Nghĩa tình gửi người gieo chữ trên non

ANTĐ - Với CBCS Báo ANTĐ đã có biết bao nghĩa tình gửi cho vùng khó, biết bao năm tháng mang niềm vui đến nơi biên cương hải đảo, phên giậu của Tổ quốc thân yêu. Cứ thế, miệt mài như bầy ong thợ tìm hoa làm mật ngọt cho đời, như cánh én chao liệng khắp chân trời góc bể tìm nơi gian khó để giúp đỡ, hỗ trợ, để sẻ chia. 

Đại diện Báo ANTĐ gắn biển nhà công vụ trao tặng giáo viên trường Púng Giắt

Giấc mơ treo đầu núi

Những tập giáo án nhòe nước của cô giáo điểm trường Púng Giắt như lời kể sinh động về câu chuyện ở một vùng cao. Nơi ấy, vùng biên giới gió lộng thường kèm theo những cơn mưa rừng bất chợt đã bao đêm khiến các cô phải thao thức, đã nhiều đêm đông lạnh khiến các cô tìm ngọn lửa làm bạn thâu canh. “Căn phòng” hẹp bốn bề quây liếp, chẳng che được gió trời, và những hạt mưa. Chữ I, T, gieo vào đầu bọn trẻ Mông, Dao từ những người thầy dũng cảm đến với bản Púng Giắt, Pú Chả giáp nơi biên giới, nằm cheo leo, cách trở trên lưng trời.

Đơn giản, các cô giáo chỉ mơ một căn phòng hẹp để cho những trang giáo án không bị mưa làm dột ướt, không phải thâu đêm với bếp lửa để xua tan cái lạnh. Bao năm “cắm bản” các cô đã hiểu rằng, góc núi cách trở giữa trời Tây Bắc nghìn trùng, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, đến những bữa ăn đôi khi chỉ có cá khô đưa cơm, huống gì dám mơ đến một căn phòng vững chãi. Phải chăng, nơi gian khó ấy không nhấn chìm những ước mơ lạc quan trong cuộc sống của những cô giáo trẻ, các cô vẫn lên lớp hàng ngày. Bởi công việc khởi đầu của mỗi cô trước khi bước chân ngang con suối Nậm Mức, là mỗi người đã xác định phải gùi theo can nước lên cao. Năm tháng sống trong giản dị, các cô giáo lấy vất vả làm niềm vui trong cuộc sống…

Bất chợt, trên lưng trời như có hội. Một người kéo đến, hai người kéo đến rồi cả bản vây quanh ngôi nhà mới của cô Lan, cô Phượng ở bản Púng Giặt. Hôm nay, đồng bào ngừng đi nương thì phải, bọn trẻ cũng vậy, từ lúc các cô đến bên căn nhà mới xây đón khách, chúng cũng tạm dừng buổi học kéo theo, dán những ánh mắt vào công việc của người lớn đang làm. Cô Nguyễn Thị Bích Phượng nhẹ nhàng mở toang 2 cánh cửa phòng, rồi bất chợt như bầy ong non, bọn trẻ tràn vào trong căn phòng của cô giáo trầm trồ, lạ lẫm, rồi cười giòn tan. Căn phòng tỏa ngát mùi của nền đất mới, mùi sơn của mái lợp và mùi xi măng còn đọng lại. Cô Phượng “cắm bản” tại điểm trường Púng Giắt được 3 năm. Cả Púng Giắt và Pú Chả có tất thảy 6 thầy cô giáo “cắm bản”. Người mới nhất cũng có 3 năm, người lâu nhất có đến 7 năm gieo chữ trên non cao mây trời Tây Bắc. Hôm nay có lẽ là ngày khó quên.

Tổ ấm trên lưng trời

 Đã bao mùa hoa ban nở rồi lại tàn, những đêm mưa các cô phải thao thức, co ro trong nỗi lo sợ gió tốc mái phên, sợ tung tấm liếp bưng quanh “phòng hẹp” giờ đã trôi vào quá khứ. Món quà của những người chiến sỹ Báo An ninh Thủ đô, Báo Điện Biên Phủ mới xây tặng các cô 2 căn nhà, một căn ở Púng Giặt, một căn ở Pú Chả đều vững chãi trong gió núi. Trên diện tích 100m2, căn nhà được chia làm 4 phòng riêng biệt, việc sinh hoạt của các cô giờ đã tiện lợi hơn. “Cách đây mấy tháng, chúng tôi nhận tin sắp được Báo An ninh Thủ đô tặng nhà, thực sự khi ấy cảm giác của tôi vô cùng phấn khởi. Tôi ngóng trông theo từng ngày, từng xe tải chở vật liệu vào bản tôi đều biết rõ. Giờ thì chúng tôi chỉ biết cảm ơn các anh rất nhiều…” - Cô giáo Nguyễn Thị Lan, phụ trách lớp ghép 3-5, trường Púng Giắt phấn khởi nói. 

