Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy (3): Chủ động, kịp thời trong công tác quản lý người nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 1-1-2022, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 chính thức có hiệu lực sẽ tháo gỡ tất cả những vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị chức năng, trong đó chủ công là cơ quan Công an có một hành lang pháp lý vững chắc, phù hợp với tình hình hiện tại và trong giai đoạn tiếp theo để phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Nhức nhối, tiểm ẩn những vi phạm

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội, tính đến ngày 14-11-2021, trên địa bàn thành phố có 18.000 người nghiện, người sử dụng ma túy trong danh mục quản lý. Đáng chú ý, số có mặt tại cộng đồng và vắng mặt lên tới 14.577 người. Số người nghiện, người sử dụng ma túy hiện đang ở trong cơ sở cai nghiện của thành phố chỉ có 1.758 người; ở trường, trại là 1.665 người. So với cùng kỳ năm 2020, số người trên đã tăng hơn 5.000 người. Số người nghiện, người sử dụng ma túy có mặt tại cộng đồng chiếm tỷ lệ lên tới 68,4% dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặt ra những thách thức không hề nhỏ về tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội cũng như gây ra áp lực rất lớn trong công tác quản lý và cai nghiện.

Ma túy được cất giấu tinh vi
Ma túy được cất giấu tinh vi

Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện kết quả rà soát, thống kê người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố ở cộng đồng chiếm đa số (14.577 chiếm 81%). Loại ma túy người nghiện, người sử dụng trái phép sử dụng chủ yếu là heroin (có 10.829 người, chiếm 60,2%) và ma túy tổng hợp (5.514 người, chiếm 30,6%). Xét theo giới tính, nam giới chiếm tới 98,2% và số còn lại là nữ giới chỉ có 1,8%. Nguy hiểm không kém, đó chính là số người đang ở trong độ tuổi lao động nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy lên tới 78,6%. Điều này không chỉ tác động đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn mà còn gây ảnh hưởng và hạn chế đến nguồn lao động của thành phố. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy không nghề hoặc nghề nghiệp không ổn định chiếm tỷ lệ rất cao, lên tới 99,4%.

Bên cạnh sự phát triển của Hà Nội thì vẫn còn những góc khuất nhức nhối liên quan đến số người nghiện, sử dụng ma túy trái phép. Trong suốt một thời gian dài, những bất cập, vướng mắc của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi bổ sung năm 2008) đã khiến cho công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm về ma túy, nhất là quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy trái phép trên địa bàn Thủ đô gặp nhiều khó khăn.

Trong số những người nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy trên đặc biệt nguy hiểm nhất là các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” hoặc nguy cơ “ngáo đá”. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội đã lập hồ sơ chuyên biệt thống kê, quản lý số đối tượng trên. Hiện có 244 đối tượng trong danh sách quản lý, trong đó phân loại 7 đối tượng “ngáo đá” và 237 đối tượng có nguy cơ “ngáo đá”. Các đối tượng này đều bị quản lý bằng biện pháp nghiệp vụ, đồng thời vận động cai nghiện tự nguyện hoặc cai nghiện bắt buộc.

Đặc biệt coi trọng công tác quản lý người nghiện ma túy

Những đối tượng “ngáo đá” khi gây án thường để lại hậu quả vô cùng nặng nề, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận nhân dân. Đã có nhiều vụ đối tượng “ngáo đá” gây án không chỉ để lại hậu quả khủng khiếp cho nạn nhân, gia đình bị hại, mà còn gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho những người dân xung quanh. Thống kê, trong năm 2021, có 3 vụ việc 3 đối tượng “ngáo đá” gây ra. Đáng mừng là đã giảm trên 70% tổng số vụ trung bình xảy ra hàng năm từ năm 2015 đến nay.

Vật chứng các vụ án về ma túy
Vật chứng các vụ án về ma túy

Cũng tính tới thời điểm ngày 14-11-2021, CATP Hà Nội đã đưa 1.084 người nghiện có quyết định của tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 221/2013/NĐ-C có nơi cư trú ổn định; 718 người cai nghiện bắt buộc thuộc diện không có nơi cư trú ổn định. Toàn thành phố đã vận động 1.755 lượt người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy thành phố.

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cùng với các đơn vị chức năng phát hiện, triệt xóa nhiều chuyên án, thu giữ số lượng ma túy lớn

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cùng với các đơn vị chức năng phát hiện, triệt xóa nhiều chuyên án, thu giữ số lượng ma túy lớn

Công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy luôn được CATP Hà Nội đặc biệt coi trọng. Ngay cả khi thời điểm cả thành phố thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 thì nhiệm vụ, yêu cầu quản lý số đối tượng này càng được các Phòng nghiệp vụ, Công an các đơn vị quận, huyện, thị xã, cơ sở đặc biệt quan tâm, triển khai quyết liệt, hiệu quả.

Tính tới thời điểm ngày 31-8-2021, xác định trong tổng số 12.008 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đang có mặt tại cộng đồng có 10.874 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy thuộc khu vực “vùng xanh” thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng (chiếm tới 90,5%). Có 1.134 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy thuộc các xã, phường, thị trấn đang là khu vực “vùng đỏ”. Tại các “vùng đỏ” xác định có 214 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đang sống trong khu vực cách ly, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự.

