Năm 2021: Có tiền đầu tư vào đâu để sinh lời?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2021, dự kiến dịch Covid-19 sẽ vẫn tác động nặng nề tới nền kinh tế thế giới, và nếu khống chế được dịch thì vẫn cần rất nhiều thời gian để phục hồi. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đầu tư vào đâu để bảo toàn nguồn vốn và có khả năng sinh lời tốt càng được nhiều người quan tâm.

Chứng khoán Việt Nam vẫn còn triển vọng

Theo dự báo của giới chuyên gia, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu năm 2021 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ những gói chính sách kích thích tiền tệ và tài khóa khổng lồ mà các quốc gia trên thế giới đang triển khai và những thông tin tích cực về vaccine phòng Covid-19.

Riêng TTCK Việt Nam, việc kiểm soát dịch bệnh tốt hơn các nước, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ trong việc điều tiết cả hai chính sách là tài khóa và tiền tệ đang là yếu tố chính đẩy nhanh quá trình phục hồi của doanh nghiệp. Sự hồi phục của nền kinh tế là trụ đỡ cho đà tăng bền vững của TTCK.

Trong những phiên cuối năm, dòng tiền dồi dào đã đổ vào thị trường với thanh khoản trung bình đạt trên 10.000 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, trong năm 2021, dòng tiền này sẽ tiếp tục dồi dào, đến từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước khi mặt bằng lãi suất ngân hàng xuống thấp; cộng với dòng tiền của khối ngoại khi kinh tế Việt Nam phục hồi tốt hơn mặt bằng chung.

Ngoài ra, các thông tin như Việt Nam có thể được nâng hạng trong rổ chỉ số FTSE và vaccine có thể được ban hành rộng rãi trong năm sau có thể là những yếu tố tác động tích cực đến thị trường.

VDSC đánh giá dòng vốn ngoại có thể lựa chọn Việt Nam vì mức định giá rẻ, không những so với lịch sử mà còn so với các thị trường khác. Mức định giá của thị trường Việt Nam được ước tính nằm trong khoảng 16,5-18 lần trong khi mức trung bình của các nước trong khu vực châu Á là 26,2 lần. Trong năm 2021, theo ước tính của Bloomberg, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các thị trường có hiệu suất sinh lợi tốt nhất.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng việc thị trường tăng nhanh sẽ kích thích việc sử dụng margin của nhà đầu tư cá nhân (hiện đang chiếm đông đảo trên thị trường) làm rủi ro thị trường lên cao.

Ngoài ra, việc gần đây Mỹ gán cho Việt Nam là “thao túng tiền tệ” sẽ làm gia tăng nguy cơ Mỹ đánh thuế lên các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam và ảnh hưởng tâm lý chung của thị trường.

Do đó, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc và chọn lọc kĩ càng khi một số cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian qua. Công ty Chứng khoán này dự báo VN-Index có thể sẽ dao động trong vùng 1.029-1.271 điểm trong năm 2021.

Vàng có tiếp tục tỏa sáng

Trong năm 2021, giá vàng thế giới liên tục biến động chủ yếu theo xu hướng tăng đã giúp các nhà đầu tư kiếm được những món lời lớn. Tính chung trong năm, giá vàng thế giới đã tăng 22% và hiện đang xoay quanh ngưỡng 1.880 USD/ounce; biên đọ dao động trong năm (từ mức đáy đến mức đỉnh) lên tới 45% trong thời gian chưa đầy nửa năm.

Trong nước, dù với chính sách quản lý thị trường vàng hiện nay, giá vàng ít biến động hơn thị trường thế giới nhưng tính chung năm kim loại quý này cũng đã tăng tới 12 triệu đồng/lượng.

Theo các nhà phân tích, giá vàng trong năm 2021 sẽ chịu sự chi phối của diễn biến dịch Covid-19. Trong trường hợp đại dịch được khống chế thành công, các nhà đầu tư sẽ ưa chuộng các tài sản rủi ro hơn và qua đó tạo áp lực cho giá vàng. Ngược lại, nếu cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn biến phức tạp hơn do những biến thể của Covid-19, tài sản trú ẩn an toàn như vàng sẽ phát huy lợi thế.

