Ngăn chặn xu hướng bạo lực của người tâm thần, "ngáo đá" (kỳ cuối): Pháp luật phải là "rào chắn"

ANTD.VN - Có thể nói, những vụ thảm án do người bị bệnh tâm thần và “ngáo đá” gây ra thời gian qua để lại hậu quả vô vùng nghiêm trọng. Mặc dù pháp luật đã có những quy định nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi này, song đến thời điểm hiện tại, một số chế tài bộc lộ nhiều hạn chế, không đủ sức răn đe.

Cần có biện pháp điều trị, quản lý chặt chẽ đối với người mắc bệnh tâm thần

Chưa phạm tội không phải khám bệnh tâm thần

Về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, theo Điều 13, Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án nhân dân  căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu chưa đến mức đưa vào cơ sở y tế thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền.

Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước đó có tiền sử bệnh tâm thần thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự…

Luật sư Hoàng Huy Được, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định đối tượng đã từng bị bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu bất ổn về tâm lý, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, cho bị can đi giám định tâm thần. Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của người đó.

Nếu bị can bị hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình, nhưng sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt.

Còn trong trường hợp bị can bị bệnh tâm thần mất hoàn toàn khả năng nhận thức, năng lực điều khiển hành vi, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Đáng nói là các biện pháp trên được áp dụng khi hậu quả đã xảy ra. Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cá nhân, đơn vị có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị khi người bệnh chưa phạm tội. Nghị định 64/2011/NĐ-CP chỉ quy định bắt buộc chữa bệnh trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả xảy ra.

Còn theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi người bị mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi phải được tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó thì cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người đó sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên.

Trường hợp không có người thân thì UBND xã, phường nơi người bệnh cư trú có trách nhiệm cử hoặc đề nghị người giám hộ. Nếu người bị bệnh tâm thần vi phạm pháp luật nhưng được miễn trách nhiệm hình sự thì người giám hộ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra khi họ không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ.

Người mắc bệnh tâm thần sống giữa cộng đồng làm tăng nguy cơ gây mất an toàn cho xã hội. Do vậy, việc vừa chữa bệnh vừa cách ly khỏi cộng đồng những người tâm thần phạm tội hoặc chưa phạm tội nhưng có nguy cơ là rất cần thiết.

“Theo tôi, các cơ sở y tế cần có chương trình hỗ trợ cho các gia đình có người thân mắc bệnh, đưa người bệnh đi khám, chữa, điều trị bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, gia đình của người bị mắc bệnh phải quan tâm quản lý, chăm sóc người bệnh. Ngoài ra, những người tâm thần bị phạt tù cần phải được chữa trị khỏi bệnh trước khi tái hòa nhập cộng đồng”, luật sư Hoàng Huy Được kiến nghị. 

Tăng nặng hình phạt đối với người “ngáo đá” phạm tội 

Giống như người mắc bệnh tâm thần, thời gian qua những đối tượng “ngáo đá” đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội gây hậu quả khôn lường. Tuy vậy, Bộ luật Hình sự chưa có quy định cụ thể, riêng biệt đối với người phạm tội trong trạng thái bị “ngáo đá”.

“Người phạm tội do “ngáo đá” phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện theo tội danh và hình phạt mà Bộ luật Hình sự quy định. Ở góc độ pháp lý, người bị “ngáo đá” là hậu quả của hành vi chủ động sử dụng chất ma túy nên pháp luật hiện hành không coi họ là người mắc bệnh tâm thần và không có cơ sở đề nghị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự”, luật sư Hoàng Huy Được nhận định. 

Vừa qua, Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được ban hành.

Trong đó nêu rõ: “Phòng y tế của các cơ sở có chức năng tiếp nhận, quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, trong thời gian lập hồ sơ để tòa án nhân dân xem xét quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Tuy vậy, hiện chưa có luật nào cho phép phòng y tế quản lý, tạm giữ công dân. Trong khi đó, cơ sở vật chất của nhiều trạm y tế còn chưa đáp ứng được yêu cầu nên quy định này thiếu tính khả thi. Cũng theo Luật sư Hoàng Huy Được, hầu hết người “ngáo đá” nghiện ma túy.

Tuy vậy, việc xác định tình trạng nghiện, đặc biệt là nghiện ma túy “đá” hiện mất khá nhiều thời gian. Ngoài ra, hành lang pháp lý để xử lý người nghiện cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định áp dụng 3-6 tháng xử lý, giáo dục tại địa phương đối với người nghiện có nơi cư trú, còn Nghị định 94/NĐ-CP hướng dẫn cai nghiện tại địa phương 6-12 tháng. Không ít đối tượng trong khi đợi Tòa án nhân dân cấp quận đưa ra xét xử áp dụng cai nghiện bắt buộc thì đã đi khỏi địa phương từ khá lâu…

Theo luật sư Hoàng Huy Được, phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” nên coi là tình tiết tăng nặng. Vì “đá” chính là một dạng ma túy bị pháp luật cấm sử dụng. Người “ngáo đá” tuy ý thức được việc mình đang có hành động vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện. Họ không chỉ có lỗi đối với tình trạng hạn chế hoặc mất năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của mình, mà còn có lỗi đối với nạn nhân, với xã hội.

Do vậy, cần tăng nặng hình phạt đối với đối tượng này. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phòng ngừa, ngăn chặn đối tượng “ngáo đá” phạm tội, các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, chính sửa, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp phạm tội do “ngáo đá” diễn ra gần đây để đảm bảo tính răn đe.