Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (Có hiệu lực từ ngày 1-1-2022):

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy (1): Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật để phòng, chống ma túy trong tình hình mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời tòa soạn: Ngày 1-1-2022, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 chính thức có hiệu lực. Luật được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn mới, nâng cao hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy đầy khó khăn, cam go, ác liệt. Một cách toàn diện, chính xác, kịp thời, những điểm bất cập của Bộ luật cũ (Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã được nhìn nhận lại, từ đó khơi thông các “điểm nghẽn” giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tuyên truyền trong cuộc chiến phòng, chống ma túy không chỉ riêng Bộ Công an mà còn cả hệ thống chính trị trên mặt trận quan trọng này.

Nhiều điểm không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại

Đánh giá của Bộ Công an cho thấy, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Trong nhiều năm qua, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, được Đảng, Quốc hội, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá rất cao. Nổi bật nhất trong đó phải đề cập đến công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy đã đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong đời sống xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên rõ rệt. Công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đã có sự đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức. Chúng ta đã huy động được sự tham gia của nhiều cấp, ngành, đông đảo quần chúng tham gia vào mặt trận “phòng” và “chống” ma túy. Nhiều mô hình tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy có hiệu quả được triển khai, nhân rộng.

Số lượng lớn ma túy bị lực lượng chức năng bắt giữ trong đường dây buôn bán vận chuyển ma túy từ Campuchia về Việt Nam, ngày 19-7-2020

Số lượng lớn ma túy bị lực lượng chức năng bắt giữ trong đường dây buôn bán vận chuyển ma túy từ Campuchia về Việt Nam, ngày 19-7-2020

Công tác cai nghiện ma túy đã từng bước được đổi mới. Trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đã đạt được nhiều kết quả. Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cũng như Công an các tỉnh, thành, địa phương đã phát hiện, điều tra, khám phá nhiều tổ chức, đường dây tội phạm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia, thu giữ số lượng ma túy rất lớn. Những kết quả trên đã kéo giảm, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ Công an cũng sớm đánh giá những yếu tố khách quan, chủ quan nảy sinh dẫn tới tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008). Thực tế, Luật Phòng, chống ma túy nêu trên cũng có nhiều điểm không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại - đó là sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Đáng chú ý, chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cùng với các đơn vị chức năng phát hiện, triệt xóa nhiều chuyên án, thu giữ số lượng ma túy lớn

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cùng với các đơn vị chức năng phát hiện, triệt xóa nhiều chuyên án, thu giữ số lượng ma túy lớn

Điều chỉnh sát với thực tiễn, có chiều sâu, lâu dài, dự báo…

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đánh giá: Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)...; nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự.

Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, nhà hàng, karaoke... đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng “địa điểm” để tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp gây nhức nhối trong dư luận nhân dân, phá hỏng nhiều gia đình lẫn nền tảng xã hội tốt đẹp. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã hủy hoại chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ trọng án, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Đã có không ít những vụ đối tượng “ngáo đá” sát hại chính người thân trong gia đình mình với hành vi gây án tàn độc. Nguy hiểm, nhức nhối là vậy nhưng hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện nay chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng là chưa đủ sức răn đe. Từ thực tế đến hành vi và các quy định có liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy, người nghiện gây án… không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Yêu cầu gấp rút thay đổi và những nội dung điều chỉnh phải sát với tình hình thực tiễn, theo guồng quay cuộc sống và có tính chiều sâu, lâu dài, dự báo…

Công tác cai nghiện, quản lý người nghiện còn nhiều bất cập

Cũng theo đại diện Bộ Công an, quy định về công tác cai nghiện trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) trong công tác phòng, chống tội phạm về ma túy còn một số bất cập và đã được giải quyết gần như cơ bản ở Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Thống kê của Bộ Công an cho thấy, chỉ trong vòng 10 năm (từ 2009 đến 2019), số người nghiện trong cả nước tăng từ 146.731 người lên 235.314 người (tăng 60%). Đáng cảnh báo đó là các chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng, liên tục xuất hiện các chất mới, trẻ hóa đối tượng sử dụng.

Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn. Người nghiện ở ngoài xã hội nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Từ nghiện ma túy, nhiều đối tượng gây án, gây án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra. Đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản, hiệu quả không cao, nhiều địa phương làm hình thức.

