Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy (2): Phát hiện sớm, ngăn chặn hiệu quả “mầm độc” ma túy từ xa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022) đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008. Đặc biệt Luật đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Ngay sau khi được lãnh đạo Bộ Công an giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị định, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã phối hợp với các bộ, ngành (Bộ Tư pháp; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...) và các đơn vị thuộc Bộ Công an tổ chức xây dựng dự thảo nội dung Nghị định, thực hiện đúng tiến độ đề ra. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ hoàn thành việc tiếp thu, giải trình các ý kiến của các thành viên Chính phủ (26/27 thành viên nhất trí thông qua), báo cáo đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an ký tắt trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Trong số 7 Nghị định của Bộ Công an xây dựng, Nghị định 105 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Phòng, chống ma túy được Văn phòng Chính phủ đánh giá là một trong những Nghị định có tiến độ nhanh nhất, đảm bảo chất lượng để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022 cùng với Luật Phòng, chống ma túy và các Nghị định, Thông tư khác do Bộ Y tế; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo.

Rõ trách nhiệm, chặt quy trình, nâng tầm hiệu quả

Với 8 Chương, 55 Điều, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã cụ thể hóa rõ trách nhiệm, chặt quy trình, qua đó nâng tầm cao mới trong phòng, chống ma túy, nhất là giai đoạn mới hiện nay. Công tác phòng, chống ma túy hiệu quả không thể “khoán hết” cho bất kỳ một cơ quan, tổ chức, đơn vị nào, mà cả hệ thống chính trị, người dân phải cùng vào cuộc quyết liệt. Chính vì vậy, trong Chương II, Luật quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy; quy định cụ thể cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và nguyên tắc phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy.

“Gia đình là tế bào của xã hội” - quan điểm trên thêm phần nào khẳng định sự cần thiết, đặc biệt quan trọng của gia đình trong công tác tuyên truyền, phòng, chống ma túy, vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm hết sức nặng nề đối với cá nhân, gia đình về nhiệm vụ này. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 sửa lại quy định theo hướng cá nhân, gia đình có trách nhiệm cung cấp kịp thời thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy và việc trồng cây có chứa chất ma túy cho cơ quan Công an hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tham gia xóa bỏ cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.

Ở tầng nấc trách nhiệm tiếp theo của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy cũng đã được luật hóa. Cụ thể, Điều 11 quy định cụ thể cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy bao gồm: Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân; Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam và Hải quan.

Trong đó, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm về ma túy. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam và Hải quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an, cơ quan, tổ chức khác có liên quan thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm về ma túy tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát.

Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy

Điều này cũng bổ sung quy định về nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy để bảo đảm tính đồng bộ của phát luật, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy. “Trong trường hợp trên cùng một địa bàn khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan thì cơ quan phát hiện trước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định. Trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật vi phạm pháp luật cho cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết” - đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm ma túy, Bộ Công an cho biết.

Luật quy định cụ thể chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Trong đó, bổ sung thêm và nhấn mạnh một số chính sách như: “Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy”; “Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ”.

Bổ sung quy định về “Nguồn tài chính cho phòng, chống ma túy” để bảo đảm điều kiện cho công tác phòng, chống ma túy, tăng cường năng lực các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, gồm: ngân sách Nhà nước; nguồn tài trợ, viện trợ, đầu tư, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; chi trả của gia đình, người nghiện ma túy; các nguồn tài chính hợp pháp khác.

“Trong đợt thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, đơn vị đã cùng với các lực lượng phối hợp phát hiện rất nhiều đối tượng sử dụng ma túy. Đáng lưu ý, một số đối tượng còn liều lĩnh vận chuyển trái phép chất ma túy qua khu vực các chốt kiểm soát dịch Covid-19 để đưa vào cho các đối tượng nghiện trong các khu cách ly, phong tỏa và đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ…”.

Đại tá Hà Mạnh Hùng (Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

“Việc quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm không những có tính chất mạnh mẽ trong tuyên truyền, giáo dục, vận động, răn đe, mà còn giúp cho lực lượng chức năng trong đó có Công an cơ sở nắm rõ, hiểu sâu, thực hiện hiệu quả các biện pháp trong phòng, chống ma túy, vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm ma túy”.

Đại tá Nguyễn Đình Chiến (Trưởng Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, nghiêm trọng

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), trong thời gian vừa qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến đặc biệt phức tạp trên phạm vi toàn cầu, nhưng tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Chúng hoạt động với phương thức, thủ đoạn rất mới, thường xuyên thay đổi, chuyển hướng hoạt động và triệt để lợi dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ để đối phó với sự kiểm soát, phát hiện, bắt giữ của các lực lượng chức năng.

Đáng chú ý, trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội nhưng các đối tượng vẫn bất chấp, tiếp tục mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19, lực lượng chức năng phát hiện nhiều đối tượng vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy giấu trong các loại hàng hóa thiết yếu như mỳ tôm, bánh mỳ… lợi dụng xe tải luồng xanh để vận chuyển, xảy ra chủ yếu ở các địa phương phía Nam như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bình Thuận, Phú Yên, Trà Vinh, Bến Tre… Nhiều đối tượng mua bán, tàng trữ và sử dụng ma túy khi “đói” ma túy đã tìm đủ mọi thủ đoạn để xâm nhập vào khu vực cách ly, phong tỏa để “tiếp tế”, mua bán ma túy.

Các lực lượng như Tổ công tác 141, 142, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội và ngay cả cấp Công an cơ sở như Công an phường cũng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ ma túy với số lượng rất lớn. Thực tế đó cho thấy tính chất phức tạp, manh động, liều lĩnh của các đối tượng ngày càng gia tăng, phức tạp. Việc Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 sẽ giúp cho công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy trong giai đoạn mới thêm hiệu quả cao.

