Nghề báo đưa tôi đến với vẻ đẹp lan tỏa và nguồn năng lượng tích cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều năm gắn bó với lĩnh vực giáo dục, điều lớn nhất mà một phóng viên nhận được chính là sự tiếp sức bởi năng lượng tích cực từ những người thầy giàu nghị lực, say mê với nghề, từ những cô cậu học trò có được những thành tựu học tập đặc biệt tốt từ những nỗ lực khó tưởng.
Nhà báo Vinh Hương

Nhà báo Vinh Hương

Phía sau câu chuyện về cậu học sinh cấp III… “ghét tiền”

Câu chuyện về Nguyễn Trung Hiếu, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có thể nói là khó quên dù đã nhiều năm trôi qua không chỉ với tôi, người được Hiếu trực tiếp chia sẻ mà còn với rất nhiều người, với thầy cô, bạn học, với cộng đồng khi lần đầu tiên nghe thấy vì sao một học sinh cấp III nói rằng em “ghét tiền”. Hiếu nổi tiếng với bài văn “lạ” khi đưa ra một thông điệp sống, gạt bỏ, đẩy lùi sự ích kỷ, nhân lên tình thương yêu, vị tha và trách nhiệm, tác động đến những bạn trẻ chưa nhận diện đúng giá trị của đồng tiền đối với cuộc sống.

“Trời ơi là trời! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à?” - đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con: “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ?” - Hiếu bắt đầu bài văn của mình khi được cô giáo giao đề bài kiểm tra yêu cầu nêu quan điểm của mình về đồng tiền.

Câu chuyện về đồng tiền của Hiếu thực sự đi vào lòng người bởi đó là câu chuyện đời thật tưởng như không thể xảy ra với những cô cậu học trò trường chuyên Hà Nội - Amsterdam “ngời ngời, sáng sủa, thông minh, học giỏi và giàu có” như những gì mọi người thường quan niệm. Trong bài văn, Hiếu viết: “Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn: “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ: “Con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận”.

Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi “xe ôm”. Nhưng đi “xe ôm” mất mỗi ngày mấy chục nghìn đồng, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. 8 năm rồi! 8 năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ và nghiến răng ước “giá như có dăm chục nghìn đồng cho mẹ đi “xe ôm” thì đâu đến nỗi!” - Hiếu viết.

Em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - tác giả bài văn “Ghét tiền” được cộng đồng xã hội chia sẻ và phản hồi tích cực

Em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - tác giả bài văn “Ghét tiền” được cộng đồng xã hội chia sẻ và phản hồi tích cực

Ước mơ tưởng như nhỏ nhoi đó với bao nhiêu người lại rất xa vời với Hiếu và gia đình. Hiếu cho biết, Hiếu ghét, thù đồng tiền nhưng đồng thời cũng sợ đồng tiền, sợ vì nó mà Hiếu sẽ mất mẹ. Hiếu ghét tiền nhưng cũng quý tiền và tôn trọng tiền bởi Hiếu luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Có ai không cảm động khi đọc đến phần kết của bài văn với mong muốn của nam sinh tuổi “teen” nhưng đã thấu rõ những khó khăn của cha mẹ để nói rằng: “Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa”.

Kể từ sau sự kiện bài văn “ghét tiền” được cộng đồng xã hội chia sẻ và phản hồi tích cực, Hiếu đã trải qua khá nhiều cung bậc cảm xúc, trong đó phần nhiều là sự e ngại bởi sự “nổi tiếng” ngoài dự kiến của mình. Tuy nhiên, Hiếu đã mở lòng hơn khi chia sẻ với bạn đọc An ninh Thủ đô về những dự kiến trong tương lai và những khởi đầu tốt đẹp của em với việc được cấp học bổng du học Mỹ.

“Thực sự em đã rất ngại khi bài văn của mình được đăng lên báo nhưng cũng nhờ có vậy mà em mới biết rằng xã hội mình còn có rất nhiều tấm lòng đáng quý, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ. Còn trước đây em đã từng suy nghĩ tiêu cực, chỉ thấy con người vụ lợi và có phần bất công khi gia đình mình lại khó khăn đến vậy. Giờ thì em rất muốn qua Báo An ninh Thủ đô được gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả những tấm lòng đã giúp đỡ gia đình em và cùng với đó là lời hứa sẽ hết mình học tập, phấn đấu để xứng đáng với sự trông đợi của gia đình, thầy cô và những người đã giúp đỡ em”. Câu chuyện của Hiếu đã trở nguồn năng lượng tích cực với tôi và tôi nghĩ nó còn tiếp tục lan tỏa khi được chia sẻ với bạn đọc của An ninh Thủ đô.

