Nếu không biết tận dụng, cơ hội vàng sẽ biến thành... sắt vụn

ANTĐ - Là trung tâm kinh tế - chính trị hàng đầu của cả nước, tập trung số lượng doanh nghiệp lớn và nguồn lao động dồi dào, do đó khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hà Nội là địa phương bị tác động nhiều nhất. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sẽ được hưởng lợi, song bên cạnh đó là những khó khăn chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều. 

Nếu không biết tận dụng, cơ hội vàng sẽ biến thành... sắt vụn ảnh 1Doanh nghiệp cần nâng cao khả năng quản trị và năng suất lao động để sẵn sàng hội nhập TPP

Cơ hội nhiều

Ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hà Nội cho biết: “TPP có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực hoạt động của Thủ đô như: bất động sản, công nghiệp chế biến (may mặc, da giày), nông lâm thủy sản. Nó cũng mang đến tiềm năng mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, đặc biệt là những thị trường lớn. Thuế suất nhiều mặt hàng như dệt may, da giày sẽ được giảm ngay, tạo điều kiện để tăng xuất khẩu. Bên cạnh đó, TPP còn là động lực khiến doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Ngoài ra, ngành du lịch cũng đứng trước cơ hội lớn khi lượng người nước ngoài đến Việt Nam sẽ ngày càng đông hơn”.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Dầu khí toàn cầu đánh giá: “Doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn là khó khăn. TPP sẽ khiến làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam gia tăng để tận dụng lao động giá rẻ. Khi đó, nhu cầu bất động sản sẽ tăng theo”. 

Dưới góc độ xã hội, PGS. TS Hoa Hữu Lân - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng: “TPP tạo ra cơ hội cho người lao động Thủ đô. Tính đến cuối quý II-2015, Hà Nội có gần 4 triệu người trong độ tuổi lao động. Đó là cơ hội lớn vì lao động của chúng ta trẻ tuổi, sung sức, giá rẻ, cần cù, chịu khó và sáng tạo. Khi thị trường được mở rộng, việc làm sẽ đa dạng hơn, thu nhập của người lao động tăng lên. Nhưng nếu chúng ta không biết tận dụng thời kỳ vàng của dân số này, thì nguồn lực này sẽ thành… sắt vụn”.

Theo đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội, hội nhập sẽ mở ra cơ hội cho cả những doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa nhưng có khả năng quản trị tốt, công nghệ hiện đại, sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, thay vì cơ hội này thường chỉ đến với những doanh nghiệp lớn như trước đây.

Thách thức cũng không ít

Theo các chuyên gia, TPP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia nói chung không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp, thông qua việc tăng trưởng xuất khẩu, tạo việc làm, mà còn gián tiếp cho thấy những hạn chế cần khắc phục của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nghiêm Xuân Đạt, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ Hà Nội cho rằng: “Trừ những doanh nghiệp lớn có thể sẵn sàng hội nhập, các doanh nghiệp quy mô từ vừa trở xuống thì nhận thức về hội nhập vẫn còn lơ mơ. Họ chưa coi trọng tác động của hội nhập và có thể vẫn nghĩ, doanh nghiệp nước khác cũng như mình. Tham gia xúc tiến đầu tư thì cũng chỉ mang cái mình có mà không quan tâm đến các đối tác cần gì”.

Từ thực tiễn hoạt động, ông Nguyễn Gia Phương cũng lấy ví dụ, trung tâm có tổ chức giao thương, xúc tiến đầu tư với gần 500 doanh nghiệp Nhật Bản. Trong khi doanh nghiệp Nhật tổ chức rất trật tự, kỹ lưỡng thì doanh nghiệp Việt Nam lại không chuẩn bị bài bản. “Xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại còn quá nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao”- ông Nguyễn Gia Phương chia sẻ.

Trên quan điểm của doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp thẳng thắn cho rằng, doanh nghiệp đang bị vướng mắc ở thể chế. Vị đại diện doanh nghiệp này cho hay: “Chúng tôi có 4 dự án đang chờ phê duyệt ở Sở KH- ĐT Hà Nội nhưng do sự mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và các luật khác nên chưa giải quyết được. Tham gia TPP buộc chúng ta phải cải cách thể chế, mà cái đó không nằm trong tay doanh nghiệp”. Với cương vị đại diện của Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng bày tỏ băn khoăn về năng lực của các nhà thầu Việt Nam khi đa số các công ty còn xếp ở loại 2, loại 3. 

PGS. TS Hoa Hữu Lân lo ngại, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ mang theo kỹ năng quản trị hiện đại, trao đổi lao động dễ dàng hơn, mà với năng suất lao động thấp như hiện nay thì nhiều lao động Việt Nam đứng trước nguy cơ mất việc. Ngược lại, nguồn lao động chất lượng cao trong nước lại ra nước ngoài làm việc với mức lương cao hơn. Khi đó, bài toán lao động sẽ không dễ giải quyết.