Ngành nông nghiệp xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ NN&PTNT yêu cầu xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Bộ NN&PTNT vừa có quyết định về việc ban hành kế hoạch triển khai Quyết định số 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 17- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Kế hoạch nhằm quán triệt, thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ngành NN&PTNT từ Trung ương đến địa phương đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Xác định rõ nhiệm vụ chỉ đạo đối với hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển của đơn vị.

Bộ NN&PTNT xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo ATTP trong tình hình mới

Bộ NN&PTNT xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo ATTP trong tình hình mới

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, giải pháp hàng đầu là cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia. Tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Sớm kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác an ninh, an toàn thực phẩm ngành NN&PTNT theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương tới địa phương. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT yêu cầu chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm

Bộ NN&PTNT yêu cầu chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm

Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn.

Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng. Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.

Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

Bộ NN&PTNT yêu cầu, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ trước ngày 25/11 hàng năm báo cáo Bộ NN&PTNT kết quả thực hiện, gửi về Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong đó nêu rõ những việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường chủ trì theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch; tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Các Sở NN&PTNT địa phương xây dựng kế hoạch tại địa phương trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả;

Trước ngày 25/11 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện, gửi UBND tỉnh, thành và Bộ NN&PTNT, trong đó nêu rõ những việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện.

Bộ NN&PTNT sẽ sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả triển khai kế hoạch; thống nhất giải pháp, biện pháp khắc phục các khó khăn vướng mắc trong thực hiện làm cơ sở cho việc triển khai kế hoạch năm và giai đoạn tiếp theo.