Năm 2014: Sản xuất kinh doanh ấm dần

ANTĐ - Dự báo trên được đưa ra tại diễn đàn “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp 2014” diễn ra sáng 7-1. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần thận trọng trong các quyết định kinh doanh.
Năm 2014: Sản xuất kinh doanh ấm dần ảnh 1
Kinh tế Việt Nam trong năm 2014 sẽ hồi phục tích cực
Ảnh: Phú Khánh


Thận trọng trong kinh doanh

Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2014, hầu hết các doanh nghiệp hi vọng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc hơn. Cụ thể, giá bán bình quân được các doanh nghiệp dự cảm trong năm 2014 sẽ có xu hướng tăng so với năm 2013. Hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị cũng được đánh giá là sẽ tốt hơn so với năm 2013; số lượng công nhân viên sẽ tăng lên trong năm 2014. Các yếu tố về tiếp cận thông tin thị trường công nghệ, điều kiện hạ tầng tiện ích và điều kiện giao thông được cải thiện vào năm 2013 và tiếp tục được doanh nghiệp tin tưởng được cải thiện trong năm tới.

Nhận xét về biến chuyển của nền kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, kinh tế thế giới hiện đang phục hồi rất chậm. Tại Việt Nam, đầu cơ vẫn phải tính đến trong giai đoạn ngắn hạn khi thị trường còn rất nhiều rủi ro và méo mó, nhưng xuất khẩu có dấu hiệu tốt lên. “Năm 2014, kể cả có tăng trưởng kinh tế 5,8% theo dự báo Chính phủ thì cũng chỉ mới nhúc nhích đi lên. Nợ xấu vẫn còn đó và khó khăn còn tồn tại rất nhiều. Dự báo, mức tăng tiêu dùng của nền kinh tế sẽ không tăng. Trong những mặt hàng tiêu dùng giảm xuống thì có những tiêu dùng không giảm. Vì vậy, doanh nghiệp chuyển sang tiêu dùng biết lựa chọn thì vẫn có những bước phát triển”- Tiến sĩ Võ Trí Thành phân tích.

Khai thác lợi thế thị trường nội địa

Xác định năm 2014 vẫn đầy thách thức với doanh nghiệp nhưng ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp có thể tìm thấy cơ hội kinh doanh ở thị trường nội địa. Với lợi thế là quốc gia có dân số đứng thứ 14 trên thế giới, cơ cấu trẻ, độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng cao, những nhu cầu tiêu dùng thiết yếu vẫn diễn ra hàng ngày bất luận tình hình kinh tế ra sao. “Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp Việt cung ứng được bao nhiêu phần trăm trong tổng cầu ấy.

Những năm qua có rất nhiều nỗ lực từ phía doanh nghiệp nhưng đa số “gục ngã” trước các tập đoàn lớn trên thế giới. Họ sẵn sàng lỗ kế hoạch trong một thời gian để các doanh nghiệp Việt không chịu được, tự rút lui; Họ sẵn sàng chi, lách luật chi cho tuyên truyền quảng cáo … nhiều hơn doanh nghiệp Việt để thương hiệu chiếm lĩnh thị trường. Từ đó họ sẽ lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền để tăng giá, sinh lời”- ông Nguyễn Trường Sơn nói. Vì vậy, theo vị này, doanh nghiệp cần xem xét đồng bộ các biện pháp: đáp ứng tốt hơn về chất lượng, giá cả cho nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, tìm hiểu xem doanh nghiệp nào vi phạm Luật Cạnh tranh… thay vì chỉ nhắm tới các cú hích từ ngân sách để tăng tổng cầu. Phía các doanh nghiệp cũng mong muốn tiếp tục có sự điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15%, thay vào đó là việc duy trì và phát triển nguồn thu ngân sách sẽ tập trung sang thuế đánh vào tiêu dùng (VAT), thuế tài nguyên và thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Theo ông Nguyễn Trọng Hiệu - Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT), các cơ quan quản lý cần tiến hành 5 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ việc hoàn thiện khung pháp lý tới hỗ trợ về đất đai, tài chính… cho doanh nghiệp.