Chặn clip “rác” tràn lan, ngăn hậu quả khôn lường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Clip “rác” xuất hiện nhan nhản trên mạng luôn là vấn đề nóng của xã hội. Bởi những tác động của nó là khôn lường, trực tiếp ảnh hưởng tới hành vi, nhận thức của giới trẻ. Những vụ tử vong thương tâm của các đứa trẻ vừa qua do làm theo hướng dẫn trong clip đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ nguy hại của clip “rác”.
Bé trai được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 sau khi học theo cách “thắt cổ không chết” trên YouTube

Bé trai được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 sau khi học theo cách “thắt cổ không chết” trên YouTube

Các vụ việc đau lòng

Trong ít ngày vừa qua, các bậc phụ huynh đã vô cùng sửng sốt và đau xót khi đón nhận thông tin về các em nhỏ tử vong chỉ vì làm theo hướng dẫn trong clip. Đó là trường hợp một bé gái 5 tuổi vừa xem xong video hướng dẫn trò thắt cổ trên Youtube. Do tò mò, bé đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà và… bắt chước.

Đáng buồn, trường hợp này không phải là duy nhất. Trước đó, tháng 11-2019, bé trai 7 tuổi ở huyện Nhà Bè, TP.HCM cũng làm theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên mạng xã hội. Gia đình chỉ phát hiện ra bé khi người cháu đã tím ngắt. Rất may là các bác sỹ đã can thiệp kịp thời. Khi tỉnh lại, bé kể rằng mình học theo trò ảo thuật trên Youtube, trong đó hướng dẫn cách thắt cổ mà vẫn sống nên đã làm theo. Không chỉ dạy thắt cổ không chết, các clip “rác” còn dạy các bé làm siêu nhân theo một cách… điên rồ. Và một bé trai sau khi xem clip trên mạng đã bắt chước hành động của “siêu nhân nhện” nên đập tay thật mạnh vào kính dẫn tới đứt mạch máu. Còn tại Hà Nội, cách đây không lâu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận cháu Đ.D. (15 tuổi, quê Hải Dương) trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc nổ theo video hướng dẫn trên Youtube. Gần đây nhất, hôm 30-10, một bé trai 9 tuổi (ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) đã phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, ho nhiều, khó chịu, do nuốt phải dị vật là một chiếc bấm móng tay, gây tổn thương dạ dày. Người nhà bệnh nhi cho biết, nguyên nhân dẫn tới tai nạn trên là do cháu xem các clip trên Youtube và làm theo.

Trước đây, cộng đồng mạng đã từng dậy sóng khi trên Youtube xuất hiện nhiều video mang tên “Thử thách Momo” (Momo challenge) có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát. Theo đó, khi trẻ em xem video trên kênh này có thể liên lạc với Momo - một phụ nữ có hình dáng quái dị với đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi. Nhân vật này đã điều khiển trẻ thực hiện những thử thách đáng sợ, kết thúc bằng việc tự sát.

Chiếc bấm móng tay mà bé trai ở Phú Thọ nuốt trọn vì dại dột làm theo hướng dẫn trên Youtube

Chiếc bấm móng tay mà bé trai ở Phú Thọ nuốt trọn vì dại dột làm theo hướng dẫn trên Youtube

Bất chấp để “câu view”

Dù mức độ nhảm nhí của các clip này rất đáng lên án nhưng chúng vẫn xuất hiện một cách ngang nhiên trên mạng, nơi thế giới không có khoảng cách, không phân biệt độ tuổi, giới tính. Chính vì vậy, những tai nạn thương tâm đã xảy ra khi cha mẹ ít có thời gian để mắt tới trẻ. Có một thực tế không thể phủ nhận, không ít người làm Youtube đang sống nhờ các clip nhảm nhí, vô bổ và thậm chí độc hại. Những khoản thu nhập lên tới vài chục triệu cho tới cả vài trăm triệu đồng/tháng được trả cho các tài khoản có lượng truy cập đông đảo luôn rất hấp dẫn đối với bất kỳ ai. Một cuộc đua làm clip “câu view” bất chấp tất cả đã diễn ra rầm rộ và điều có thể thấy ngay chính là những clip “rác” nhan nhản trên các nền tảng ứng dụng như Tiktok, Youtube…

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi (Nhà xuất bản Phụ nữ) cho rằng, các clip “rác” tác động và ảnh hưởng trực tiếp nhanh chóng đến giới trẻ, đặc biệt là các em nhỏ. Vì những đối tượng này rất nhạy cảm với công nghệ, ưa tìm tòi, chuộng cái lạ trong khi tri thức chưa được trang bị đầy đủ. Việc nhận biết cái đúng sai còn mơ hồ. Đây cũng là lý do giải thích cho việc đối tượng thường xuyên like và theo dõi các clip “rác” chủ yếu là người trẻ.