Câu chuyện của người thầy nhiễm chất độc da cam

Trong khi báo chí liên tiếp đưa những hành vi tiêu cực về giáo dục như bạo lực học đường, tiêu cực thi cử, “chạy” bằng “đua” cấp… thì trong mảng công việc được phân công, tôi vẫn tìm thấy những hình ảnh người thầy tận tụy đến khó ngờ ngay giữa Thủ đô chứ không phải ở những nơi xa xôi, biển đảo, biên giới như mọi người vẫn nghĩ. “Vượt qua rất nhiều khó khăn để có được hôm nay, tôi rất trân trọng hạnh phúc có được hiện tại” - thầy Nguyễn Đức Trường, giáo viên trường THCS Đa Tốn với 25 năm cống hiến cho ngành Giáo dục Thủ đô nhấn mạnh. Hạnh phúc thầy Trường nói đến không phải chỉ là những bằng khen, những tuyên dương, khen thưởng về thành tích nghiên cứu, giảng dạy của thầy mà hạnh phúc với thầy còn là ánh mắt ấm áp học trò dành cho thầy, là sự trưởng thành của các em dưới sự dìu dắt của người thầy với những bước chân không hoàn hảo.

“Trẻ con thường 9 tháng, một năm là biết đi nhưng những bước đi đầu tiên của tôi là vào năm 7 tuổi. Đó là hạnh phúc dù phải mất rất nhiều nỗ lực để đạt được” - thầy Nguyễn Đức Trường chia sẻ. Di chứng từ chất độc da cam khiến đôi chân của thầy khá yếu, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, không tự ti, mặc cảm vì hình thức của mình, Nguyễn Đức Trường đã từng bước tự mình chinh phục ước mơ trở thành thầy giáo, mang lại kiến thức, thay đổi cuộc sống của những con em quê hương mình. “Dù sức khỏe yếu nhưng từ những câu chuyện cha tôi, một người thầy kính mến thường rỉ rả cho tôi suốt thời nhỏ đến khi học phổ thông, tôi đã hun đúc niềm say mê trở thành thầy giáo và hơn thế nữa phải là người thầy hoàn toàn thuyết phục được học trò bằng trí tuệ và tấm lòng” - đây là khởi điểm và cũng là mục tiêu của thầy Nguyễn Đức Trường. Những chia sẻ của một học sinh cũ của thầy Trường đã cho thấy những trái ngọt từ sự tận tụy của một nhà giáo tâm huyết.

Chị Nguyễn Thị Mai Anh, học sinh cũ của thầy cho biết, đến bây giờ chị luôn trân trọng 2 cuốn sách được thầy giáo Nguyễn Đức Trường tặng từ năm 2001. Sau hơn 20 năm, cuốn sách vẫn theo chị qua nhiều chặng đường học tập và trưởng thành. Chị Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thầy Trường là một nhà giáo có một tâm hồn đẹp và năng lực truyền thụ kiến thức rất hiệu quả với nhiều học sinh. “Khi còn là học sinh của thầy, tôi được thầy dạy học thêm miễn phí. Tôi hỏi thầy vì sao thầy không thu học phí của em nhưng thầy chỉ cười và nói kết quả học tập của tôi là cách tốt nhất để trả công cho thầy. Nhà chỉ có 2 mẹ con, mẹ tôi sức khỏe lại yếu. Khi đi thi đại học ở Hà Nội, mẹ tôi không thể đưa đi nhưng thầy Trường biết và nhận lời sẽ đưa tôi đi thi. Một thầy giáo cấp 2 đưa học trò cũ đi thi đại học bằng chiếc xe máy cũ dù sức khỏe bản thân không tốt là hình ảnh khích lệ tôi vượt qua mọi khó khăn để học tập và làm việc. Đến hôm nay tôi vẫn muốn nói với thầy giáo của tôi, thầy là động lực để em vươn lên và em cảm ơn thầy rất nhiều” - chị Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ.

Giữa những lo toan đời thường ngày nay thì niềm say mê, hết lòng vì công việc vì sự nghiệp trồng người từ một người chịu nhiều thiệt thòi đem đến một vẻ đẹp lan tỏa và tôi thực sự mong nguồn năng lượng tích cực như vậy sẽ đến được với nhiều người hơn nữa!