Ngày Tết mà ăn thịt trâu...

ANTĐ - Quán nhà sàn xưa cũ không tên không tuổi, ông chủ quán cũng trạc tuổi “cổ lai hi”, duy có anh con trai tên là Đinh Hơn thì tháo vát nhanh mồm nhanh miệng. Thực khách ngồi trên những chiếc ghế mây tròn cao chừng gang tay, cái ghế tạo cho tư thế ngồi của người ăn hơi chúi về phía trước, rất đúng với cái kiểu “xì xụp” ăn vội của những người nhiều việc, coi ăn uống chỉ là chuyện phụ.

Ngày Tết mà ăn thịt trâu... ảnh 1

Món đầu tiên là thịt trâu xào rau muống. Chẳng lạ! Người Mường ở đây thường có kiểu nấu “mỡ nó rán nó” nghĩa là không tiêm thêm mỡ lợn hay dầu thực vật để làm “chất dẫn” nên củ tỏi còn nguyên vỏ lụa đã bị cháy đen lớp ngoài, thực tình trông chẳng ngon mắt mấy. Gắp cọng rau muống lên nếm, tôi thấy hơi ngặng ngặng đầu lưỡi, rõ ràng là rau muống trồng đồi, thiếu nước, thân cỗi sắt lại… Song cái cảm giác đắng chỉ thoáng qua chừng tích tắc, rồi tất cả giòn tan trong miệng. Vị mặn của muối thoáng trên thân rau bóng nhẫy mỡ trâu khiến đầu lưỡi tê tái. Tôi sung sướng gắp miếng thịt trâu thưởng thức cái mùi hoi hoi, thanh thanh rất đặc trưng, miếng thịt co quắp nhưng mềm và thơm hơn tôi tưởng. Được lắm, đúng là không uổng công tìm quán.

Nhớ cái đợt ở Định Hóa, Thái Nguyên, cũng được ăn bữa thịt trâu luộc.  Thịt thái miếng nào miếng đấy to như đầu cái đũa cả, dai ngoanh ngoách, chấm nước mắm gừng chát xít, không tài nào mà xé ra được, đành cho cả vào mồm trệu trạo nhai. Nhai chưa xong đã có người đến chúc rượu, vậy là cả rượu cả thịt trâu thành một hỗn hợp “lanh tanh bành”… tôi ớn thịt trâu từ đó. Nhưng có lần công tác, qua cái quán ở gần Xuân Hòa, quán này thì nổi tiếng, toàn người sành ăn đi ô tô đến thưởng thức. Cũng có thịt trâu xào rau muống, nhưng nhất định phải có ngổ hoa. Người dẫn tôi đi ăn hôm đó là ông sếp. Ông nằng nặc đòi đổi vì ngổ xào cùng với rau muống, thịt trâu là loại ngổ thân trắng. Ông bảo phải là ngổ tía cơ mới là hợp vị, mới dậy mùi trâu, ăn thế kể cũng là sành mà cũng kỹ tính. Tôi được dịp so sánh giữa hai loại ngổ. Đúng thịt trâu có ngổ tía thơm hơn hẳn. Đang ăn miếng thịt trâu rau muống bất chợt chạm phải thân ngổ như những bông hoa bốn cánh thơm dựng người.

Ông bố vợ gọi món đuôi trâu hầm lá rến (một loại lá chua miền núi). Chiếc nồi đất ậm ực sôi. Vị chua thanh thanh. Mấy khúc đuôi trâu nục nạc, chao lên chao xuống trong thứ dung môi vừa sánh tới. Đuôi trâu hầm trông cũng chẳng khác đôi bò là mấy, hai con này đúng là rất khó phân biệt. Nhưng ở đây có thứ nước chấm khá lạ đẩy vị. Dân địa phương gọi là mẻm. Hỏi ra mới biết đó là cái mắm vừa chín, múc ra nghiền với dẩu, với gừng, với hạt móc mật tạo thành một thức chấm tuyệt hảo. Hương vị đậm lắm, thơm bốc thấu óc, anh Đinh Hơn bảo là nhờ có hạt dẩu mới dẫn mùi thơm đến vậy, mùi các loại gia vị át đi mùi cá, nhưng không làm mất đi vị thịt trâu. Tôi cũng cảm thấy đúng như vậy. 