Một ước tính sơ bộ cho biết, tại Việt Nam, cứ 1 triệu lượt xem là người sản xuất clip có thể nhận được trên dưới 30 triệu đồng, một số tiền không nhỏ. Đương nhiên, cũng còn tùy vào tỷ lệ người bấm vào quảng cáo, hoặc người xem quảng cáo. Và một video có hàng triệu view như “bà Tân Vlog” hay “Khá Bảnh” trước đây thu nhập sẽ là cực “khủng”. Clip càng độc, càng lạ, càng quái dị sẽ càng thu hút người xem. Có thể vì điều này mà các nhà sản xuất clip online luôn tìm kiếm các đề tài “quỷ quái” như: dạy phi cả trăm con dao từ trên cao xuống đất; thử chui vào chuồng chó xem cảm giác như thế nào; nấu cháo gà nguyên cả con gà còn lông; hoặc các clip “ăn tươi nuốt sống” gần đây… Điều ngạc nhiên là, dù chẳng có gì đáng để xem, không hề cung cấp các kiến thức bổ ích nhưng các clip này lại có cả triệu cú nhấp chuột và đẩy số lượt theo dõi tăng vọt. Trong khi đó, các clip tử tế, được đầu tư công phu lại có số lượt theo dõi thấp hơn hẳn.

Quái vật Momo và Peppa Pig trên Youtube

Quái vật Momo và Peppa Pig trên Youtube

Giải thích về điều này, họa sĩ Ngô Xuân Khôi (Nhà xuất bản Phụ nữ) cho rằng, các clip “rác” tác động và ảnh hưởng trực tiếp nhanh chóng đến giới trẻ, đặc biệt là các em nhỏ. Vì những đối tượng này rất nhạy cảm với công nghệ, ưa tìm tòi, chuộng cái lạ trong khi tri thức chưa được trang bị đầy đủ. Việc nhận biết cái đúng sai còn mơ hồ. Đây cũng là lý do giải thích cho việc đối tượng thường xuyên like và theo dõi các clip “rác” chủ yếu là người trẻ.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho biết, thực tế gần đây cho thấy, những nhân vật như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Phú Lê, Bà Tân Vlog, Hưng Vlog… được giới trẻ biết đến nhiều, trở thành thần tượng là điều đáng báo động. Có nhiều học sinh bày tỏ ước mơ sau này trở thành Youtuber vì làm những việc như các “thần tượng” này vừa dễ, vừa kiếm được nhiều tiền, lại rất nổi tiếng. Theo một nhà tâm lý học, nếu trẻ thường xuyên xem các chương trình bạo lực thì sẽ có khuynh hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn và dần vô cảm với xung quanh. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể làm theo các hành động bạo lực, gây tổn thương đến chính cơ thể mình do chưa đủ nhận thức để hiểu biết về các nguy cơ từ những trò nghịch này. Một số trẻ bị ám ảnh nhiều và không kiểm soát được suy nghĩ phải làm việc đó. Nói như vậy để thấy, clip “rác” dù được liệt vào hàng bỏ đi, không đáng xem, nhưng hệ lụy lại khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và hành vi của thế hệ trẻ.

Nhà văn Võ Hồng Thu: Bố mẹ nên làm bạn của con

Bản thân tôi là người đã lập kênh Youtube đọc truyện. Tôi nhận thấy các clip nhảm rất đông view và cũng ngạc nhiên không kém khi Youtube không hề có động thái nào về kiểm duyệt, ai cũng có thể đưa nội dung lên mạng. Các clip "rác" lại đánh vào tâm lý tò mò, thích những trò lạ của giới trẻ, đặc biệt là các cháu nhỏ. Ở độ tuổi đó, các cháu chưa phân biệt được cái gì là chuẩn, cái gì là sai. Và giới học trò phổ biến nhau nhanh lắm. Dĩ nhiên ai cũng thấy là những clip như thế phản cảm, độc hại. Nhưng tại sao học sinh lại thích xem? Ngoài yếu tố tâm lý như đã phân tích ở trên, phải chăng vì còn quá thiếu những clip lành mạnh, hấp dẫn và thiếu cả những người hướng dẫn cho các em. Bố mẹ bận đi làm, thầy cô chỉ truyền giảng dạy kiến thức trên lớp. Vậy để hạn chế được tác động của các clip rác, bố mẹ buộc phải sát sao với con cái, không thể đẩy cho nhà trường hay các tổ chức xã hội. Bố mẹ cần cố gắng để hiểu con mình, cố làm bạn với con ở mức nhiều nhất có thể. Muốn thế đôi khi phải nói theo giọng của các con, để các con cảm giác như có người cùng hội cùng thuyền.

Họa sĩ trẻ Xuân Lam: Thái độ của người truy cập quyết định sự tồn tại của các clip nhảm

Do sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thì nay internet đã phủ sóng dễ dàng hơn, nhiều người tiếp cận được hơn. Tôi nghĩ rằng nội dung một người chọn để xem trên internet phản ảnh nhiều về tính cách, trình độ văn hóa, nhận thức của người đó. Những clip gây sốc như ăn tươi nuốt sống cá, nấu cháo gà cả con... thường rất có nhiều views vì trong xã hội có nhiều người tò mò về những chủ đề giật gân, giải trí như vậy. Nhiều views thì đồng nghĩa với nhiều lợi nhuận quảng cáo nên các kênh làm nội dung nhảm nhí mọc ra càng nhiều. Và khi càng có nhiều kênh thì họ càng phải nghĩ ra các nội dung sốc hơn để lôi kéo người xem như một cuộc chạy đua. Muốn giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng người dùng mạng phải nâng cao nhận thức, có thể bấm báo cáo nếu clip quá phản cảm. Nhờ đó, các mạng xã hội có thể xóa video đó.

Phạm Hương (ghi)