Nấu rượu để bán phải đi đăng ký

ANTĐ - Đệ tử thần Lưu Linh nước ta vừa choáng váng trước hai vụ bắt giữ rượu giả và rượu có chất ma túy trên địa bàn Hà Nội. 10h ngày 26-12 khi đội Quản lý thị trường số 12 phối hợp với đội 6 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất Thiên Long (xóm Hoa Thám, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội. Đoàn kiểm tra đã tịch thu 5.000 chai rượu các loại (gồm rượu vang đào, rượu nếp mới, rượu vang nổ, rượu chanh, rượu Champagne Thiên Long) và 1.000 chai nước các loại 

Cơ quan chức năng cũng phát hiện cơ sở này sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc xuất xứ, cồn công nghiệp, nguyên liệu phụ gia thực phẩm, đường hóa học nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm để sản xuất rượu. Ngày 25-12-2012  khi kiểm tra cơ sở buôn bán đá quý Thúy Gấu tại 119 A đường Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP Hà Nội đã phát hiện hàng trăm hũ rượu có chất ma túy với dung tích hàng ngàn lít đang được sang triết để bán cho khách hàng. 

Có thể nói rượu là tuy đã được coi là mặt hàng không khuyến khích kinh doanh và chịu những điều kiện nghiêm ngặt nhất nhưng lại là mặt hàng thông dụng và ít được kiểm soát nhất. Người ta có thể mua rượu không có nhãn mác, không đăng ký chất lượng ở bất kỳ quán nước, hiệu tạp hóa nào ở khắp đất nước. Các loại rượu này hầu hết đều được chế biến từ cồn công nghiệp và nước lã cùng một số hương liệu hoặc cây cỏ nhảm nhí. Tử tế nhất là đổ cồn công nghiệp vào nồi cơm rượu trước khi cất để có thể tăng gấp đôi số rượu thu được từ cách nấu rượu truyền thống. Theo Bộ y tế trong năm 2012 đã có 130 vụ ngộ độc do rượu và 26% người ngộ độc rượu đã tử vong.

Ảnh: Internet

Đã đến lúc cần kiểm soát chặt việc sản xuất và kinh doanh rượu 

Ngày 12-11-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất, kinh doanh rượu. Nghị định gồm có 6 Chương, 32 Điều quy định về sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và cồn thực phẩm; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép, đầu tư sản xuất rượu phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát đã được phê duyệt; chủ đầu tư sản xuất rượu có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ mội trường, phòng, chống cháy nổ và các định pháp luật khác liên quan; sản phẩm rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và sản phẩm rượu nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải dán tem trên bao bì sản phẩm theo quy định của Bộ Tài chính; thương nhân bán lẻ sản phẩm rượu không được bán sản phẩm rượu cho người dưới 18 tuổi; thương nhân kinh doanh sản phẩm rượu phải có văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng kinh doanh mua bán rượu...

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2013, thay thế Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 7-4-2008 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu.

Theo quy định của Nghị định này, các hộ sản xuất rượu phải có đăng ký kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm, rượu đem ra bán phải có nhãn mác, chở rượu ngoài đường phải có hợp đồng bán rượu của cơ sở sản xuất hợp pháp… Như vậy với những quy định mới, nếu được thực hiện nghiêm, việc sản xuất và kinh doanh rượu giả rượu kém chất lượng sẽ chấm dứt. Đây là hành động cần thiết, chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội, kể cả các đệ tử của thần Lưu Linh bởi rượu giả rượu lậu đang xuất hiện tràn lan trên thị trường gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Như vậy từ nay các hộ gia đình sản xuất rượu để bán phải xin giấy phép kinh doanh, muốn có giấy phép kinh doanh trước hết các hộ gia đình này phải đăng ký chất lượng sản phẩm, được công nhận đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, mỗi gia đình phải đăng ký nhãn hiệu cho rượu của mình…Và có thể nói với cung cách nấu rượu kiểu tự phát như ở Việt Nam thì hiện không có hộ gia đình nào đang nấu rượu nhỏ lẻ có đủ khả năng cũng như chi phí để thực hiện các thủ tục trên. Món “quốc lủi, quốc hồn, quốc túy” sẽ biến mất từ đây.

