Nền móng hợp tác trên biển

ANTĐ - Dù Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) chưa thoả mãn được lợi ích và mục tiêu của mọi quốc gia, nhưng đó vẫn là nền tảng cho hành động và hợp tác trong lĩnh vực biển - Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, phát biểu tại phiên thảo luận của Đại hội đồng LHQ về “Đại dương và Luật Biển” ngày 6-12.

Giàn khoan mỏ Đại Hùng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

Theo Đại sứ Bùi Thế Giang, UNCLOS đã có những đóng góp vô cùng tích cực và to lớn trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế. UNCLOS đã cung cấp khung pháp lý được thừa nhận rộng rãi trên toàn cầu để các quốc gia ven biển thiết lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ về biển.

Là kết quả của quá trình đàm phán kéo dài 9 năm, UNCLOS được ký kết ngày 10-12-1982 (còn gọi UNCLOS 1982). Đây chính là một bộ các quy định về sử dụng biển và đại dương trên thế giới vốn chiếm tới 70% diện tích bề mặt Trái đất. Sau Hiến chương LHQ, UNCLOS là văn kiện pháp lý đa phương quan trọng nhất trong lịch sử của LHQ, với việc thiết lập được một cách cụ thể và rõ ràng khái niệm, quy chế cũng như phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia của các nước.

Công ước quy định rõ quyền và trách nhiệm của các quốc gia trong việc sử dụng biển, thiết lập các hướng dẫn các hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường và cải thiện quản lý các tài nguyên thiên nhiên đại dương. Trong đó quan trọng nhất là quy định cụ thể về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển và đại dương với vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Và dù có hiệu lực chưa lâu, từ 16-11-1994, song UNCLOS đã chứng tỏ giá trị và phát huy vai trò, hiệu quả trong thực tiễn ngày càng sôi động của thế giới. Đến nay đã có 157 quốc gia và Cộng đồng châu Âu (EC) tham gia UNCLOS.

Không chỉ góp phần xác định rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển và đại dương, UNCLOS còn là căn cứ quan trọng bậc nhất để giải quyết tranh chấp trên biển giữa các quốc gia. Trên cơ sở công ước này, một Tòa án trọng tài quốc tế đã được thành lập ngày 20-9-2007 để ra phán quyết tranh chấp biên giới trên biển từ lâu giữa Guyana và Suriname.

Việt Nam là một trong 130 quốc gia bỏ phiếu thông qua và sau đó cùng 118 nước đầu tiên ký UNCLOS năm 1982 tại Vịnh Montego (Jamaica). Ngày 23-6-1994, Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn và trở thành thành viên thứ 63 của UNCLOS.

Nằm ven Biển Đông và là một trong những quốc gia có bờ biển dài trong khu vực (khoảng 3.260km), theo các quy định của UNCLOS, Việt Nam được mở rộng chủ quyền, các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình ra các vùng biển và thềm lục địa rộng khoảng 1 triệu km2. Là thành viên UNCLOS, Việt Nam có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp theo các quy định của UNCLOS.

Lên tiếng tại LHQ, Đại sứ Bùi Thế Giang một lần nữa nêu rõ quan điểm của Việt Nam giải quyết hoà bình những tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, và được tất cả các bên liên quan chấp nhận.