Điều chỉnh nâng tầng dự án nhà ở - “Căn bệnh” đô thị cần sớm chữa trị:

Bài 3: Nhanh chóng chấm dứt xin - cho

ANTĐ - Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, thành phố cần sớm ban hành Quy chế quản lý công trình cao tầng để chấm dứt tình trạng xin - cho khi điều chỉnh nâng tầng dự án nhà ở.

Bài 3: Nhanh chóng chấm dứt xin - cho ảnh 1

Phải nâng cao chất lượng quy hoạch

- Những năm gần đây, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị ở Hà Nội đã được điều chỉnh quy hoạch nâng tầng, có dự án tăng quy mô dân số gấp 2 lần so với ban đầu, ông có bình luận gì về hiện tượng này?

- Quy hoạch là định hướng và công cụ phát triển đô thị. Trong quy hoạch, dân số là yếu tố cơ bản quyết định không gian, hạ tầng kỹ thuật và chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, tất cả các quy hoạch được duyệt đều căn cứ, tính toán trên chỉ tiêu dân số trên một khu vực, đơn vị hành chính hoặc khu đô thị, dự án nhất định. 

Thời gian vừa qua đúng là có việc điều chỉnh lại quy hoạch nhiều dự án, trong đó, có điều chỉnh lại diện tích sàn nhà ở, tức là làm tăng quy mô dân số. Việc này sẽ tác động lớn tới hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, bệnh viện, vườn hoa, sân chơi, chợ, siêu thị...) và gây áp lực lớn với hạ tầng kỹ thuật. Khi đó, tất nhiên là chất lượng cuộc sống của người dân sẽ giảm và hạ tầng xã hội sẽ không đáp ứng được. Vì thế, đây là việc phải cân nhắc rất kỹ chứ không phải dự án nào cũng được điều chỉnh.

- Theo ông, đâu là giải pháp để dần hạn chế tình trạng điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của nhà đầu tư?

- Trước hết, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống quy hoạch của thành phố Hà Nội. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội vào năm 2011, thành phố phải triển khai khoảng 150 đồ án quy hoạch các loại. Đến nay, sau 5 năm, chúng ta đã cơ bản hoàn thành số quy hoạch này song còn nhiều quy hoạch chi tiết chưa triển khai được.

Cùng với đó, hệ thống quy hoạch của thành phố hiện còn có sự chồng chéo, giữa quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội với quy hoạch các ngành, lĩnh vực... Quy hoạch nào cũng là công cụ quản lý nhưng có khi cái ban hành sau lại điều chỉnh cái trước. Do đó, cần xem xét, điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống quy hoạch của thành phố. Cần sớm hoàn thiện hệ thống quy hoạch xây dựng đồng bộ với đổi mới hệ thống quy hoạch nói chung để đảm bảo tính đồng nhất, hiệu lực cao.

Đây là sẽ công cụ mạnh nhất để các nhà quản lý điều tiết chứ không chạy theo từng ngành, từng lĩnh vực hay từng dự án nhỏ lẻ. Tiếp đến, phải nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch và năng lực dự báo. Vấn đề này đã nêu ra từ lâu, nhưng tới nay vẫn còn hạn chế. 

Bài 3: Nhanh chóng chấm dứt xin - cho ảnh 2

Sắp tới, số tầng cao cho phép sẽ được ấn định tới từng ô phố

Cần công cụ mạnh phá vòng luẩn quẩn

- Hà Nội đang xây dựng Quy chế quản lý công trình cao tầng để trình Chính phủ, đây có thể xem là giải pháp chính cho vấn đề này?

- Hà Nội cần đặc biệt chú trọng tới quy hoạch các công trình cao tầng, nhất là ở khu vực nội thành. Đây là xu thế tất yếu trong phát triển đô thị. Từ khi Chính phủ chỉ đạo hạn chế xây dựng các công trình cao tầng trong 4 quận nội thành cũ (Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm), chúng ta đã triển khai nghiên cứu quy chế này. Tới nay, thành phố đã 17 lần dự thảo, Bộ Xây dựng cũng góp ý 4 lần vẫn chưa ban hành được.