Đối với công tác quản lý sau cai tại nơi cư trú và tại cơ sở quản lý sau cai hiện đã không còn phù hợp. Chúng ta chưa có quy định về cai nghiện ma túy với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy, trong khi số đối tượng này ngày một diễn biến phức tạp. Công tác xã hội hóa cai nghiện còn nhiều khó khăn. Hiện nay, các cơ sở cai nghiện do những tổ chức, cá nhân thành lập chưa được quan tâm và hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, trong khi đây là lĩnh vực lợi nhuận không cao nên không thu hút được các nhà đầu tư.

Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác cai nghiện còn thiếu, xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng, dẫn đến khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, dễ gây bức xúc cho học viên, ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả cai nghiện. Các học viên sau khi cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về cộng đồng khó kiếm việc làm để ổn định cuộc sống. Nguy cơ tái nghiện, vi phạm pháp luật tiếp tục bủa vây họ.

Giải quyết hiệu quả sự thiếu đồng bộ, thống nhất

Ngoài ra, nhiều quy định không thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác về phòng, chống ma túy. Cụ thể như mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính về quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cụ thể, Luật Phòng, chống ma túy quy định thẩm quyền do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định; Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định do Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Không chỉ vậy, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự về thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng. Luật Phòng, chống ma túy quy định cơ quan chuyên trách Phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển có chức năng phòng ngừa, ngăn chặn hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát.

Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra quy định thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng ngoài việc có thẩm quyền điều tra về tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, còn có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra với các tội khác như: tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác chứa chất ma túy; sản xuất trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; tàng trữ, vận chuyển mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Cảnh sát Biển được tiến hành điều tra đối với các tội: Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; tàng trữ, vận chuyển mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

Điều 259, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định thêm một số hành vi mới như: “Vi phạm quy định về tạm nhập, tái xuất, giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần” nhưng trong Luật Phòng, chống ma túy chưa quy định nghiêm cấm các hành vi này. Sự không thống nhất giữa Luật Phòng, chống ma túy với các Bộ luật và luật nêu trên đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.

Ngoài ra còn một số vấn đề của thực tiễn đang đặt ra, nhưng Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 chưa đáp ứng được. Phòng, chống ma túy là lĩnh vực đặc thù, có nhiều hiểm nguy, khó khăn. Các đối tượng phạm tội về ma túy thường manh động, nguy hiểm, được trang bị nhiều loại vũ khí, thiết bị hiện đại, có tổ chức chặt chẽ, tinh vi, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia phần lớn sinh sống ở nước ngoài.

Cán bộ trong lĩnh vực phòng, chống ma túy luôn đứng trước các hiểm nguy, hy sinh, nguy cơ lây nhiễm HIV... Nhưng Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho cơ chế phối hợp điều tra của lực lượng điều tra trong nước với các nước, các tổ chức phòng, chống ma túy quốc tế; chưa có chính sách ưu đãi đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Một số hoạt động chưa được đưa vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy như tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, đây là các hoạt động trên thực tiễn diễn ra thường xuyên, rất dễ bị các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội về ma túy. Một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất cũng chưa được quy định kiểm soát. Trong khi thực tế các đối tượng đã lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp từ các loại thuốc này.

Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã giải quyết được những yêu cầu, nhiệm vụ trên.

Triệt phá ngay các đường dây, tụ điểm ma túy khi mới hình thành

“Tội phạm ma túy là tội phạm ẩn và được coi là “tội phạm của các loại tội phạm”. Vì vậy, để làm giảm tội phạm thì một trong những giải pháp quan trọng và căn bản là tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh với tội phạm, tệ nạn ma túy theo các mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại và theo đúng quan điểm, phương châm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là chống ma túy như chống dịch Covid-19, phải triệt phá được toàn bộ đường dây, ổ nhóm, bắt giữ bằng được số đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đồng thời, phải triệt phá ngay các đường dây, tụ điểm khi mới hình thành; chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa và phối hợp với các nước, hợp tác quốc tế trong bắt giữ tội phạm ma túy ngay từ bên kia biên giới với mục tiêu đẩy ma túy xa biên giới nước ta và kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện (Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an)

(Còn nữa)