Tuy nhiên cần có lộ trình thực hiện

Nghị định 94/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-1-2013, nhưng qua khảo sát một số địa phương chuyên nấu rượu từ Nam chí Bắc, hầu hết đều không biết đến quy định này. Rất nhiều địa phương đặc biệt là các xã có làng nghề nấu rượu truyền thống nhận được văn bản nghị định khi nghị định đã có hiệu lực. Phát biểu trên  truyền hình nhiều chủ tịch UBND xã còn không biết sẽ thực hiện như thế nào và lực lượng nào sẽ tham gia khiểm sóat và các chế tài sẽ ra sao. Vấn đề hiện nay là những người trực tiếp sản xuất rượu thủ công không ai biết về các quy định này và quan trọng hơn họ chưa thể ngay lập tức đáp ứng các quy đinh pháp luật mới. Ở làng rượu Đại Đồng, nổi tiếng trên đất Chương Mỹ (Hà Nội)  ông Nguyên Văn Hùng chủ một gia đình có nấu rượu bán trả lời phóng viên: Tôi nấu rượu từ mấy chục năm nay, toàn bán cho các mối quen, chưa ai phàn nàn bao giờ. Cũng chưa thấy ai phổ biến quy định mới, nhưng nếu phải đăng ký kinh doanh thì phiền lắm. Mà làng tôi hàng trăm nhà nấu rượu, thế cả làng đi đăng ký kinh doanh à. “Lò” rượu của họ thật đơn giản, chỉ gồm vài cái nồi to, bồn chứa nước, vài mét ống dẫn... Mỗi ngày họ sản xuất vài chục lít rượu để tiêu dùng trong gia đình, họ hàng, chòm xóm. Tiền lời không đáng là bao, chủ yếu là được “hèm” nuôi lợn,nuôi cá. Họ khó mà đáp ứng các quy định mới về sản xuất, kinh doanh rượu.

Chị Phạm Thị Mai người làng Tó (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) - nơi nổi tiếng với nghề làm rượu thủ công có lịch sử hàng trăm năm chở rượu giao cho bà hàng nước trên phố Cát Linh, Hà Nội  tâm sự: Em vẫn chở rượu đi giao hàng ngày, làng em nhà nào cũng có mấy chục hàng lấy rượu, hết hàng họ gọi điện là chúng em chở ra, có vài chục lít một,  mà nếu kiểm tra em bảo là em nấu rượu đưa ra cho họ hàng uống thì cũng bắt phạt em à?. 

Ở những địa phương mà phóng viên khảo sát, nếu đi kiểm tra và xử phạt theo quy định thì gần như 100% hộ gia đình nấu rượu thủ công đều vi phạm. Khi nghị định 94 đi vào đời sống, các cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào?

Ngay Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cũng chưa thực hiện Nghị định 94-2012-NĐ-CP. Bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết đến ngày 2-1/2013 Chi cục QLTT vẫn chưa triển khai việc thực hiên Nghị định 94/2012/NĐ-CP vì chưa biết lực lượng nào được giao thực hiện và nếu lực lượng quản lý thị trường được giao thì cũng phải có văn bản hướng dẫn việc thực hiện như thế nào.  

Như vậy có thể nhận thấy nguy cơ của việc khó thực hiện nghiêm NĐ 94/2012. Bởi vì ngay khâu tuyên truyền, phổ biến đến các đối tượng quan trọng để biết và hực hiện chúng ta còn chưa làm, chưa nói đến việc phải hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện, trong lúc Nghị định đã đến thời hạn có hiệu lực. Theo chúng tôi, việc cần thiết ban hành và thực hiện Nghị định 94/2012/CP đã rõ. Cần thiết là cơ quan chức năng, trước hết là Bộ Công Thương cần có thông tư quy định một lộ trình thực hiện có giám sát chặt chẽ để các làng nghề, các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh nghiêm chỉnh có đủ thời gian xoay trở, làm các thủ tục hành chính và kỹ thuật cần thiết theo tinh thần của các quy định pháp luật mới.