- Số nhà cao tầng đang tăng chóng mặt, nếu không sớm có quy chế này, thì sẽ là quá muộn?

- Trước năm 1954, công trình cao nhất Hà Nội chỉ có 7 tầng. Tới năm 1986, công trình cao nhất là khách sạn Thăng Long 11 tầng. Trước năm 2005, thành phố có khoảng 80 công trình cao từ 9  tầng trở lên. Từ năm 2005 đến nay, nội thành có gần 300 công trình cao tầng. Điều đó chứng tỏ ưu thế đất vàng của Thủ đô nhưng cái chúng ta đang thiếu là công cụ quản lý các công trình này.

Trong gần 300 công trình cao tầng nói trên, có khoảng 90 dự án đang chờ quy chế cao tầng. Quy chế này phải cụ thể hóa để tránh chung chung, hạn chế tình trạng xin - cho đối với công trình cao tầng. Muốn làm được vậy, ta phải đưa nội dung quy chế vào các quy hoạch phân khu chứ không nói chung chung. Chính phủ cũng thúc giục thành phố phải sớm ban hành quy chế này để chấm dứt tình trạng xin - cho nhưng hiện nay chúng ta vẫn còn lúng túng.

- Vậy vướng mắc ở đây là gì, thưa ông?

- Có rất nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến vào dự thảo quy chế. Đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu rất kỹ, rất sâu. Trong bối cảnh nội thành Hà Nội đã phát triển qua nhiều giai đoạn, chúng ta không thể hồi tố được. Thành phố luôn muốn tạo điều kiện để xây dựng diện mạo đô thị mới khang trang, hiện đại nhưng đây là bài toán rất khó. Chúng ta phải tập trung lực lượng hơn nữa, tranh thủ nhiều hơn ý kiến của các cơ quan chuyên môn và chuyên gia, nếu không chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn quy định chung chung và không sao triệt tiêu được xin - cho.

- Nếu quy chế này được ban hành, các dự án cao tầng sẽ chỉ được xây dựng đúng số tầng theo quy định chứ không được phép điều chỉnh nhiều lần?

- Quy chế quản lý nhà cao tầng sẽ là công cụ quản lý rất quan trọng. Nếu được phê duyệt, quy chế này sẽ cụ thể hóa các chỉ tiêu quy hoạch tới từng ô, tuyến phố, tức là quản lý rất chặt. Đương nhiên, muốn đạt hiệu lực cao thì quy chế phải có chất lượng tốt nhất để tránh việc quy chế đã có nhưng vẫn xin điều chỉnh.

- Trong khi chờ Quy chế được duyệt, theo ông, có nên dùng mệnh lệnh hành để hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch chung cư cao tầng, nhất là ở các quận trung tâm?

- Quyền điều chỉnh quy hoạch đã được nêu trong các văn bản pháp quy. Nhưng để quy hoạch có hiệu lực thực sự, tránh xin - cho, thì rất cần vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và hội đồng quy hoạch - kiến trúc của thành phố. Căn cứ vào ý kiến của tập thể, các nhà quản lý sẽ xem xét và đưa ra quyết định thì mới có chất lượng cao.

Nếu nhà quản lý cứ tự quyết mà không xem xét ý kiến của cộng đồng thì dễ gây ra tình trạng quy hoạch kém hiệu lực và nạn xin - cho, điều chỉnh lại tái diễn. Luật Quy hoạch đô thị đã nói rõ, không thể bỏ qua tiếng nói của cộng đồng. Nhà quy hoạch phải chỉ ra, ý kiến nào của cộng đồng được tiếp thu, ý kiến nào không tiếp thu thì phải giải trình thấu đáo...

Để hạn chế tình trạng điều chỉnh quy hoạch “chạy” theo đề xuất của chủ đầu tư tại một đô thị có tốc độ phát triển xây dựng lớn như Hà Nội, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, phải xây dựng cho được Quy chế quản lý nhà cao tầng. Đó sẽ là công cụ hữu hiệu để cơ quan quản lý kiểm soát phát triển đô thị.