Hà Nội ban hành Quy chế quản lý công trình cao tầng:

Ngăn chặn xin - cho

ANTĐ - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội. Đây là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, làm cơ sở cho việc xây dựng các công trình cao tầng ở khu vực trung tâm Thủ đô.

Ngăn chặn xin - cho ảnh 1

Quy chế quản lý công trình cao tầng sẽ cụ thể hóa các chỉ tiêu quy hoạch tới từng ô, tuyến phố

Rõ số tầng cao tới từng tuyến phố

Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, quy chế quy định rõ về điều kiện để nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng, số tầng cao, chiều cao tối đa cho phép; về quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị; các khu vực không được phép xây dựng công trình cao tầng; về kiểm soát dân số... được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc của quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ. 

Theo quy chế, khu đất xây dựng công trình cao tầng phải đảm bảo có kích thước, diện tích đất đáp ứng đủ khoảng lùi tối thiểu theo quy chuẩn hiện hành; khả năng tiếp cận về giao thông và đáp ứng đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy... và một số điều kiện khác được quy định cụ thể tại quy chế.

Khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội được chia thành 7 khu vực để kiểm soát và quản lý tầng cao, chiều cao công trình, trong đó nhấn mạnh tới khu vực hai bên đường vành đai I, vành đai II; hai bên các tuyến phố hướng tâm như Giảng Võ - Láng Hạ, Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh, Giải Phóng - Lê Duẩn...; khu vực hai bên tuyến phố chính như Hào Nam - Hoàng Cầu - Yên Lãng, Hàng Đậu - Phan Đình Phùng - Hoàng Hoa Thám...; các khu vực điểm nhấn đô thị như xung quanh hồ Giảng Võ, ga Hà Nội...

Đặc biệt, quy chế này sẽ cụ thể hóa các chỉ tiêu quy hoạch tới từng ô, tuyến phố, tức là quản lý rất chặt chẽ quá trình phát triển đô thị ở khu vực trung tâm. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng công trình cao tầng có thể soi chiếu vào quy chế này để tìm kiếm cơ hội đầu tư cho mình, tránh được tình trạng đầu tư kiểu “thầy bói xem voi” như trước. Trường hợp khác với các quy định trên (ngoài vị trí, vượt quá quy mô cho phép), sẽ do UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Xu thế  tất yếu

Theo quy chế, khu vực tuyến đường vành đai I được chia thành 9 tuyến để quản lý. Trong mỗi tuyến, quy chế nêu rõ số tầng cao tối đa là 24 tầng, chiều cao tương đương 86m. Ngoài ra, ở mỗi đoạn phố, quy chế còn nêu thêm các điều kiện riêng.

Ví dụ, với đường Cầu Giấy (đoạn từ nút giao với đường Bưởi đến nút giao với đường Kim Mã), quy chế yêu cầu: “Không xây dựng công trình cao tầng trong khuôn viên công viên Thủ Lệ; phải đảm bảo phát huy giá trị không gian cây xanh, mặt nước, kết nối với khu vực phía Bắc, giáp công viên và hồ Thủ Lệ...”.

Với đoạn vành đai I, từ nút giao với đường Nguyễn Chí Thanh đến nút giao với đường Láng Hạ, quy chế yêu cầu: “đảm bảo kết nối không gian công trình cao tầng và ga đường sắt trên cao tại nút giao các đường La Thành - Hoàng Cầu”...

Với các dự án tái thiết đô thị, cụ thể là những dự án cải tạo chung cư cũ, quy chế cũng chỉ ra số tầng cao chi tiết đối với 17 dự án. Chẳng hạn, khu chung cư Nguyễn Công Trứ được quy định chiều cao 25 tầng, tương đương 90m; khu chung cư Giảng Võ có chiều cao 21 tầng, tương đương 76m; khu chung cư Quỳnh Mai có chiều cao 24 tầng, tương đương 86m...

UBND TP Hà Nội nêu rõ, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng sẽ được niêm yết công khai tại trụ sở UBND các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ để phổ biến rộng rãi đến mọi tổ chức, cá nhân biết, thực hiện. Đây là yêu cầu quan trọng để cộng đồng nắm được và cùng giám sát các dự án cao tầng trong nội thành.

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, nhiều chuyên gia quy hoạch - đô thị đánh giá rất cao việc Hà Nội ban hành quy chế quản lý nhà cao tầng. Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam cho biết: “Quy chế quản lý công trình cao tầng trong nội thành là xu thế tất yếu trong phát triển đô thị. Bản quy chế sẽ là công cụ quản lý rất quan trọng để hạn chế tình trạng xin - cho đối với công trình cao tầng”.

Dự án cao tầng được tiếp tục triển khai?
UBND TP Hà Nội lưu ý, các dự án cao tầng đã được cấp giấy phép xây dựng trước thời điểm quy chế này có hiệu lực được phép tiếp tục triển khai. Các dự án đã thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc đã được phê duyệt quy hoạch sau ngày Quyết định số 1259/QĐ-TTg có hiệu lực được phép tiếp tục triển khai, phù hợp với quy định tại quy chế. Với các dự án đã được UBND TP chấp thuận chủ trương, UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.