lê Văn Hoa vẫn vui vẻ gác lại công việc quạt lúa của mình dành thời gian dẫn chúng tôi ra trảng cát cuối thôn thăm khu nghĩa trang đặc biệt của xóm. Trước mắt chúng tôi, giữa những hàng cây keo tràm xanh mát đang rợp bóng là khu nghĩa trang cô hồn của xóm Bàu. Những hàng mộ chí tròn đều trắng toát nằm thẳng hàng ngay ngắn vẫn còn mới tinh, thoang thoảng mùi vôi ve.

Nghĩa trang cô hồn ở xóm Bàu

 Anh Hoa kính cẩn đốt nhang thắp ở khu vực tấm bia chính của nghĩa trang sau đó lần lượt thắp lên tất cả 50 ngôi mộ. Xong công việc thường lệ của mình, anh Hoa ngồi nghỉ ở gốc cây trò chuyện với chúng tôi. Anh Hoa tâm sự, thực ra ý nguyện xây dựng khu nghĩa trang này được anh và dân xóm Bàu ấp ủ từ lâu. “Nhưng hồi trước khổ quá, gia đình nào cũng vất vả chạy ăn từng bữa nên chưa thực hiện được. Nay đời sống của bà con có khấm khá hơn nên chúng tôi mới quyết tâm thực hiện dự định đầy ý nghĩa này”.

Anh Hoa khấn vái trước khu nghĩa trang cô hồn

Những bậc cao niên xóm Bàu kể rằng, khu vực rú Cu Hoan vốn nổi tiếng từ xưa về sự thâm u. Hồi đó rú Cu Hoan là một trong những khu vực cây cối rậm rạp và hoang sơ với nhiều loại thú dữ, trải dài đến gần khu vực trằm Trà Lộc ngày nay. Đã có rất nhiều người vượt rú đã bỏ mạng vì thú dữ. Đến thời chiến tranh, rú Cu Hoan trở thành nơi che chở cho các chiến sĩ bộ đội ẩn nấp chiến đấu như một công sự thực thụ. Và rồi rú Cu Hoan cũng chịu sự tàn phá khốc liệt của bom đạn chiến tranh. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều chiến sĩ bám trụ chiến đấu đã hy sinh tại đây. Cũng chính vì hoàn cảnh đó mà khu vực này vẫn còn tồn tại rất nhiều ngôi mộ vô chủ, không có nguồn gốc.

 Trải qua thời gian và bao biến cố thăng trầm, rú Cu Hoan rậm rạp ngày xưa đã biến mất, chỉ còn lại những bãi cát trắng dài hun hút và lác đác những bụi cỏ khô khốc. Chính vì thế rất nhiều ngôi mộ đã bị mất dấu bởi nạn cát bay, cát nhảy. Những ngôi mộ khác cũng có nguy cơ bị xoá sạch dấu vết. Sinh sống tại mảnh đất này từ xưa, người dân xóm Bàu cảm thấy rất xót xa trước thực trạng những ngôi mộ vô chủ không được hương khói thường xuyên và có nguy cơ mất dần. Cũng bởi thế nên dân xóm Bàu họp lại thống nhất đóng góp xây khu nghĩa trang dành cho những ngôi mộ cô hồn. Họ thống nhất trích tiền quỹ xóm (quỹ này có được là nhờ thu hoạch rừng cây tràm do xóm trồng và tiền cho thuê ruộng của xóm), ngoài ra mỗi gia đình còn đóng góp thêm tiền và bình quân 4 ngày công để xây dựng khu nghĩa trang.

Sau hơn một tháng ròng rã bám trên trảng cát rát bỏng để xây dựng, cuối cùng khu nghĩa trang này cũng hoàn thành. Sau đó, những thanh niên trai tráng và các bô lão của xóm tiến hành cất bốc những ngôi mộ vô chủ về làm lễ quy táng. Ngày tổ chức khánh thành, toàn bộ dân xóm Bàu có mặt đông đủ, mỗi hộ gia đình tự nguyện đóng góp 100.000 đồng để tổ chức lễ. “Chúng tôi rất vui mừng khi hoàn thành khu nghĩa trang này. Và càng xúc động hơn trước tấm lòng của bà con chòm xóm, bởi họ đã rất nhiệt tình tham gia vào công việc chung đầy ý nghĩa này dù có những gia đình vẫn còn rất nghèo”, anh Hoa xúc động cho biết.     

Ấm áp tình người

Sau một hồi lâu trò chuyện, chúng tôi mới được biết là tại nghĩa trang cô hồn này vẫn có những ngôi mộ là liệt sĩ nhưng vẫn chưa biết tên tuổi, quê quán. “Trong khu nghĩa trang này có những mộ có tuổi hàng trăm năm nhưng cũng có mộ chỉ độ vài chục năm. Trong số này chính tay tôi đã cất bốc được 3 mộ là liệt sĩ. Và những mộ liệt sĩ này chúng tôi xem như người thân nên thống nhất quy tập vào đây để tiện nhang khói cho đến khi nào thân nhân tìm được”, anh Hoa cho biết.

Nén nhang thơm cho những ngôi mộ cô hồn

Anh kể, một mộ được anh bốc cách đây không lâu. Đó là ngôi mộ được mai táng tại khu vực trảng cát cách đồi phi lao cuối xóm Bàu chừng 150m. Mộ này khi anh bốc thì vẫn còn tăng võng, cúc áo... Hai mộ khác khi anh bốc vẫn phát hiện dây điện loại phát tín hiệu của bộ đội thông tin ngày xưa. Ông Lê Văn Mảnh, trưởng xóm Bàu cho hay, từ nay khu nghĩa trang này sẽ được chăm sóc thường xuyên chứ không còn hoang lạnh như trước nữa. “Khi làm khu nghĩa trang này chúng tôi cũng chỉ tâm niệm một điều là làm sao để những ngôi mộ vô chủ trong xóm có nơi thờ tự, hương khói như người thân, tổ tiên mình vậy. Mình ăn đời ở kiếp nơi đây rồi nên không thể xây dựng một “ngôi nhà chung” cho những linh hồn cô quạnh được. Dân xóm tôi nghĩ đó là điều nên làm và chúng tôi cảm thấy rất mãn nguyện vì đã làm được điều ấy”, ông Mảnh tâm sự thêm.

Những ngôi mộ giờ đã ấm áp hơn

 Khu nghĩa trang này sẽ được anh Hoa, ông Mảnh, ông Huỳnh chăm sóc nhang khói trong 3 năm đầu, những năm kế tiếp tuỳ vào sự phân công của xóm. Ông Mảnh cho biết, dù có phân công hay không phân công thì khu nghĩa trang này cũng luôn ấp áp. Bởi theo ông thì thỉnh thoảng nhiều gia đình khi tổ chức kỵ, giỗ đều lên thắp nhang, đặt đồ thờ cúng. Họ tự nguyện và xem đó là việc làm bình thường. Cũng có những người qua đường biết chuyện rồi tự nguyện mua hương, hoa quả, bánh kẹo tạt vào thắp nhang khấn vái rồi mới đi.

Chuyện người dân xóm Bàu thầm lặng xây dựng khu nghĩa trang cô hồn nhỏ bé này tuy không lớn lao, nhưng tự thân nó đã khơi gợi lên niềm xúc động lớn về lòng trắc ẩn, về tính nhân bản, về tình yêu thương giữa con người với con người.