Chuyện chưa biết trong lòng phố cổ Hà thành (6):

Nghề nóng và "chát chúa" nhất phố cổ

ANTĐ - Nóng đến nỗi mà người ta chẳng dám đối mặt, nếu gần nó là người ta né tránh.
Người rèn cuối cùng ở phố cổ

Mùa hè bức bối bên “cần câu cơm” này quả là sự đầy ải không gì khổ bằng. Lửa ngùn ngụt than hồng, phì phò bễ thổi. Rút ra cắm vào đập đe chát chúa. Giờ nghề rèn ở phố Lò Rèn đã nguội tắt. Chỉ còn lại gia đình anh Nguyễn Phương Hùng giữ hồn cho tên phố.

 “Giữa trăm nghề chọn nghề thợ rèn.
Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi”.

Người giữ lửa nghề rèn

Đó là lời thơ bay bổng viết cho những người làm nghề rèn. Còn đối với ông Nguyễn Phương Hùng, người cuối cùng làm nghề thợ rèn ở phố Lò Rèn thì đó là lời mỉa mai của kẻ học đòi làm sang thường chê bai ông. Ông Hùng bảo, có ông bán quầy đá quý phong thủy ngang qua hay ghẹo ông rằng “giữa trăm nghề hay lại chọn cái nghề thợ rèn…”. Thì thây kệ. Mình làm gì là quyền của mình. Chính vì tính bộc trực, thẳng thắn không giống ai mới gắn ông Hùng với nghề nóng nhất này.

 Giờ người yêu nghề cha ông truyền lại còn không nhiều, nhất là những nghề gắn với tên phố cổ Hà Nội thì gần như mất trắng. Thế mới có chuyện, nhiều người hỏi, tại sao phố Bát Sứ lại bán cà phê, hay phố Hàng Bồ lại nhiều khách sạn?...

Phố Lò Rèn giờ vắng tiếng búa quai xuống đe

 Thực ra trong xu thế phát triển thì khó cưỡng lại được với lợi ích kinh tế thị trường nếu là nghề mang lợi nhuận không cao. Nói thế không phải nghề cũ xưa không mang lại lợi nhuận. Nhiều người bảo, nghề làm nên phố chứ phố không làm nên nghề. Điều đó không sai, nhưng cũng phải khẳng định một điều, chính những nghề xưa ở trên từng con phố ấy mới làm cho 36 phố phường đi vào tâm hồn người Hà Nội được. Còn nghề mới hôm nay, tuy mang nhiều thu nhập nhưng hồn phố mất đi…

Thật khó giữ nghề cho tên phố nếu như nghề đó không mang lại cho chủ nhân yêu nghề một cuộc sống trong dòng chảy của giá cả thị trường đầy biến động. “Nói đúng ra, yêu nghề cũng một phần, phần chính phải thu nhập đủ ăn. Cũng vì nhiều người không làm nghề rèn nên cửa hàng của ông luôn bận bịu. Dù hơi nhọ nhem chân tay, nhưng mỗi ngày đỏ lửa cũng được đôi trăm đút túi”- ông Hùng bộc bạch.

Gia đình ông Hùng từ ông nội đến bố đều làm nghề rèn cả. Đến đời ông là người cuối cùng trong dòng họ bám nghề. Thế mới biết, gây dựng nghề thì khó, đánh mất nghề thì chỉ thoắt ít thời gian là xong. Trong dòng chảy, biết bao nhiêu nghề có thể kiếm ra tiền, chọn nghề thợ rèn nhọ nhem quanh năm cũng phải là người tiếc công của cha ông truyền lại mới làm được. Có người “gạ” ông với mặt tiền phố Lò Rèn như thế, thì không thiếu nghề nhẹ nhàng mà kiếm tiền nhiều hơn, nhưng ông vẫn giữ lập trường, đã chọn nghề rồi thì theo đến khi hết sức. Chứ tiền bạc ai cũng cần nhưng bỏ nghề thì tiếc hơn…

Phố nghề… mới.

Ta tiếc thay một ngày nào đó, phố chuyển nghề thử hỏi hồn đâu. Chính con phố này vẫn còn nguyên đó, một nhà thờ ông tổ của nghề rèn. Từ thời chống giặc ngoại xâm giữ nước, nghề rèn đã luyện ra những vũ khí để giữ bình yên cho quê hương. “Ngày xưa, thời chống quân xâm lược, phố Lò Rèn chuyên rèn gươm đao, nòng súng… để phục vụ cho công cuộc giữ nước”- cụ Thịnh cho biết.

Những dụng cụ rèn một mai có thể chỉ làm... cảnh

Cụ Nguyễn Hữu Thịnh là thân sinh của ông Nguyễn Phương Hùng. Ông cụ năm nay đã ngoài 80, nhưng da dẻ vẫn đỏ au, tiếng nói sang sảng. Cụ Thịnh vẫn quai búa tạ chan chát xuống đe. Nghề không chỉ rèn đức tính cẩn thận mà còn mang lại cho sức khỏe cơ thể. Con phố này vào những năm 50 của thế kỷ trước, sáng sớm mai là tiếng búa nện đánh thức người trong phố. Giờ tiếng búa quay lại làm khó chịu cho những người làm nghề mới. Trên phố Lò Rèn cách đây không lâu có một gia đình khác làm nghề rèn. Rồi một hôm lửa tắt thay vào đó là cửa hàng sang trọng ánh đèn để bán quần áo. Rồi hàng quần áo tồn tại được thời gian ngắn, lại chuyển bán thú nhồi bông, giờ đã là hàng bán đá quý…

Màu sắc ở phố Lò Rèn

Giờ đây, những phố nghề thì khó có nghề mới nào bền lâu được, ngoài nghề rèn cũ xưa của gia đình ông Hùng đang cố níu giữ. Mặt tiền nhà khác, nó bị thuyên chuyển nhiều mặt hàng, nhiều chủ nhân thuê mượn lui tới cũng có lý do riêng của nó. Sâu xa hơn, nó là phố của nghề rèn, chứ đâu phải của nghề du nhập khác, nên sự thay đổi là khó tránh khỏi.  Buôn có bạn, bán có phường là thế, người tìm đến phố Lò Rèn để đánh dao, tôi thép, làm móc khóa… chứ tìm đến mua đồ khác e rằng chỉ tồn tại trong đầu thế hệ trẻ. Và nghề rèn phố cũ, chỉ còn 1 người cuối cùng, nhưng đó là sự lắng đọng mang hồn cho một con phố mang tên Lò Rèn.