Rụng tóc ở giai đoạn ngừng phát triển
Với tên khoa học là Telogen effluvium, đây là hiện tượng rụng tóc xảy ra sau khi sinh con, phẫu thuật lớn, giảm cân nhanh hoặc quá căng thẳng. Nó cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống viêm không steroid. Thời kỳ này, tóc đang phát triển chuyển nhanh hơn bình thường sang giai đoạn “nghỉ ngơi” và rụng xuống. Phụ nữ sau thời kỳ căng thẳng có thể thấy tóc rụng đột ngột từ 6 tuần đến 3 tháng, đỉnh điểm họ có thể mất cả nắm tóc. Khó có thể xét nghiệm để chẩn đoán Telogen effluvium, nhưng trong một số trường hợp, như mang thai hoặc phẫu thuật lớn, bạn có thể phải chờ đợi một thời gian để tóc trở về với chu kỳ bình thường của nó.
Di truyền rụng tóc
Di truyền là nguyên nhân phổ biến nhất của hiện tượng rụng tóc. Phụ nữ bị rụng tóc do di truyền thường có xu hướng tóc mỏng và thưa dần ở vùng quanh chỏm đầu trở xuống. Hiện nay, các bác sĩ da liễu có thể kiểm tra mô hình rụng tóc để xác định xem đó có phải do di truyền hay không, đồng thời có thể yêu cầu xét nghiệm máu để loại trừ các nguyên nhân khác. Với tình trạng này, đã có thuốc bôi da đầu cho cả nam và nữ giới để làm chậm việc rụng tóc.
Suy giáp
Hormone tuyến giáp chịu trách nhiệm về quá trình trao đổi chất trong cơ thể, từ trao đổi ôxy và năng lượng đến sự tăng trưởng của tóc, da và móng tay. Tuy nhiên, khi cơ thể sản xuất quá ít hormone tuyến giáp còn gọi là suy giáp, một loạt triệu chứng có thể xuất hiện, bao gồm tăng cân không giải thích được, mệt mỏi, táo bón, trầm cảm, và khó tập trung trong khi tóc, móng tay có thể trở nên giòn hơn và gãy rụng một cách dễ dàng hơn. Điều này phổ biến ở phụ nữ trên 50 tuổi. Nếu chẩn đoán đúng suy giáp, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc hormone tuyến giáp để khôi phục lại mức độ bình thường.
Thiếu sắt
Phụ nữ trong kỳ kinh hoặc không ăn đủ các loại thực phẩm giàu chất sắt dễ bị thiếu sắt, trong đó máu không đủ hồng cầu để vận chuyển ôxy đến các tế bào khắp cơ thể. Thiếu máu do thiếu sắt gây ra mệt mỏi, suy nhược và da nhợt nhạt. Ngoài ra, triệu chứng khác là nhức đầu, khó tập trung, bàn tay và bàn chân lạnh và rụng tóc. Về chế độ ăn uống, thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò, cá, thịt lợn, rau lá xanh, ngũ cốc và cây họ đậu cùng với các loại thực phẩm giàu vitamin C, giúp tăng cường hấp thu sắt.
Da đầu có vấn đề
Da đầu không khỏe không chỉ gây viêm mà còn làm cho tóc khó phát triển. Các bệnh về da đầu thường dẫn đến rụng tóc là viêm da tiết bã (gàu), bệnh vẩy nến, và nhiễm trùng nấm. Da đầu có nhiều gàu, nhất là vảy màu vàng có thể là kết quả của nấm men, thay đổi nội tiết tố, hoặc dư thừa dầu trên da. Bệnh vẩy nến lại hình thành một lớp vảy màu trắng dày trên da đầu, nếu kéo mạnh ra có thể gây chảy máu. Còn nếu bị nấm, trên da đầu sẽ xuất hiện mảng đỏ, có xu hướng lan rộng ra. Mỗi dạng này đều đòi hỏi phương pháp chữa trị khác nhau, ví dụ dầu gội trị gàu, thuốc hoặc liệu pháp ánh sáng cho bệnh vẩy nến và thuốc kháng nấm.
Lạm dụng tóc
Gội đầu, tạo kiểu, nhuộm tóc liên tục có thể gây hại cho mái tóc. Nhiệt và hóa chất làm tóc yếu đi, rụng nhiều, và dấu hiệu của việc lạm dụng tóc này dễ nhận thấy là tóc rất dễ gãy. Do đó, lời khuyên trong trường hợp này là tránh sử dụng các thiết bị quá nóng đối với tóc, chỉ nên sấy tóc ở chế độ mát hoặc nhiệt độ thấp, giảm thiểu việc là tóc. Đối với việc nhuộm tóc, càng thay đổi màu sắc bình thường, càng cần nhiều hóa chất, tóc càng dễ gãy. Nếu bạn sử dụng gel hay keo xịt tóc, hãy chải ngay khi tóc vẫn còn ướt bởi nếu chờ cho khô, tóc sẽ cứng, dễ rụng hơn.