Trong số những người nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt nguy hiểm nhất là các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” hoặc nguy cơ “ngáo đá”

Trong số những người nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt nguy hiểm nhất là các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” hoặc nguy cơ “ngáo đá”

“Chìa khóa” hóa giải các nguy cơ

Đại tá Trương Thọ Toàn, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội cho biết: Để chủ động, kịp thời trong công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo thực hiện “nhiệm vụ kép” của các đơn vị trong Công an Hà Nội, trên cơ sở trao đổi với Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã có Tờ trình về việc đề xuất thực hiện giải pháp quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

CATP Hà Nội đã chủ động, phối hợp hiệu quả với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế tham mưu cho UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4871/QĐ-UBND ngày 17-11-2021 về việc thành lập Cơ sở cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội. Theo đó, khi phát hiện người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy thuộc diện F1 sẽ đưa vào cách ly tập trung tại Cơ sở cai nghiện số 4, 5, 6 của thành phố.

Kịch bản quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy tại cộng đồng trong thời gian dịch Covid-19 cũng đã được CATP Hà Nội triển khai hiệu quả. Cụ thể, CATP Hà Nội đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường vận động, đưa người nghiện đi cai nghiện dưới các hình thức như cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc, cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone... Tập trung quét vét số người nghiện không có nơi cư trú ổn định để đưa đi cai nghiện bắt buộc, hạn chế tình trạng người nghiện lang thang ngoài cộng đồng là nguồn nguy cơ cao lây nhiễm dịch Covid-19.

CATP Hà Nội đã học tập, áp dụng biện pháp trên sau khi đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an TP.HCM, Bình Dương… tập trung thu dung những người lang thang, không có nơi cư trú tại địa bàn, vừa đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội và phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19.

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, trao đổi thông tin liên quan đến người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý, đặc biệt lưu ý số đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”, nguy cơ “ngáo đá”; áp dụng đối sách để quản lý và xử lý do từng đối tượng cụ thể. CATP Hà Nội cũng phối hợp với Sở Y tế Hà Nội để cung cấp danh sách số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy chữa bệnh tâm thần tại các cơ sở y tế thuộc Sở Y tế; đồng thời đưa số đối tượng “ngáo đá”, nguy cơ “ngáo đá” vào các cơ sở điều trị tâm thần phòng ngừa không để xảy ra các nguy cơ, hậu quả đáng tiếc.

Cũng theo chỉ huy Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội, các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã đề ra quy trình chặt chẽ trong việc xác định, nhận diện và đưa vào quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; các biện pháp cai nghiện, quản lý sau cai; lý do loại danh sách người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; tạo hành lang pháp lý cụ thể để Công an cấp cơ sở tổ chức thực hiện.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2021 đã tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc hiện nay trong công tác quản lý và đưa đi cai nghiện, cụ thể: Luật hóa đưa người sử dụng trái phép chất ma túy vào quản lý (Chương IV: Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, gồm 5 Điều (từ Điều 22 đến Điều 26) quy định việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức, cộng đồng trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy).

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lưu giữ để theo dõi dấu hiệu lâm sàng đối với người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy (Điều 122, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2021: Tạm giữ không quá 5 ngày đối với các trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy, tại khu lưu giữ tạm thời thuộc cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc nhà tạm giữ, buồng tạm giữ hành chính. Rút ngắn quy trình đưa đi cai nghiện bắt buộc còn tối đa 8 ngày, tính từ thời điểm cơ quan Công an lập hồ sơ đến khi chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân cùng cấp (Rút thời gian từ khi lập hồ sơ đến khi chuyển hồ sơ sang Tòa án đề nghị ra quyết định từ 25 ngày xuống còn 8 ngày; bỏ bước gửi hồ sơ sang phòng tư pháp cung cấp để thẩm định hồ sơ; không quy định biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy).

“Để chủ động, kịp thời trong công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo thực hiện “nhiệm vụ kép” của các đơn vị trong Công an Hà Nội, trên cơ sở trao đổi với Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã có Tờ trình về việc đề xuất thực hiện giải pháp quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian thực hiện phòng, chống dịch Covid-19”.

Đại tá Trương Thọ Toàn (Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội)

* Đẩy mạnh lấy công tác nghiệp vụ cơ bản làm trọng tâm, đột phá, thường xuyên đổi mới phương pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ các biện pháp công tác khác, nhất là biện pháp vận động quần chúng, khoa học, kỹ thuật nghiệp vụ…

* Triển khai thực hiện Phương án số 03 của Bộ về tăng cường phòng, chống tội phạm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong và sau dịch bệnh Covid-19; Phương án nghiệp vụ số 02 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam; Kế hoạch của Bộ Công an về tổng rà soát người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và các Hướng dẫn hệ lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy về: chuyển hướng điều tra cơ bản theo 5 lĩnh vực xuyên suốt; thực hiện một số mặt công tác nghiệp vụ cơ bản phục vụ phòng, chống tội phạm hình sự, ma túy của lực lượng Công an cấp xã và rà soát, xác định và xây dựng quy trình, phân công trách nhiệm trong đấu tranh, giải quyết điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.

* Phối hợp với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan), Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục đổi mới và tăng cường áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tập trung đấu tranh quyết liệt với các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia.

* Tăng cường phối hợp với cơ quan đại diện của Bộ Công an Việt Nam tại các nước và lực lượng chức năng của các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia… trong trao đổi thông tin, xác lập đấu tranh chuyên án chung, đề xuất cử các tổ công tác sang nước bạn Lào để phối hợp đấu tranh với các đường dây ma túy xuyên quốc gia, truy bắt các đối tượng truy nã về ma túy của Việt Nam đang trốn ở nước ngoài và của nước ngoài đang trốn ở Việt Nam.

* Tăng cường trao đổi thông tin với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế, khu vực, Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, Cơ quan phòng, chống ma túy Mỹ, Cảnh sát Liên bang Australia... để chủ động kịp thời trong xử lý thông tin liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia có liên quan đến Việt Nam.

(Còn nữa)