Bản Púng Giắt, Pú Chả thuộc xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, là bản nhỏ nằm chênh vênh giữa mây trời Tây Bắc, giáp ranh nước bạn Lào. Ở nơi ấy, sớm thức dậy núi đã đong đầy trong mắt, bao năm qua chỉ có đồng bào Mông vén mây, vén đá tìm nước. Cuộc sống gian khó như nhuốm vào cây cỏ, theo năm tháng vun đầy trên từng dãy núi chon von ở độ cao 1.200 mét so với mực nước biển. Căn nhà nhỏ dựng trên lưng núi dành tặng các cô giáo điểm trường Pú Chả, Púng Giắt là kết quả của hành trình đầy gian nan vất vả tìm tòi, khảo sát thực địa của những người làm báo. Thầy giáo Nguyễn Công Cừ, Hiệu trưởng trường điểm Púng Giắt xúc động nói: “Trước tiên tôi xin cảm ơn những chia sẻ rất thiết thực và ý nghĩa từ tấm lòng của các đơn vị. Ở nơi đây, một hạt cát hay mỗi thùng nước cũng đều quý như vàng. Để có căn nhà này, ngoài gỗ ván thì phải dùng 2 nghìn gạch, 2 xe ô tô cát, sỏi với hơn 1 tấn xi măng để làm nền, nhưng điều quan trọng không phải là vật liệu mà là công vận chuyển vật liệu từ vùng thấp lên độ cao đỉnh núi biên giới này…”.

Mang sóng hình về bản

Con đường nối bản Púng Giắt, Pú Chả với trung tâm xã Mường Mươn 12 cây số. Gọi là đường thì cũng chưa hẳn là đúng, bởi nó chỉ là lối mòn để đi được khi trời nắng ráo, chứ nếu như trời đổ mưa thì chỉ có ngựa thồ mới dám bước trên con đường từ xã về đến bản. Chả thế mà, khi chúng tôi khởi hành, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Công Cừ cử ngay một thầy giáo trẻ đi trước làm “cọc tiêu” để xe đoàn công tác vào bản. Con suối Nậm Mức cắt ngang đường đến bản luôn chảy xiết và nhiều đá hộc lộn xộn. Cô Trần Thị Hương, cô giáo “cắm bản” Púng Giắt đến 7 năm, nhưng ngồi trên xe ô tô từ xã vào bản thì đây là lần đầu. Tất cả mọi người ngồi trong xe lặng đi trong độ cao thăm thẳm dốc núi, chỉ còn một mình núi trong tiếng máy gầm “nhại” lại của thung khe. Tôi hít một hơi thật sâu để thông lỗ tai ù đặc. Kia! bản Púng Giắt dưới thung lũng, nơi có mái tôn đỏ nổi bật giữa núi non trùng điệp dưới màn mây. 

Bản trên núi toàn đồng bào Mông sinh sống. Nằm cách xa trung tâm xã, đường trắc trở, thế nên việc tiếp cận với người miền xuôi là rất hiếm. Đoàn người mang đồ đạc vào căn nhà của cô giáo làm cả bản ngừng lao động đến xem. Bọn trẻ vây quanh khách lạ, dán mắt vào từng thao tác căn chỉnh thiết bị của anh thợ kỹ thuật. Người già đứng đầu núi nhìn vào, còn thanh niên thì hăng hái, nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi lắp đặt thiết bị cho căn nhà mới. Ông Vàng A Ma, 60 tuổi, ở bản Púng Giắt, lại gần tôi chỉ vào chiếc ti vi LCD rồi hỏi: “Thế nó có tốn điện không?”. Nghe trả lời xong ông Ma gật gù, “ừ thế thì được”. Sở dĩ ông Ma hỏi như thế là vì bản Púng Giắt chưa có điện lưới. Người dân dùng máy nổ chạy dầu diezel tời củ phát điện. 28 hộ trong bản thay nhau trả tiền dầu cho mỗi đêm phát 3 tiếng, tùy thuộc vào trời sáng tối mà nổ máy. Nơi gian khó thiếu thốn trăm bề, mọi món quà đều trở nên quý giá. Hiểu được nhu cầu thiết yếu của đồng bào nơi biên cương của Tổ quốc, những bạn đọc, những tấm lòng gửi niềm tin vào Báo An ninh Thủ đô sẻ chia nơi gian khó. Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim đã thông qua Báo, gửi tặng 3 chiếc ti vi LCD 32 inch, còn AVG- Truyền hình An viên tài trợ 03 bộ đầu thu truyền hình kỹ thuật số vệ tinh (DTH) và miễn phí 5 năm sử dụng dịch vụ Truyền hình An Viên cho các giáo viên của trường tiểu học xã Mường Mươn và điểm trường Púng Giặt, Pú Chả. Những thiết bị ấy sẽ góp ích cho các thầy cô trong việc cập nhật thông tin, giải trí và nâng cao trình độ giảng dạy...

Trong lần trở lại Điện Biên này, ngoài việc tặng nhà cho các cô giáo vùng cao ở Púng Giắt, Pú Chả, chúng tôi, những chiến sỹ công an làm báo còn trở thành người “mang sóng hình về bản”. Mỗi chuyến đi như thế, tôi đã hiểu được rằng, ở nơi gian khó càng làm cho những trái tim vững vàng, và nơi gian khó mọi món quà không chỉ đáng quý với người nhận, ở đây chúng tôi còn nhận ra một điều giản dị: Làm tốt bao nhiêu cũng chưa đủ - chúng tôi sẽ còn nhiều nhiều chuyến đi về nơi vùng sâu vùng xa nữa...