Đăng tải clip có nội dung nhảm nhí, giật gân lên mạng có thể phải ngồi tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Thanh tra Sở TT&TT Bắc Giang đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với Nguyễn Văn Hưng (tức Hưng Vlog, SN 1992 – con trai bà Tân Vlog) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Trước đó, trên tài khoản Youtube Hưng Vlog, Nguyễn Văn Hưng đã đăng tải video clip “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết”.

Điều đáng nói là, đây không phải lần đầu Hưng bị xử phạt. Khoảng 1 tháng trước, Hưng cũng đã bị cơ quan chức năng phạt 7,5 triệu đồng vì đăng video clip với tựa đề “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết” lên mạng xã hội.

Hưng Vlog bị phạt 10 triệu đồng vì đăng clip trộm tiền heo đất

Hưng Vlog bị phạt 10 triệu đồng vì đăng clip trộm tiền heo đất

Tương tự, cách đây không lâu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ sở hữu kênh YouTube “Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life” 30 triệu đồng và kênh Yeah1 Network 20 triệu đồng do đăng tải những clip có nội dung phản cảm dành cho trẻ em.

Mặc dù vậy, việc đăng tải các video, clip nhảm nhí trên mạng xã hội vẫn diễn ra ngày càng phổ biến khiến không ít người phải đặt câu hỏi, phải chăng do chế tài xử phạt đối với hành vi này còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, thời gian qua nhiều cá nhân vì lợi ích trước mắt, nhằm “câu view”, “câu like” đã đăng tải những thông tin, hình ảnh nhảm nhí, dung tục, khiêu dâm, ghê rợn lên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người xem, tạo dư luận không tốt. Hành vi này cần bị xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe.

Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Do đó, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, bồi thường thiệt hại theo quy định, thậm chí bị xử lý hình sự - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Về xử phạt hành chính, Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, tổ chức có hành vi sử dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên bị phạt từ 5-10 triệu đồng, đồng thời phải gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật.

Trường hợp đưa lên mạng xã hội những thông tin trái quy định pháp luật, gây thiệt hại hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS 2015.

Theo đó, người nào thực hiện hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của BLHS 2015 nhằm thu lợi bất chính từ 50-dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100-dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội có tổ chức; Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên…thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền. Văn bản nêu rõ, những video này thu hút hàng triệu người xem, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, thậm chí nhân cách của trẻ em, kéo văn hóa nghe - nhìn của xã hội đi xuống. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an nghiên cứu, có hướng xử lý.