Năm 2021, sẽ có công cụ phát hiện video xấu độc trên YouTube

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - "Chúng tôi đang phát triển các công cụ phát hiện video xấu độc trên YouTube. Đây là việc rất khó nhưng chúng tôi cương quyết làm và hoàn thành vào năm 2021", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Trong ngày làm việc đầu tiên của phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, 6-11, một số đại biểu bày tỏ quan ngại trước tình trạng các video có nội dung xấu độc xuất hiện tràn lan trên kênh video trực tuyến YouTube và đề nghị người đứng đầu ngành Thông tin – Truyền thông đưa ra giải pháp.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay, trên Youtube có 120.000 người Việt Nam đăng ký đăng video trên nền tảng này, trong đó có 350 kênh có hàng triệu người theo dõi, 15.000 kênh có thu tiền “ăn chia” quảng cáo với YouTube.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trước Quốc hội ngày 6-11

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trước Quốc hội ngày 6-11

Thừa nhận tình trạng hiện còn nhiều video nội dung xấu độc trên hại, song Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Bộ đã nâng được tỉ lệ tháo gỡ, thực thi pháp luật từ 50% lên 90%; đạt thoả thuận với YouTube rằng khi được Bộ thông báo một kênh nào đó có nội dung xấu độc thì sẽ không “ăn chia” quảng cáo với kênh đó; hàng tháng gỡ bỏ hàng nghìn video xấu độc…

“Đặc biệt Bộ đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm một số cá nhân sản xuất nội dung xấu độc”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và đề nghị người dân, tổ chức khi phát hiện video xấu độc hãy báo tới đường dây nóng của Bộ để phối hợp xử lý.

Nhấn mạnh quyết tâm sẽ làm nghiêm vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra 5 giải pháp.

Thứ nhất, sẽ làm việc với YouTube về tỉ lệ tháo gỡ các video xấu độc, không phải 90% mà là 100%. Thứ hai, sẽ phát triển các công vụ phát hiện video xấu độc. Đây là việc rất khó nhưng Bộ cương quyết làm và hoàn thành vào năm 2021.

Thứ ba, phối hợp với các bộ ngành khác như Bộ VH-TT&DL để ra hướng dẫn thế nào là một video vi phạm thuần phong mỹ tục. Thứ tư, nâng cấp đường dây nóng thành Trung tâm tiếp nhận thông báo về video xấu độc.

Cuối cùng, các ngành phải xác định nội dung xấu độc liên quan tới ngành mình và Bộ sẽ hỗ trợ vấn đề này, để các cơ quan cùng phát hiện và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý.

Trả lời nạn tin giả trên mạng xã hội được đại biểu Vũ Thị Thủy (đoàn Hải Dương) nêu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói tin giả ở Việt Nam chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook và YouTube.

"Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng nên các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và cho biết thời gian qua, Bộ đã làm rất quyết liệt, như ban hành quy định về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội; xây dựng công cụ quản lý; hình thành các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tin giả, xấu độc...

Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục sửa các quy định liên quan đến mạng xã hội và tin giả; ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; đặc biệt là yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội...

"Đây là giải pháp căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là vô danh để rồi vô trách nhiệm", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, đồng thời đề nghị Quốc hội sửa đổi hình thức xử phạt cá nhân, tổ chức liên quan đến việc đăng tin giả, thay vì phạt răn đe thì phạt theo doanh thu với các công ty xuyên biên giới, ví dụ khoảng 4% doanh thu.