- 5 dự án quốc phòng tốn tiền nhưng kém hiệu quả của quân đội Mỹ
- Điểm danh 5 lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới vào năm 2030
Tàu sân bay lớp Ford tiếp tục bị hoãn biên chế
Vừa qua, kênh truyền hình Mỹ CNN đưa tin, nước này lại hoãn việc bàn giao tàu sân bay hạt nhân mới nhất USS Gerald R. Ford (CVN-78), thuộc lớp Ford cho quân đội, do vẫn còn những khiếm khuyết phải khắc phục.
Theo kênh truyền hình này, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, có vấn đề trục trặc trong việc máy bay hạ cánh và cất cánh từ boong của tàu sân bay, trong kiểm soát không lưu, cũng như thiếu sót trong hệ thống đảm bảo an toàn của tàu và hệ thống cung cấp vũ khí.
Về phía quân đội, đại diện Hải quân Mỹ nói với CNN, nếu công việc khắc phục các thiếu sót kỹ thuật tiến hành thuận lợi thì tàu sân bay này có thể được đưa vào sử dụng vào khoảng đầu năm 2017.
Tàu bắt đầu được khởi đóng từ năm 2009, tháng 9 năm 2014 con tàu cần phải được bàn giao nhưng thời hạn bị hoãn lại cho đến tháng 9/2015 do hàng loạt các trục trặc trong quá trình chạy thử ở nhà máy. Đến thời điểm đó, CVN-78 Gerald R.Ford mới hoàn thành đến mức 93%.
Sau đó, việc bàn giao con tàu được tiếp tục hoãn đến tháng 11/2016 và hiện nay tiếp tục lùi thời hạn bàn giao sang năm 2017.
Những lần bị hoãn biên chế của tàu sân bay này được cho là do có những trục trặc trong hệ thống máy phóng máy bay điện từ EMALS; khả năng cất và hạ cánh các đơn vị máy bay hoạt động trên boong; hệ thống radar băng tần kép DBR và hệ thống máy phát điện chính trên tàu…
Hiện Mỹ đã khởi đóng chiếc tàu sân bay thứ 2 thuộc lớp này mang tên USS John Kennedy (CVN 79) tại xưởng đóng tàu Huntington Ingalls, bang Virginia hôm 22/8/2015.
Tàu sân bay lớp Ford có chiều dài 332,8m, rộng 40,8m và cao 78m; có lượng giãn nước đạt 101.600 tấn và kíp thủy thủ đoàn là 4.660 người. Mặc dù không lớn hơn quá nhiều so với lớp Nimitz nhưng nó có khả năng mang theo tới 75 máy bay chiến đấu, tổng số máy bay các loại lên tới hơn 100 chiếc.
Một số quan chức quốc phòng và chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, việc tàu sân bay lớp Ford liên tiếp bị trì hoãn bàn giao là do lớp tàu này sở hữu những công nghệ quá đỉnh cao, thuộc thầm cỡ hàng đầu thế giới, nên cần có thêm thời gian để hoàn thiện.
Siêu tàu sân bay CVN-78 Gerald R.Ford có thể mang 75 máy bay các loại, trong đó có tiêm kích tàng hình thế hệ 5 là F-35C
Theo đó, mặc dù thiết kế không có nhiều đột phá và ngoại hình tương đối giống với lớp Nimitz nhưng tàu sân bay lớp Ford sở hữu hàng loạt cải tiến về công nghệ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động cũng như giảm chi phí vận hành, khiến nó có tính năng vượt trội so với các tàu sân bay lớp Nimitz.
Những điểm vượt trội của tàu sân bay lớp Ford so với lớp Nimitz
Với các công nghệ tiên tiến, tàu sân bay lớp Ford chỉ cần 2.600 thủy thủ để vận hành, ít hơn 600 người so với tàu sân bay lớp Nimitz. Chỉ tính riêng điều này đã giúp hải quân Mỹ tiết kiệm hơn 4 tỷ USD chi phí sử dụng trong suốt vòng đời 50 năm của con tàu, so sánh với lớp tàu sân bay cũ.
