Sứ giả của tình thương

ANTĐ - Lần đầu tiên tôi gặp chị là trong một chương trình từ thiện của Trung tâm Sống độc lập tại Hà Nội năm 2012. Chị nằm gọn trong chiếc xe nôi, trông nhỏ như một đứa trẻ chưa tròn tuổi. Ấy vậy mà chị lại có một giọng hát cao vút và cách nói chuyện rất có duyên. Tôi đã thực sự rất ngạc nhiên, xúc động trước tài năng cũng như sự tự tin của chị.

Sứ giả của tình thương ảnh 1Tổ chức dạy nghề cho các bạn khuyết tật 

Một điều may mắn hơn là sau đó tôi đã có nhiều dịp được cùng chị tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Chị cũng là nhân vật được tham gia giao lưu trong sự kiện “Nick Vujicic đến Việt Nam”. Biết được những điều chị đã phải trải qua, những việc chị đã làm được và những dự định chị vẫn ấp ủ tôi càng cảm phục chị hơn. Bởi chị thực sự là một con người có ý chí, nghị lực thật phi thường. Và chị cũng là một con người rất giàu lòng nhân ái, như chính cái tên của chị vậy.


THỦY TINH KHÔNG DỄ VỠ

Mẹ chị kể, chị bị xương thủy tinh bẩm sinh, mà ở lại ở thể rất nặng. Cho nên cho tới tận bây giờ, dù đã ngoài cái tuổi 30 chị vẫn nhỏ như một em bé chưa thôi nôi. Cơ thể chị  hầu như bất động, rất yếu ớt và dễ tổn thương. Từ nhỏ đã không biết bao lần chị phải đi cấp cứu do bị chấn thương, có khi phải điều trị tới nửa năm trời. Chị không thể đi học. Nhưng chị không chịu đầu hàng số phận, dù ở nhà chị vẫn tự học. Và thầy cô chính là bà nội, là bố mẹ và chị em của chị.

Người ta nói tạo hóa không lấy đi của ai tất cả. Cũng như chị, dù thân thể quá mong manh nhưng khối óc chị vẫn tinh anh, đôi mắt sáng, nụ cười hiền và trái tim luôn ấm nóng. Và đôi tay chị, những ngón rất yếu mềm lại có thể tạo ra những tác phẩm vô cùng tinh xảo và là cảm hứng cho bao nhiêu người khuyết tật khác tự tin hơn vào chính bản thân mình. Thương Thương kể rằng từ khi còn nhỏ xíu sống dưới quê chị đã theo bà nội học tuốt chổi rơm, đan lưới cá để bán. Số tiến đầu tiên chị kiếm được chỉ vỏn vẹn 20.000 đồng. Chị đã vô cùng sung sướng và thấy mình không hề vô dụng như chị vẫn từng nghĩ.

Năm 1995, bố mẹ đưa chị em Thương Thương ra Hà Nội mưu sinh. Lúc đó còn khó khăn lắm. Bố mẹ chị là công nhân, lúc rảnh thì nuôi lợn và nấu rượu. Chị ở nhà, dù chỉ nằm một chỗ nhưng vẫn thay bố mẹ bán rượu và tự học thêm văn hóa, học vi tính và tiếng Anh. Cuộc sống chật vật đôi khi khiến chị cảm thấy rất tủi thân. Năm 2003, tình cờ chị biết đến Trung tâm dạy nghề nhân đạo “Vì ngày mai” và chị nài nỉ bố mẹ cho đi học. Chị chọn học làm chụp đèn bằng cúc áo.

Nhìn hoàn cảnh của chị, đến cầm chiếc thìa còn khó khăn nên ai cũng nghĩ có lẽ chị sẽ nhanh chóng bỏ cuộc. Nhưng lạ thay, càng khó khăn thì chị lại càng quyết tâm. Với những ngón tay mỏng manh, chị vẫn dò dẫm từng mũi kim, bện từng đường chỉ để kết nối những chiếc cúc áo. Mỗi lần bị kim đâm vào tay là một lần chị thêm quyết tâm. Và thành quả xứng đáng cho những đớn đau và nỗ lực ấy thật xứng đáng, hàng của chị rất đẹp và vô cùng tinh xảo. 

THƯƠNG HIỆU CỦA LÒNG NHÂN ÁI

Làm được sản phẩm đã khó nhưng để bán được nó thì còn khó hơn gấp bội. Năm 2004, do nhà xa trung tâm, việc đưa chị đi lại, lấy nguyên liệu và gửi hàng khó khăn nên chị ở nhà tự làm một mình. Nhưng việc tiêu thụ sản phẩm không hiệu quả. Chị không nản và tìm kênh tiêu thụ khác. Chị nhờ bạn bè lập trang Web, dùng Blog để quảng bá sản phẩm.

Chẳng bao lâu, sản phẩm của Thương Thương đã có thể tự tin tham gia các hội chợ. Nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm “Vì ngày mai”, các nhà báo và sự ủng hộ của bạn bè, các sản phẩm của Thương Thương đã được nhiều người biết đến, trong đó có nhiều người nước ngoài yêu thích và đã không ngần ngại tìm đến. Không những thế chị còn dạy nghề và giúp đỡ bao tiêu sản phẩm cho nhiều người khuyết tật khác trên địa bàn và các vùng lân cận. 