Đinh Hơn chạy xuống bếp cầm lên một đĩa trắng nõn. Anh bảo: “Đoán thử xem”. “Bầu à? Bí hả”, anh cười “Không, động vật cơ”. Thế thì chịu, chẳng thể nào đoán ra, nhìn kỹ miếng thức ăn màu trắng xanh, có một đường đậm đậm trên sống lưng, vị nhạt thếch, sậm sực, chịu, không đoán được. Anh Hơn cười đắc thắng: “Bì trâu đấy. Ở đây gọi là bì tru”. Bì trâu mà làm ra thế này cơ à? Lạ thật! Bì tru chấm với mẻm ăn cũng vui mồm, dẫn rượu khá hay. Lại nói về rượu. Rượu ở đây trong leo lẻo đến rợn người. Mới rót ra mùi đã tỏa khắp phòng, mới đưa qua môi thấy mát lạnh, uống thẳng cổ một hớp thì nóng bốc lên mặt. 

“Thịt trâu phải có rượu nặng mới sướng”, anh Hơn lấy tay nhúm mấy lát thịt luộc thái mỏng, kèm thêm cả những miếng gừng thái con chì bỏ tọt vào mồm, hỉ hả: “Phải ăn như thế này mới sướng”. Đúng là sướng thật. Ai chẳng biết thớ thịt trâu to đoành, dai ngoách, cứ chơi kiểu “chém to kho mặn” thì nhai đến trẹo quai hàm cũng không xong đành gân cổ mà nuốt. Thịt trâu vốn tính lành, nhưng làm không khéo thì lại lạnh.

Ông bố vợ kể: Hồi ở chiến trường Tây Nguyên, đói lắm. Đói nhất là khoảng sau Mậu Thân. Địch càn quét, bộ đội mất đường tiếp tế, suốt ngày suốt tháng phải chạy địch trong rừng. Hồi đó ở gần Buôn Xa-vằm có đàn trâu rừng, lính ta gọi là trâu min. Con nào con đấy to gấp rưỡi trâu nhà, khôn ngoan lại dữ tợn. Ông bảo chưa nhìn thấy trâu húc hổ bao giờ, nhưng người trong đơn vị đã từng chứng kiến. Con trâu min to đùng thế mà quỳ trước con hổ. Con hổ tưởng ngon ăn đập đuôi nhảy phắt lên lưng nó để vồ, thế là nó thúc ngược đầu lên. Cha mẹ ơi, lòng mề văng tứ tung, bụng con hổ toác hoác ra như bị ai đó xẻ một đường ngọt lịm. “Bố đã từng săn trâu min chưa?”. “Tớ không thích bắn trâu, với lại trâu min vốn là linh vật của người Việt cổ. Không giết được”. Tôi nhìn ông già nghi hoặc. Mười mấy năm ở chiến trường vào sinh ra tử, từng kể với tôi là đánh Mỹ còn dễ hơn đánh Ngụy mà lại nói đến linh vật với cả linh thú. Ông trầm ngâm: “Nhưng cũng có một lần phải bắn để lấy thịt cho đơn vị”. “Bắn thế nào” tôi vồ vập. 

Cái “đạo” đi săn cũng có nhiều bí quyết mánh lới, bắn trâu min nhất định phải biết cách. Trong chiến trường thường săn bằng súng AK. Ông bố vợ tôi thuộc hàng thiện xạ, “thửa” riêng một khẩu, cưa hộp tiếp đạn, chỉ để lại chừng 10 viên, súng nhẹ nên bắn chuẩn lắm. Thường thì phải bắn giữa đầu con thú, nếu không thì phải bắn vào bả vai, mà tiếp cận mục tiêu gần lắm cũng chỉ được 50 mét. Mấy cách này dùng để bắn trâu min không được. Có anh cùng đơn vị bắn trâu min. Cả bầy trâu dễ đến ba chục con đứng sừng sững, không thèm chạy, những con đực có đôi sừng nhọn hoắt đứng ra phía trước ngênh sừng lên thách thức. Anh này nã một phát đạn. Cả đàn trâu nhất loạt xông lên, sầm sập như núi lở. Anh chiến sĩ nọ vứt cả súng cả ba lô để chạy, hút chết, lúc quay lại nhặt súng thì bị trâu dẫm nát ra từng đoạn.

