Năm 2012: Thế giới sẽ hòa dịu?

ANTĐ - Không phải ngẫu nhiên mà năm 2012 được gọi là năm bầu cử bởi trong năm con Rồng này sẽ diễn ra những cuộc bầu cử tại các cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc…

Ông Medvedev (phải) và Putin (trái) được cho là sẽ đổi chỗ cho nhau

sau cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm nay

Một trong những sự kiện mở màn được quan tâm nhất trong năm 2012 là cuộc bầu cử Tổng thống tại nước Nga. Đương kim Tổng thống Dmitry Medvedev đã khẳng định sẽ không tái tranh cử và đề cử Thủ tướng Vladimir Putin làm ứng cử viên Tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 4-3-2012.

Cho dù vị thế và uy tín đã phần nào sút giảm trong năm qua thể hiện qua kết quả cuộc bầu cử Duma quốc gia ngày 4-12 song Thủ tướng Putin vẫn là chính khách được yêu mến và uy tín nhất tại nước Nga hiện nay. Cuộc trưng cầu dân ý do Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VSIOM) công bố chiều 30-12 cho thấy, ông Putin nhận được sự ủng hộ của cử tri Nga vượt xa các ứng viên Tổng thống còn lại.

Việc ông Putin đắc cử Tổng thống gần như là chắc chắn, vấn đề chỉ còn ngay tại vòng 1 hay cần tới vòng 2 bầu cử mà thôi. Việc ông Putin một lần nữa trở lại điện Kremlin cùng với việc ông Medvedev ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng sẽ đảm bảo cho sự phát triển ổn định của nước Nga trên con đường trở lại vị thế của một cường quốc hàng đầu thế giới.

Không phải là cuộc bầu cử người đứng đầu quốc gia song Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10-2012 được xem là một sự kiện chính trị trọng đại bậc nhất của cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ này. Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào sẽ mãn nhiệm sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp và người kế nhiệm gần như đã được xác định là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình được xem là nhà lãnh đạo kế cận của Trung Quốc

Việc chuyển giao quyền lực êm thấm và suôn sẻ tại Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới không chỉ quốc gia đông dân nhất, đồng thời là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cho dù có sự thay đổi nhà lãnh đạo và chuyển giao quyền lực nhưng theo giới quan sát thì những đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc vẫn sẽ cơ bản được giữ nguyên như nhiều năm trước đây.

Cuộc bầu cử Tổng thống tại cường quốc mạnh nhất thế giới là Mỹ luôn là cuộc so kè quyết liệt giữa ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Uy tín đã sút giảm khá mạnh cùng với khó khăn của nền kinh tế Mỹ nhưng lợi thế của một đương kim Tổng thống đã giúp ông Barack Obama chiếm ưu thế khá lớn trước ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Nếu không có đột biến lớn thì khả năng tái đắc cử của Tổng thống Obama trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới là rất cao.

Khả năng ông Obama tái đắc cử Tổng thống Mỹ là khá cao

Cùng với các cuộc bầu cử trên, các cuộc bầu cử Tổng thống ở Pháp, Mexico, Ai Cập… được cho là những sự kiện thu hút sự quan tâm trong năm bầu cử 2012. Không phải là cuộc bầu cử của một cường quốc song cuộc bầu cử tại Ai Cập có thể tác động khá lớn tới tình hình Trung Đông và châu Phi bởi chính quốc gia này đã mở đầu cho “Mùa Xuân Arập” với sự thay đổi chế độ rung chuyển thế giới Arập trong năm 2011.

Do “vướng bận” bầu cử nên các cường quốc hàng đầu thế giới đều chú ý đối nội hơn là đối ngoại, đồng thời cũng muốn cực chẳng đã mới phải đưa ra những chính sách, biện pháp quyết liệt, mạnh bạo gây tranh cãi. Thế giới vì thế cũng sẽ hòa dịu, ổn định hơn song điều đó chưa biết sẽ tác động ra sao tới nền kinh tế thế giới vốn đang phục hồi khó khăn dưới đám mây đen của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu