- Ngăn chặn xu hướng bạo lực của người tâm thần,"ngáo đá" (1): Những vụ việc kinh hoàng
- Ngăn chặn xu hướng bạo lực của người tâm thần, "ngáo đá" (kỳ cuối): Pháp luật phải là "rào chắn"
- Khống chế đối tượng ngáo đá, 1 chiến sỹ Công an bị thương

Cùng với biện pháp trấn áp, lực lượng công an kiên trì phối hợp cùng gia đình đưa đối tượng sử dụng MTTH đi cai nghiện tự nguyện
Ngăn chặn sớm các dấu hiệu bất thường
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP về công tác quản lý, giải quyết số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) có biểu hiện “ngáo đá”, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội có các đánh giá mang tính cụ thể, khoa học. Từ thực tiễn tình hình, cơ quan chức năng đã thống nhất các tiêu chí để xác định đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá”.
Trên cơ sở đó, CATP phối hợp cùng các cơ quan chức năng sẽ phân loại đối tượng thông qua các biểu hiện hành vi, hoặc đã nằm trong danh sách sử dụng MTTH, tập trung vào số đối tượng trẻ tuổi.
Đại úy Nguyễn Thế Nhật - Đội trưởng Đội Công tác nghiệp vụ cơ bản, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, CATP đã xác định nhiệm vụ quan trọng đối với các phòng chức năng và công an cơ sở, là tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nghiện, người sử dụng MTTH và gia đình tự nguyện khai báo tình trạng nghiện, tình trạng sử dụng ma túy và cam kết không sử dụng ma túy.
Cùng với đó, tích cực vận động đối tượng nghiện ma túy, đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” tự nguyện tham gia chương trình cai nghiện tại các Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động, xã hội. Công an cơ sở chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và gia đình để quản lý, giáo dục, giúp đỡ số đối tượng nêu trên, vận động gia đình đưa người nghiện MTTH có biểu hiện “ngáo đá” đi tập trung chữa bệnh tại các bệnh viện tâm thần.
Theo yêu cầu của CATP, công an cơ sở sẽ phối hợp cùng lực lượng chức năng tiến hành định kỳ và đột xuất, xét nghiệm để xác định tình trạng nghiện; thường xuyên rà soát, kiểm danh kiểm diện, răn đe, gọi hỏi cảm hóa giáo dục đối tượng, đồng thời thu thập tài liệu vi phạm để áp dụng các biện pháp quản lý hành chính như giáo dục tại xã phường, thị trấn; đưa đi cai nghiện bắt buộc...
Cùng với đó phải tăng cường phối hợp các đơn vị chức năng, làm tốt công tác quản lý nhân, hộ khẩu, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, kịp thời phát hiện, tố giác các đối tượng có biểu hiện nghi vấn “ngáo đá”…
Kiểm soát chặt, vận động gia đình vào cuộc
Để công tác nắm bắt, quản lý người sử dụng MTTH đạt hiệu quả, Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã, định kỳ hàng tháng phải cập nhật số đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” trên địa bàn; đánh giá đúng diễn biến tình hình, từ đó tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý, giải quyết phù hợp.
Định kỳ hàng tháng, công an cơ sở phải thông báo danh sách đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” về Phòng CSHS để kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, quản lý.
Đơn vị nào để xảy ra các vụ việc hình sự liên quan đến đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” mà không có trong danh sách, hồ sơ quản lý, không chủ động nắm và báo cáo tình hình, sẽ phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc CATP.
Theo phân công của CATP, số liệu, danh sách, kết quả giải quyết số đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” được giao Phòng CSĐT tội phạm về ma túy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Chia sẻ về công tác phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật của người “ngáo đá”, Thiếu tá Trần Thị Thu Hằng, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về ma túy - CAQ Nam Từ Liêm cho biết, đơn vị thường xuyên rà soát, quản lý các đối tượng nghiện ma túy “đá”. Trên địa bàn quận tuy chưa xảy ra trường hợp người nghiện ma túy “đá” thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, song không vì thế lực lượng chức năng được phép chủ quan.
Với vai trò nòng cốt trong đấu tranh với tội phạm ma túy, Đội CSĐT tội phạm về ma túy đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng ngừa; định kỳ thường xuyên rà soát, quản lý người nghiện ma túy, nhất là ma túy “đá”.
Sau khi nắm được thông tin về người nghiện ma túy “đá”, Đội CSĐT tội phạm về ma túy sẽ phối hợp với CSKV công an các phường vận động gia đình đưa đi cai nghiện tự nguyện, hoặc có đối sách quản lý chặt chẽ, nhằm giảm đến mức thấp nhất hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Cùng cách làm, Thiếu tá Phạm Tiến Lập, Trưởng CAP Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm cho biết, cách đây khoảng 6 tháng, trên địa bàn phường có một người nghiện ma túy “đá” bị ảo giác và… lên kế hoạch chuẩn bị hung khí để phạm tội. Lập tức, CAP Đông Ngạc đã chủ động tiếp cận, thuyết phục đối tượng từ bỏ ý đồ, đồng thời vận động gia đình đưa đối tượng đi cai nghiện tự nguyện.
Quán triệt chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, chỉ huy CAP Đông Ngạc đã yêu cầu lực lượng CSHS và CSKV rà soát những người nghiện ma túy trên địa bàn, nắm chắc thông tin và di biến động của những người nghiện ma túy “đá”. Từ đó, vận động gia đình phối hợp với cơ quan công an cùng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tránh xảy ra sự việc đáng tiếc.