“Nền móng” minh bạch

ANTĐ - Trong những ngày gần đây, một hình thức sinh hoạt chính trị trong đời sống xã hội được dư luận hết sức quan tâm: Các bộ trưởng trả lời trực tuyến câu hỏi của người dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Nếu không phải là đại biểu Quốc hội, đến bao giờ người dân bình thường được trực tiếp đặt câu hỏi trước các vị bộ trưởng những vấn đề bức xúc, những thắc mắc cần được giải đáp. Mấy khi các thành viên Chính phủ được trực tiếp đối diện với người dân để lắng nghe, thấu hiểu và không né tránh trước những vấn đề nóng hổi liên quan tới đời sống kinh tế và xã hội.

Sau buổi trả lời trực tuyến của Bộ trưởng Giao thông - Vận tải, Y tế, Công Thương, Bộ trưởng Tài chính đã giải đáp một loạt câu hỏi về quản lý giá xăng dầu, điện, than; chi phí, giá thành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, thuế thu nhập doanh nghiệp, cân đối thu chi ngân sách. Minh bạch và công khai là một trong những điều kiện tiên quyết để điều hành, quản lý nền kinh tế, trong đó có quản lý về giá cả, nhất là đối với những mặt hàng có ý nghĩa chiến lược như điện, than, xăng dầu...

Bộ trưởng Tài chính khẳng định sẽ minh bạch trong việc thực hiện Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu; đồng thời sẽ sửa đổi bổ sung chu kỳ để tính tăng hoặc giảm giá với thời gian ngắn hơn, phù hợp với diễn biến giá cả thế giới. Năm 2012 Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của Tổng công ty Xăng dầu, Tập đoàn Điện lực. Bộ Tài chính sẽ thanh tra tất cả các đầu mối xăng dầu còn lại cũng như các đầu mối bán điện giá cao cho EVN để xóa bỏ tình trạng “tù mù” cơ cấu chi phí, giá thành trong kinh doanh điện cũng như xăng dầu để đảm bảo sự minh bạch về lỗ lãi.

Thật ra người dân phản ứng mỗi khi điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện vì họ không biết mức tăng đó là đúng hay không, doanh nghiệp đang lỗ hay lãi. Người dân chưa thể “cảm thông”, chia sẻ với doanh nghiệp mỗi lần tăng giá chính là vì thông tin còn bị giấu giếm. Viện nghiên cứu thị trường và giá cả khẳng định, để công khai, minh bạch giá cả các mặt hàng nhạy cảm, điều quan trọng nhất là cơ chế bắt buộc doanh nghiệp phải công khai minh bạch thông tin, đồng thời cần có cơ chế kiểm tra, giám sát sự công khai, minh bạch đó. Khi hai vấn đề này thực hiện tốt, người dân mới không nghi ngờ mỗi lần điều chỉnh giá. Thực sự người dân chẳng có thời gian và năng lực để giám sát, kiểm tra sự trung thực thông tin của doanh nghiệp. Một câu hỏi lớn được đặt ra với Bộ trưởng Tài chính là, mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện cao hơn nhiều so với các nước, trong khi nhiều doanh nghiệp khó khăn, chật vật nên phải tìm cách lách và trốn thuế, ông Bộ trưởng cho biết, năm nay Chính phủ quyết định giãn thuế thu nhập thêm ba tháng nữa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động. Chính sách thuế năm 2012 đã định hướng là động viên sản xuất kinh doanh, bồi dưỡng nguồn thu và phải khoan sức dân, tạo nguồn thu lâu dài.

Một buổi trả lời trực tuyến chưa thể thỏa mãn và giải đáp trọn vẹn mọi vấn đề trong một lĩnh vực hoặc một ngành. Dẫu vậy đây là kênh thông tin hữu ích, “cầu nối” giữa người dân với Chính phủ được xây dựng trên “nền móng” công khai, minh bạch. Mong sao sẽ còn nhiều cuộc trực tuyến như vậy.