Người dân đổ xô đi rút tiền
Để giúp quốc đảo này có thể nhận được cứu trợ và tránh nguy cơ vỡ nợ quốc gia, nhóm chủ nợ quốc tế đã nhất trí dành cho Cyprus 10 tỷ USD, đổi lại, Nicosia sẽ phải chấp nhận đánh thuế lên tới 9,9% đối với các khoản tiền gửi ngân hàng. Theo đề xuất của chính phủ, các khoản tiền gửi vượt quá 100.000 euro sẽ bị đánh thuế 9,9%, trong khi các khoản tiền gửi thấp hơn sẽ bị đánh thuế 6,7%. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội. Quốc hội Cyprus đã buộc phải hoãn phiên họp biểu quyết thông qua dự luật đánh thuế tiền gửi tiết kiệm dự kiến diễn ra ngày 17-3.
Ngay sau đó, chính phủ đã đề xuất kế hoạch mới, theo đó, mức thuế đối với khoản tiền gửi dưới 100.000 euro sẽ giảm 6,7% xuống còn 3%. Trong khi đó, mức thuế đối với khoản tiền gửi trên 100.000 euro sẽ tăng từ 9,9% lên 12,5%. Phát biểu trực tiếp trên truyền hình quốc gia, Tổng thống CH Cyprus Nicos Anastasiades đã kêu gọi người dân ủng hộ dự luật này: “Chúng ta đang ở bên bờ vực phá sản. Dù đây chắc chắn không phải thứ chúng ta muốn, nhưng nó là giải pháp ít đau đớn nhất để phục hồi nền kinh tế”.
Trong khi vẫn chưa biết điều kiện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm ngân hàng của EU và IMF nhằm giúp CH Cyprus thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ có thực sự phát huy hiệu quả hay không, nhưng nó đã gây ra tâm lý hoang mang cho người dân nước này. Người dân đã đổ xô đi rút rút hết tiền mặt tại các máy rút tiền khiến các máy đều cạn kiệt tiền mặt, mọi giao dịch điện tử đều phải tạm ngừng. “Tôi cảm thấy rất bực mình, điều này là không đúng, khi bạn có thu nhập, bạn đã phải đóng thuế rồi” - một người dân Thủ đô Nicosia nói.
Theo giới phân tích, việc CH Cyprus quyết định đánh thuế tiền gửi ngân hàng có thể trở thành một tiền lệ xấu với người châu Âu khi nhiều người sẽ tìm cách giữ tiền dưới dạng các loại tài sản khác như vàng hoặc trữ tiền mặt, thay vì gửi ngân hàng. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn giá vàng sẽ lại biến động mạnh.