Nghị lực phi thường của cậu bé thiếu tay chân

ANTĐ - Cách đây 17 năm, người dân phát hiện một bé trai khoảng 1 tháng tuổi bị bỏ rơi trước cổng Trung tâm Y tế huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Đứa bé mặt mũi khôi ngô, nhưng khi cởi bỏ bao tay, bao chân, mọi người đều bàng hoàng khi thấy tứ chi của bé đã bị cụt. Mặc dù vậy, với ý chí và nghị lực phi thường, cậu bé đã làm nên điều không tưởng.

“Tôi xin đặt tên cháu là Trần Văn Lạc”

Sáng sớm một ngày cuối tháng 6-1999, nhân viên Trung tâm Y tế huyện An Nhơn đang quét dọn trước cổng thì nghe thấy tiếng khóc trẻ thơ ở góc tường rào. Lại gần, nhân viên này phát hiện một đứa trẻ bị cụt tứ chi được bọc trong tấm chăn mỏng, cùng một phong bì bên trong có 100.000 đồng và một mảnh giấy viết tay, với dòng chữ nguệch ngoạc.

Ban đầu, nhiều người trách cứ bà mẹ nào đó đã quá nhẫn tâm khi vứt bỏ giọt máu của mình. Bởi, dù đứa trẻ có tật nguyền đến đâu thì cũng là do mình đứt ruột sinh ra. Tuy nhiên, khi đọc lá thư của người mẹ trẻ bất hạnh, lời lẽ dằn vặt đau khổ, ai cũng mềm lòng trước sự việc trái ngang.

Thư có đoạn viết: “Tôi không dám nói gì hơn để cảm ơn ông, bà, cô, bác. Xin mọi người hãy vì tương lai của cháu mà giúp đỡ cháu. Hoàn cảnh của tôi lúc này tôi không biết nói thế nào, chỉ mong quý ông, bà, cô, bác hiểu rằng đây là tất cả những gì tôi có thể làm được. Tôi là người làm thuê cuốc mướn, ngày qua ngày cũng chỉ đủ ăn. Còn đứa trẻ, cha nó đã bỏ nó và bây giờ cũng không rõ ở đâu. Tôi lại sống xa gia đình, đất khách quê người, vất vả lắm mới nuôi cháu được đến ngày hôm nay với tất cả sự giúp đỡ của bạn bè, hàng xóm. Nay được biết huyện An Nhơn có trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, tàn tật, tôi nghĩ chỉ có nơi đây mới có được tương lai và niềm vui cho cháu... Tôi xin đặt tên cháu là Trần Văn Lạc”. 

Sau khi phát hiện đứa bé bị bỏ rơi, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện An Nhơn đã phân công các hộ lí chăm sóc đặc biệt bé trai dị tật bẩm sinh này. Ngay sau đó, lãnh đạo Trung tâm cử cán bộ đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, để xin làm thủ tục cho cháu Trần Văn Lạc được chuyển đến nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định và được Sở này đồng ý. Một tuần sau, Lạc được chuyển về Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định nuôi dưỡng cho đến hôm nay.

Ông Nguyễn Thanh Châu - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định cho biết: “Trước đó, Trung tâm chúng tôi chưa từng tiếp nhận một trường hợp nào có hoàn cảnh bất hạnh như cháu Trần Văn Lạc. Khi tiếp nhận cháu Lạc về nuôi dưỡng, tất cả các cán bộ, nhân viên trong Trung tâm đều rất thương yêu và quan tâm chăm sóc cháu. Đến khi Lạc đủ tuổi đi học, chúng tôi đến một trường mẫu giáo dân lập đặt vấn đề cho cháu đi học.

Ban đầu cô giáo không nhận vì ngại hoàn cảnh của cháu, nhưng sau đó chúng tôi cố gắng thuyết phục nên cháu Lạc đã được tiếp nhận. Chỉ trong một thời gian ngắn, Lạc đã cho thấy nghị lực vượt qua tật nguyền. Thấy Lạc luôn nỗ lực học tập và hòa nhập tốt với bạn bè, cô giáo cũng dành nhiều tình thương đặc biệt cho cháu”.

“Dù con tật nguyền nhưng bố mẹ hãy tự hào về con” 

Theo ông Châu, khi mới được nhận về Trung tâm, dù không có biểu hiện gì khác thường nhưng Lạc không khóc cũng chẳng cười. Dù ai bế Lạc cũng lặng im nên nhiều người bảo Lạc dễ nuôi. Lúc 2 tuổi Lạc đã biết dùng 2 cùi tay để kẹp đồ chơi, kẹp những quả bóng tròn tung lên, kẹp thức ăn, bánh kẹo đưa vào miệng. Đến 3 tuổi, các mẹ động viên tập cho Lạc tự xúc cơm ăn, ngày qua ngày Lạc đã tự xúc cơm thành thạo.