Tàu được thiết kế có một phần tính năng tàng hình, với vật liệu hấp thụ radar. Đồng thời, sự tối ưu hóa thiết kế làm cho diện tích sử dụng của boong tàu được mở rộng, kết cấu của đài chỉ huy cũng được cải tiến, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như tầm nhìn, chỉ huy, kiểm soát bay, các loại radar và thông tin liên lạc.
Gerald R. Ford cũng sở hữu nguồn năng lượng vô cùng lớn. Hoạt động của con tàu được duy trì bởi năng lượng từ hai lò phản ứng hạt nhân Bechtel A1B.
So với A4W của tàu sân bay lớp Nimitz, mật độ năng lượng trung tâm của A1B cao, công suất lò phản ứng nước áp lực lớn, kết cấu đơn giản. Mỗi lò sản xuất khoảng 300 MW điện, nhiều gần gấp ba lần công suất của các lò phản ứng hạt nhân A4W của tàu sân bay lớp Nimitz.
Thay vì dùng hệ thống phóng máy bay bằng hơi nước như trước đây, siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ sử dụng hệ thống phóng điện từ (EMALS) có trọng lượng nhẹ hơn và chiếm ít không gian hơn, lại không cần quá nhiều nhân lực để vận hành, đồng thời có độ tin cậy cao và tiết kiệm năng lượng hơn.
Hải quân Mỹ đã khởi đóng tàu sân bay thứ 2 thuộc lớp Ford mang tên USS John Kennedy (CVN 79)
Tàu được trang bị tổng cộng bị 4 bộ máy phóng điện từ EMALS. Hệ thống này có khả năng phóng một máy bay trong 45 giây, nhanh hơn 25% so với hệ thống phóng bằng hơi nước, chi phí vận hành và bảo trì giảm 35% so với hệ thống phóng thủy lực truyền thống tàu sân bay lớp Nimitz.
Nguồn năng lượng khổng lồ khiến chỉ phân nửa năng lực sản xuất điện của tàu Gerald R. Ford cũng đủ để vận hành tất cả các hệ thống trên tàu, nguồn năng lượng dồi dào còn lại thừa đủ cung cấp cho các hệ thống hỏa lực mạnh mẽ, tiên tiến hàng đầu thế giới.
Do đó, Gerald R. Ford có khả năng sử dụng nhiều hệ thống và vũ khí tân tiến của tương lai, ví dụ như vũ khí laser, súng điện từ Railgun hay hệ thống “giáp” điện bảo vệ tàu, cùng với các loại pháo, hệ thống phòng thủ tầm gần và tên lửa phòng không tầm thấp.
CVN-78 có khả năng mang được 75 máy bay các loại, trong đó bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35C, tiêm kích hạm F/A-18E/F, máy bay cảnh báo sớm E-2C, máy bay tấn công không người lái X-47B, máy bay tác chiến điện tử và nhiều loại trực thăng.
Theo đánh giá của Hải quân Mỹ, giả sử một tàu sân bay lớp Nimitz có thể mang được 75 máy bay chiến đấu thì một ngày nó chỉ có thể tấn công được 248 mục tiêu. Nhưng tàu sân bay lớp Ford mang 75 máy bay chiến đấu thì số lượng tấn công có thể đạt được 2.000 mục tiêu trở lên.
Với những thay đổi, nâng cấp về công nghệ và vũ khí tối tân như thế, siêu tàu sân bay Gerald R. Ford thực sự mang trong mình một sức mạnh đáng gờm, hợp với các siêu khu trục hạm lớp Zumwalt, chắc chắn sẽ giúp Mỹ giữ thế thượng phong trong các cuộc chiến tranh hải quân thế kỷ XXI.