Phiên họp Quốc hội chiều nay, 20-5:

Nghe và thẩm tra nhiều dự án luật

ANTĐ -Chiều 20-5, Quốc hội đã nghe báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013 và một số tờ trình, báo cáo thẩm tra nhiều dự án luật quan trọng…

Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện

Báo cáo trước Quốc hội, ông Đinh Tiến Dũng – Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trình bày Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Theo đó, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2013 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 1.084.064 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thu chuyển nguồn, kết dư ngân sách địa phương (NSĐP), huy động đầu tư của NSĐP, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN); Tổng số chi cân đối NSNN là 1.277.710 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2013 sang năm 2014); Bội chi NSNN 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% GDP.

Tiếp theo đó, Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường đã đọc Tờ trình Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Dự thảo có tổng số 443 điều (tăng 99 điều so với BLHS hiện hành). So với quy định của BLHS hiện hành, dự thảo có những nội dung mới chủ yếu: Bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường, cụ thể hóa các hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại...

Những nội dung sửa đổi, bổ sung BLHS thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Liên quan đến dự án luật này, Chính phủ báo cáo Quốc hội một số vấn đề cụ thể như: Về quy định tội phạm và hình phạt trong luật chuyên ngành, dự thảo Bộ luật thể hiện theo hướng cho phép trong trường hợp thật cần thiết khi ban hành luật chuyên ngành, Quốc hội có thể quy định điều khoản sửa đổi, bổ sung BLHS về các tội phạm cụ thể ngay trong luật chuyên ngành đó với những điều kiện chặt chẽ (Điều 443) mà không phải ban hành luật riêng để sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS như thời gian qua. Về vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân, trong thời điểm hiện nay, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là phù hợp. Liên quan đến việc bỏ hình phạt tử hình, cũng có ý kiến đề nghị, ngoài một số tội danh dự kiến bỏ hình phạt tử hình, thì cần tiếp tục rà soát để mở rộng hơn nữa diện các tội danh bỏ hình phạt tử hình...

Sau khi nghe Tờ trình trên, ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp (UBTP) của Quốc hội đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật hình sự sửa đổi. Theo đó, UBTP tán thành với Tờ trình về sự cần thiết, mục tiêu sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện BLHS cũng như cơ bản tán thành với các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án BLHS. Tuy nhiên, UBTP cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, chất lượng và hiệu quả của dự án Bộ luật, việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật lần này trước hết, cần tập trung giải quyết những vấn đề thực sự vướng mắc làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo Tờ trình, có 4 vấn đề về nội dung còn ý kiến khác nhau xin ý kiến Quốc hội: Về quy định tội phạm và hình phạt trong luật chuyên ngành (mở rộng nguồn của luật hình sự), UBTP cho rằng, không nên đặt vấn đề quy định tội phạm và hình phạt trong luật chuyên ngành khác. Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân cần được cân nhắc kỹ. Về vấn đề hạn chế hình phạt tử hình, UBTP tán thành với định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện.

Ngoài những vấn đề nêu trên, UBTP đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại toàn bộ cả nội dung và kỹ thuật văn bản, bảo đảm sự thống nhất giữa các phần, các chương, điều của BLHS; sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Nhiều nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)

Cũng trong chiều 20-5, Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình đã trình bày Tờ trình Dự án Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) sửa đổi. Dự thảo Bộ luật TTDS (sửa đổi) có tổng số 491 điều. So với Bộ luật TTDS  hiện hành, dự thảo giữ nguyên 177 điều, sửa đổi, bổ sung 238 điều, bổ sung mới 76 điều, bãi bỏ 07 điều với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, trong đó có một số vấn đề quan trọng có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Quốc hội. Đó là quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, sự tham gia của VKSND đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, về việc bổ sung phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ tại phiên tòa sơ thẩm...

Cuối buổi chiều, Quốc hội đã nghe ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện KSNDTC đọc Tờ trình Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Dự thảo có nhiều nội dung mới tiến bộ: Hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của TTHS, quy định cụ thể trình tự, thủ tục trong từng giai đoạn tố tụng, đổi mới chế định chứng cứ và chứng minh...