Khi mới bắt đầu đi học, khó khăn lớn nhất với Lạc là tập viết. Lúc đầu em kẹp bút bằng 2 cùi tay nhưng viết không được lại chuyển sang kẹp 1 tay nhưng bút vẫn bị rơi.

Lạc cho biết: “Khi cô giáo dạy cách kẻ nét sổ thẳng, thấy các bạn viết được nhẹ nhàng em thèm vô cùng. Lúc đó em chỉ ước rằng mình có 2 bàn tay như các bạn để cầm bút thì hạnh phúc biết bao. Nhiều hôm em ngồi một mình cả buổi nhưng không viết được gì cả”.

Thế nhưng, Lạc không chịu thua, không chịu đầu hàng, rồi không quản ngày đêm, em đã luyện việc kẹp bút và những nét chữ đầu tiên, tròn trĩnh đã dần dần hiện ra từ đôi tay tật nguyền. 

Ông Châu cho biết: “Từ khi đi học đến nay, Lạc đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Chỉ thua các bạn môn thể dục. Khi mới tập viết, Lạc mang tay giả nhưng do vướng víu nên giờ không sử dụng nữa. Bây giờ, mặc dù kẹp bút nhưng Lạc viết còn nhanh hơn cả những bạn học bình thường. Nhiều khi cô giáo mới đọc xong lần thứ nhất, chưa kịp nhắc lại lần thứ hai thì cháu đã viết xong rồi”.

Trên tứ chi của Lạc, tay phải bị cụt nguyên bàn, tay trái cụt đến cùi chỏ, trên bàn chân phải ngón có ngón không, chân trái cụt tận đầu gối phải mang chân giả. Do vậy, mỗi khi đến trường, Lạc được các anh chị lớn ở Trung tâm chở đi, đưa về. Những phần việc khác, một mình em đều tự xoay xở được. Cất thước, bút viết, tập vở, sách, bảng, phấn cũng như lấy những vật dụng ấy ra từ cặp sách đều được Lạc thực hiện dễ dàng, nhanh chóng. 

Với ý chí và nghị lực phi thường, Lạc luôn cố gắng vượt lên chính mình, vượt qua sự sợ hãi hay những khó khăn, gian khổ để khẳng định bản thân. Hè năm 2009, Lạc đã khiến những bậc làm cha, làm mẹ rơi nước mắt khi trong cuộc thi Tin học trẻ Bình Định năm 2009, em vinh dự nhận được giải khuyến khích.

“Cơ thể khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi, nhưng Lạc rất có ý chí vượt khó để rèn luyện mình ngày càng tiến bộ trong học tập và luôn đạt thành tích tốt. Đặc biệt, khi lần đầu tiên được tham dự cuộc thi Tin học trẻ Bình Định năm 2009, Lạc đã đạt giải Khuyến khích. Đây là một niềm tự hào của Trung tâm”, ông Châu cho biết.

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, nhưng Lạc cũng không quên công ơn của những người nuôi dạy mình. Lạc cho biết: “Em có được như ngày hôm nay là nhờ công lao của các mẹ, các cô, chú ở Trung tâm đã tận tình chăm sóc, nuôi dạy. Vì vậy, em luôn tự nhủ phải cố gắng chăm ngoan, học giỏi, lớn lên thành người có ích để xứng đáng với tình thương ấy. Suốt cuộc đời này, em không bao giờ quên ơn những người đã nuôi dạy mình trưởng thành. Các cô, chú ở đây như cha, mẹ của em vậy”.

Tìm về cội nguồn, tìm lại những người có công sinh thành là một trong những bản năng của mỗi con người. Có lẽ, với những người khuyết tật như Lạc lại càng cần những điều đó hơn ai hết. Và dường như khi phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống thì lòng bao dung, độ lượng của con người lại càng rộng mở.

Lạc chia sẻ: “Niềm khao khát lớn nhất của em đó là gặp được bố mẹ để nói với bố mẹ là con của bố mẹ đã lớn rồi, đã tự biết chăm sóc bản thân và đạt được thành tích trong học tập. Con không bao giờ hận bố, mẹ bỏ rơi con vì con biết đó là do hoàn cảnh, chứ không bố mẹ nào muốn từ bỏ con cái. Và, dù con bị tật nguyền nhưng bố mẹ hãy tự hào về con”. 

Khi chia tay, chúng tôi hỏi Lạc mơ ước gì cho mai sau? Lạc suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Em muốn lớn lên có một công việc để tự nuôi được bản thân, có căn nhà để ở, có một mái ấm gia đình”. Nghe Lạc nói, chúng tôi chạnh lòng và càng chạnh lòng hơn khi biết đến giờ, dù nhiều người đã cố công tìm kiếm nhưng vẫn chưa rõ tung tích người mẹ lâm vào cảnh ngộ bất hạnh thuở ấy hiện đang ở đâu, làm gì. Dù vậy, với ý chí và nghị lực phi thường, Lạc xứng đáng là một tấm gương để các bạn trẻ học tập và noi theo.