Tội phạm ma túy hoạt động với phương thức, thủ đoạn rất mới, thường xuyên thay đổi, chuyển hướng hoạt động và triệt để lợi dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ để đối phó với sự kiểm soát, phát hiện, bắt giữ của các lực lượng chức năng

Tội phạm ma túy hoạt động với phương thức, thủ đoạn rất mới, thường xuyên thay đổi, chuyển hướng hoạt động và triệt để lợi dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ để đối phó với sự kiểm soát, phát hiện, bắt giữ của các lực lượng chức năng

Cụ thể hóa những hành vi bị nghiêm cấm

Muốn đấu tranh phòng, chống ma túy hiệu quả phải phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ xa những mối nguy cơ, vi phạm có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Bộ Công an đã sớm nhận diện và từ đó cụ thể hóa những hành vi bị nghiêm cấm nhằm kịp thời phòng, chống hiệu quả đối với vi phạm trên lĩnh vực này trong luật. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy; kiểm nghiệm, kiểm định, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022) bổ sung thêm quy định kiểm soát đối với thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất nhằm bảo đảm không để sơ hở cho tội phạm lợi dụng sản xuất trái phép chất ma túy. Bổ sung quy định kiểm soát hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phù hợp với thực tiễn hiện nay và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, những hoạt động liên quan đến giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, bảo quản chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật cũng được quy định cụ thể. Các hành vi cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần trái quy định của pháp luật cũng bị nghiêm cấm. Hay như hành vi chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy cũng được luật hóa rõ ràng.

Các hành vi như hướng dẫn sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy; kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy đều bị nghiêm cấm. “Việc quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm không những có tính chất mạnh mẽ trong tuyên truyền, giáo dục, vận động, răn đe, mà còn giúp cho lực lượng chức năng trong đó có Công an cơ sở nắm rõ, hiểu sâu, thực hiện hiệu quả các biện pháp trong phòng, chống ma túy, vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm ma túy” - Đại tá Nguyễn Đình Chiến, Trưởng Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đánh giá.

Tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước vẫn diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường

Tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước vẫn diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) chủ động phối hợp tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ cụ thể đã được đề ra trong Chương trình của Chính phủ, Kế hoạch của Bộ Công an về triển khai thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy và các văn bản có liên quan đến phòng, chống ma túy; Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy…

Tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành gồm: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; Nghị định quy định về cơ sở y tế đủ điều kiện được xác định tình trạng nghiện ma túy, hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy và Thông tư của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn và quy trình xác định tình trạng nghiện.

Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy; đa dạng hóa các hình thức và biện pháp tuyên truyền, ứng dụng tốt tiến bộ khoa học - công nghệ mới; chú trọng vào các đối tượng cần quan tâm đặc biệt (học sinh, sinh viên, công nhân, lái xe, đồng bào ở các khu vực biên giới dễ bị tội phạm lợi dụng...); xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tài liệu về phòng, chống ma túy phù hợp với từng đối tượng, chú ý đến phát triển các chương trình sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc ít người. Xây dựng các video clip ngắn về tác hại của ma túy tuyên truyền trên các phương tiện truyền hình quốc gia và địa phương vào các khung giờ có nhiều người theo dõi.

Thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an):

- Tính đến tháng 6-2021, cả nước có 246.648 người nghiện có hồ sơ quản lý. Đây là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy rất lớn. Tình hình tổ chức sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, các đối tượng vẫn lén lút tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, dịch vụ nhạy cảm và tại các nhà trọ, nhà cho thuê, chung cư, căn hộ cao cấp, khu nghỉ dưỡng… bất chấp các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

- Trong 11 tháng của năm 2021, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phát hiện 25.175 vụ, bắt giữ 37.046 đối tượng, thu giữ 596kg heroin, 2,6 tấn và 2,4 triệu viên ma túy tổng hợp, gần 1 tấn cần sa, 67 khẩu súng quân dụng, 7 lựu đạn, hàng trăm viên đạn cùng nhiều phương tiện, tài sản có liên quan.

- Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, đấu tranh bắt giữ 74 vụ, bắt giữ 213 đối tượng, thu giữ 223kg heroin, 1,03 tấn + 1,9 triệu viên ma túy tổng hợp, 1kg thuốc phiện, 13 khẩu súng quân dụng. Hiện, đơn vị đang trực tiếp thụ lý 39 vụ án, 139 bị can.

- Vụ án điển hình, gây tiếng vang như vụ Hà Duy Thái (31 tuổi ở Thái Bình) lợi dụng xe “luồng xanh” vận chuyển mua bán trái phép chất ma túy từ Sơn La về Thái Bình. Chuyên án được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý phối hợp với Công an tỉnh Thái Bình triệt phá vào tháng 9-2021. Có 4 đối tượng đã bị khởi tố. Cùng với việc bắt quả tang Hà Duy Thái, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy còn thu giữ 7kg ketamine, 6 bánh heroin, 11.800 viên ma túy tổng hợp. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Thái, thu giữ 11.000 viên ma túy tổng hợp, 1 bánh heroin, 1kg ketamin, 1 khẩu Súng AK, 1 súng côn quay, 8 viên đạn cùng nhiều vật chứng liên quan. Mở rộng điều tra vụ án, khám xét khẩn cấp chỗ ở của Hà Văn Thịnh (29 tuổi, em trai Thái) thu giữ 3,3kg ma túy tổng hợp, 6 bánh heroin, 2 khẩu súng quân dụng, cùng 20 viên đạn; khám nhà Tăng Thị Hồng Tám (23 tuổi) và Vũ Đức Sinh (51 tuổi tại Hải Dương) thu giữ 2kg ma túy tổng hợp.

(Còn nữa)