Ông bố vợ tôi, lần đó đi săn đã ba ngày mà không được con thú nào, đành nghĩ tới trâu min. Ông lầm rầm khấn vái: “Tao phải bắn mày để bồi dưỡng cho thương binh, bọn tao coi như mày có công với nước”. Nói đoạn lần gần đàn trâu, nổ một loại súng lên trời, đàn trâu bị giật mình chạy tán loạn. Nhằm một con già yếu chạy cuối cùng, ông nã một phát tin ngay đầu. Ông kể: “Thường thì không bắn phía sau được, vì đầu nó vươn ra đằng trước, nhưng hôm đó đàn trâu chạy rất lạ nghênh hết cả đầu lên. Giương súng lên là đầu ruồi đã ôm gọn”. Đó là lần duy nhất và cuối cùng ông bắn trâu min. 

Tôi hỏi: “Rồi ăn nó ra làm sao?”. “Nướng và nấu canh”. Trong Tây Nguyên có loại rau cần dại, nhưng rau cần ăn với thịt trâu thì tuyệt hảo. Nồi quân dụng to đùng, bỏ đầy xương, thịt ninh trên bếp Hoàng Cầm cả đêm nhừ mê tơi. Rồi anh nuôi đi cắt rau cần, làm một ôm chật cứng, băm chặt, cắt, vặn… vứt hết nào nồi, anh em thương binh húp đến đâu tỉnh đến đấy. “Sau đó bố còn ăn thịt trâu nữa không?”. “Ăn chớ, ta nói không bắn chứ đâu nói không ăn”. “Thì ăn cũng phải bắn mà”. “Đâu có, máy bay Mỹ bắn hộ rồi”. Ông lại kể lần đi đánh quấy rối, trên đường hành quân, thấy xác một con trâu mới chết. Anh em “tiếc của giời”, xẻ ra nướng, chấm với muối. Con trâu to cả đại đội đặc công hơn 30 người mới ăn hết hai “quả” mông. Anh nuôi còn cầu kỳ xẻ mỡ ra mỡ, nạc ra nạc. Thấy miếng mỡ trâu bóng nhẫy, lại “tiếc của giời” anh em bỏ ra nướng nốt. Vừa ăn xong thì bị “Tào Tháo đuổi” chí chết. Lần đó đơn vị phải rút quân vì mất sức chiến đấu, cấp trên khiển trách nặng. Một thời gian sau cơ sở báo ra là trận đó 1 tiểu đoàn lính Mỹ phục kích hụt đại đội đặc công, cái doanh trại chúng làm ra thực ra là cái bẫy. Hú hồn hú vía, không có con trâu min đó khéo cả đại đội đã thành… liệt sĩ rồi.

Rượu ngà ngà, chuyện đêm rì rầm mặc cho cái rét ngọt lịm bên ngoài trời, mưa xuân rả rích, Đinh Hơn tính bữa chúng tôi hết 170 nghìn. Tôi buột mồm kêu: “Rẻ thế”, 4 người ăn mà hết có chừng đấy, không khéo anh tính nhầm. Không nhầm được, đàn trâu trên này khá đông, mà mấy chục cây số vuông chỉ có mỗi nhà Đinh Hơn chuyên bán thịt trâu. Con trâu với bà con ta vẫn là đầu cơ nghiệp, không phải lúc nào người ta cũng ngả trâu ra mà ăn, người bán phải đi xa mua thịt đã đành, người ăn cũng phải biết tìm đúng quán nữa. Ăn thịt trâu, âu cũng là một cách tống tiễn những con trâu già, trâu cọc… về trời.