Năm 2008, qua một người bạn, Thương Thương lại biết đến nghề làm tranh và các sản phẩm thủ công từ giấy cuốn. Cũng như một cái duyên, những ngón tay nhỏ nhắn của chị lại trở nên điêu luyện và cần mẫn hết sức. Chị còn lên mạng mò mẫm nhiều cách làm mới, nhiều mẫu mới và sáng tạo chúng để cho sản phẩm đa dạng hơn. Tranh và sản phẩm từ giấy cuốn lại trở thành một mặt hàng chủ lực và có tâm hồn riêng. Căn nhà bé nhỏ của Thương Thương trên phố Lương Đình Của lúc nào cũng đông đúc các bạn khuyết tật đến học nghề. Nhiều bạn ở tỉnh xa về còn được gia đình chị nuôi ăn ở và dạy nghề miễn phí suốt mấy tháng trời và tất cả sản phẩm người khuyết tật làm ra đều được chị nhận bao tiêu. 

Từ những thành công ngoài sức tưởng tượng ấy, Thương Thương càng cảm thấy cuộc đời thật đẹp. Chị cũng muốn chia sẻ sự may mắn, chia sẻ kinh nghiệm và thành quả của bản thân cho những con người còn đang khó khăn. Năm 2010, chị thành lập Quỹ Thương Thương để thực hiện các hoạt động từ thiện. Và thương hiệu “Thương Thương Handmade” lại có thêm một thiên chức mới. Cứ mỗi sản phẩm bán ra thì 5% lợi nhuận sẽ được trích ra và đưa vào Quỹ Thương Thương. Chị kêu gọi nhiều mạnh thường quân ủng hộ xe lăn và nhiều phương tiện, vật dụng hỗ trợ những người khuyết tật. Hàng năm tổ chức các đợt giao lưu, tặng quà cho những bệnh nhân nghèo, những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội.

MÁI ẤM CHO NGƯỜI CÙNG CẢNH NGỘ

Bản thân là một người khuyết tật nên Thương Thương cũng rất thấu hiểu tâm lý, tình cảm và ước muốn của những người cùng cảnh ngộ. Bởi theo chị, mọi sự giúp đỡ bằng vật chất chỉ là tạm thời, cái chính là ý chí vươn lên của mỗi con người. Trong mỗi chuyến giao lưu, thăm hỏi chị đều rất nhiệt thành chia sẻ kinh nghiệm của bản thân mình. Theo chị khuyết tật về thân thể không đáng sợ bằng khuyết tật về ý chí, về trái tim, về tâm hồn. Điều chị chị mong muốn là xóa đi những mặc cảm, tạo cho họ sự tự tin hòa nhập với cuộc sống, được lao động và tự lập trong cuộc sống của mình. Và bản thân chị cũng là nguồn cảm hứng cổ vũ tinh thần cho những người đồng cảnh khác. 

Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương đã ra đời sau những trăn trở đối với người khuyết tật. Và mọi người cũng quen gọi trung tâm với cái tên ngắn gọn, thân tình là: “Thương Thương”. Trung tâm Thương Thương nằm ở phía Nam TP Hà Nội, thuộc thôn Nam Phú, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên cũng là quê hương của chị. Trung tâm được xây dựng từ tiền do chị dành dụm cũng như đóng góp của người thân, bạn bè và một số nhà hảo tâm.

Theo chị, tất cả người khuyết tật có ước muốn và có khả năng lao động sẽ được dạy nghề và bao tiêu sản phẩm. Chị mong muốn rằng Trung tâm Thương Thương sau này sẽ không chỉ là nơi đào tạo nghề mà còn là một mái nhà chung, nơi những người khuyết tật cảm thấy ấm áp nhất, có thể chia sẻ và tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống.

Hiện nay Trung tâm đang nuôi dạy rất nhiều người khuyết  tật. Không chỉ được dạy nghề miễn phí, người khuyết tật còn được hỗ trợ ăn ở và được thuê làm việc ngay sau khi học xong. Không chỉ dạy làm tranh cuốn giấy, Trung tâm Thương Thương còn dạy thêm cả nghề may và trong thời gian tới sẽ dạy làm một số nghề thủ công khác phù hợp với người khuyết tật. Nhiều bạn trẻ khuyết tật từng học ở trung tâm giờ đã có thể tự tin lao động, tạo thu nhập nuôi sống bản thân.

Chị Thương cùng mẹ và em gái cũng đã xa ngôi nhà thân thuộc ở trung tâm Hà Nội, xa người thân và bạn bè để về ở hẳn và để trông coi việc hoàn thiện Trung tâm Thương Thương. Mẹ chị cũng đã già và chị cũng không phải người khỏe mạnh. Nhưng chị vẫn muốn tự mình lên kế hoạch, tự mình sắp xếp, chỉ dạy và hoàn thiện Trung tâm hơn nữa. Chị nguyện sẽ dành trọn tâm huyết của cuộc đời mình cho tổ ấm thứ hai ấy.