Nền tảng phát triển bền vững

ANTĐ - Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá của LHQ (UNESCO) vừa lên tiếng kêu gọi thế giới thúc đẩy sức mạnh khoa học - công nghệ, coi đó như điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Môi trường bị tàn phá nghiêm trọng bởi sự phát triển thiếu bền vững

Lời kêu gọi của UNESCO được đưa ra trước thềm Hội nghị cấp cao LHQ về phát triển bền vững (Rio+20), sẽ diễn ra tại Brazil vào tháng 6 tới. Đây là cơ hội để các cộng đồng khoa học công nghệ thế giới thảo luận với các nhà hoạch định chính sách về những thách thức của sự phát triển bền vững và các giải pháp. Diễn đàn cũng là dịp để khảo sát vai trò chủ chốt của khoa học đa ngành và đổi mới trong quá trình chuyển tiếp của nền kinh tế thế giới sang phát triển bền vững, nền kinh tế xanh và xoá đói giảm nghèo.

Lâu nay, phát triển bền vững là khái niệm được dùng để định nghĩa một sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. Khái niệm này hiện đang là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa... riêng để hoạch định chiến lược phù hợp nhất với quốc gia đó.

Thế giới ngày càng quan tâm đến sự phát triển bền vững bởi thực tế cho thấy nhiều mô hình kinh tế và phát triển hiện hành là thủ phạm dẫn tới nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và môi trường. Thế giới từng chứng kiến sự bùng nổ đáng kinh ngạc của nhiều nền kinh tế như Trung Quốc hay các nước ASEAN… nhưng cũng phải giật mình khi nghĩ đến sự tàn phá môi trường khủng khiếp mà sự phát triển này gây ra. Tốc độ tăng trưởng GDP nhanh đem lại sự thịnh vượng nhưng cũng kéo theo hàng loạt các hệ lụy như phân hóa giàu nghèo, mất bản sắc văn hóa dân tộc…

Cái giá phải trả cho sự phát triển thiếu bền vững buộc thế giới phải suy nghĩ lại về con đường đi của mình, phải tìm kiếm những phương thức hợp lý hơn nhằm tạo ra thịnh vượng và sự hài hòa.  Kết luận rút ra là chính khoa học đa ngành mạnh sẽ là nền tảng quyết định để hoạch định chính sách hài hoà cho phát triển bền vững; chính các ngành khoa học - công nghệ và khoa học xã hội nhân văn có vai trò quyết định giúp nhân loại đối phó với những thách thức nhiều mặt của phát triển bền vững. 

Rất nhiều các sáng kiến khoa học đã được đưa ra. Chẳng hạn ở Nhật Bản, người ta áp dụng phương pháp dùng vịt thay thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu trên đồng ruộng. Thả vịt để cho chúng tự kiếm ăn trên đồng ruộng bằng cách tìm sâu bọ bám trên lúa và cỏ dại, khi bơi lội, vịt có thể tạo oxy cho nước và làm tơi đất; phân của chúng cũng rất tốt cho quá trình sinh trưởng của lúa. Ở châu Âu, Hà Lan và Đan Mạch đi theo hướng công nghệ sạch. Các nước này hiện thu được 3,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ công nghệ năng lượng tái sinh và tiết kiệm năng lượng, tương đương 6,5 tỷ euro (9,4 tỷ USD).

Theo hướng đó, tại Hội nghị cấp cao LHQ về phát triển bền vững (Rio+20) sắp tới tại Brazil, UNESCO kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các nhà khoa học, các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và xã hội dân sự để phát triển nguồn tri thức, thúc đẩy các giải pháp và các công nghệ cần thiết để xây dựng tương lai xanh trong kỷ nguyên đang biến đổi nhanh chóng về xã hội và môi trường.