Câu hỏi đầu tư vào đâu để sinh lời trong năm 2021 được nhiều nhà đầu tư quan tâm

Câu hỏi đầu tư vào đâu để sinh lời trong năm 2021 được nhiều nhà đầu tư quan tâm

Tuy nhiên, dù đại dịch diễn biến theo hướng nào thì những gói kích thích kinh tế lớn vẫn sẽ được tiếp tục thực thi, và dòng tiền khổng lồ này chắc chắn sẽ khiến lạm phát gia tăng, và như vậy các yếu tố hỗ trợ vàng là chiếm ưu thế hơn.

Do đó, đa phần các nhận định vẫn ủng hộ xu hướng đi lên của giá vàng. Ngân hàng Wells Fargo dự báo, giá vàng có thể lên mức 2.100 - 2.200 USD/ounce trong năm 2021. Thậm chí Goldman Sachs còn dự báo giá vàng có thể lên tới 2.300 USD/ounce.

Bất động sản liệu có “bừng tỉnh”

Thị trường bất động sản (BĐS) vừa trải qua một năm tồi tệ, khi đại dịch Covid-19 khiến thu nhập của hầu hết người dân sụt giảm, cùng với động thái siết tín dụng bất động sản từ các ngân hàng. Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng còn thê thảm hơn khi hoạt động du dịch “đóng băng” trong một khoảng thời gian dài.

Trong năm 2021, thị trường bất động sản cũng không nằm ngoài quy luật của các thị trường khác, là phụ thuộc lớn vào diễn biến của dịch Covid-19.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, nếu các chỉ tiêu vĩ mô năm 2021 được đảm bảo, đặc biệt dịch bệnh được kiểm soát, thị trường BĐS sẽ phát triển ở mức cao hơn năm 2019, thậm chí sẽ có sự bùng nổ ở một vài phân khúc nhất định, nhất là loại hình BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, có hạ tầng tốt, được khai thác vận hành đồng bộ, xây dựng theo hướng xanh - thông minh.

Tuy nhiên, nếu các chỉ tiêu vĩ mô trên không được đảm bảo khi dịch bệnh chưa thể kiểm soát, thị trường BĐS năm 2021 vẫn sẽ giữ mức như năm 2020, dù một số phân khúc và thị trường (phụ thuộc nhiều vào khách du lịch) sẽ gặp nhiều trở ngại. Và nếu không có sự can thiệp của Chính phủ, cũng như sự chủ động thích ứng của doanh nghiệp, thị trường BĐS có thể bị đóng băng.

Lãi suất ngân hàng thấp, dòng tiền sẽ đổ vào trái phiếu doanh nghiệp?

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh trong năm qua, nhất là lãi suất huy động, sau các động thái cắt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn của NHNN.

Do vậy, trong năm 2020, kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn giúp người dân bảo toàn nguồn vốn an toàn nhưng khả tăng sinh lời gần như bằng 0 với những khoản tiền gửi ngắn hạn. Điều này đã hỗ trợ các kênh đầu tư khác, nhất là cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.

Năm 2021, dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì mức thấp khi Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ được hưởng lợi lớn.

Trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 14%, một mức quá hấp dẫn so với lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý và các chuyên gia đều khuyến cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ về tổ chức phát hành, tài sản đảm bảo, mục đích sử dụng vốn… Do vậy, đây sẽ là kênh đầu tư không dễ với các nhà đầu tư cá nhân.

Đặc biệt, sau khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 1/9/2020 với nhiều quy định siết chặt hơn hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành sụt giảm mạnh và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm 2021. Do vậy, nếu dịch bệnh tại Việt Nam được khống chế, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng hơn, qua đó giảm phát hành trái phiếu khiến nguồn cung trở nên khan hiếm hơn.