Điểm danh 5 lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới vào năm 2030

ANTĐ -Theo nhà phân tích quân sự Mỹ Kyle Mizokami, 5 lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới vào năm 2030 sẽ bao gồm các quốc gia Nga, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Anh.

Ông Mizokami nhận định rằng, cán cân sức mạnh hải quân tiếp tục được nghiêng về các nước châu Á vào năm 2030 do nhiều nước châu Âu đang đồng loạt cắt giảm ngân sách quốc phòng trong khi điều ngược lại diễn ra ở các quốc gia châu Á.

Trong thập niên tới, tàu sân bay và tàu ngầm tên lửa đạn đạo chính là yếu tố làm nên một cường quốc hải quân.

Ông Mizokami giải thích rằng, tàu sân bay phản ánh khả năng vươn sức mạnh ra toàn cầu hoặc có thể chỉ là phạm vi khu vực, trong khi tàu ngầm tên lửa đạn đạo được sử dụng như một cách đa dạng hóa khả năng triển khai hạt nhân hoặc đáp trả một đợt tấn công bằng tên lửa lực lượng thù địch.  

Mỹ

Mỹ vẫn sẽ là một thế lực hùng mạnh trên biển trong thập niên tiếp theo. Tới năm 2030, Mỹ đã biên chế đủ toàn bộ 3 chiếc tàu sân bay lớp Ford, nhằm thay thế cho các tàu lớp Nimitz hiện nay.

Điểm danh 5 lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới vào năm 2030 ảnh 1

Tàu sân bay USS Gerald Ford

Theo ông Mizokami, số lượng tàu tấn công đổ bộ của Mỹ có thể cao hơn một chút so với hiện nay và chiếc tàu ngầm đầu tiên thay thế tàu Ohio sẽ được biên chế trong năm 2031. Mỹ cũng sẽ sở hữu 3 siêu tàu khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt và đóng mới 33 tàu Arleigh Burke từ giờ cho tới năm 2031.

Trong giai đoạn 2019 đến 2034, nhiều khả năng, số lượng tàu chiến của hải quân Mỹ sẽ được nâng lên mức hơn 300 chiếc, tuy nhiên, sau thời gian này, số lượng tàu sẽ bắt đầu giảm do kế hoạch đầu tư vào nhiều lực lượng khác.

Anh

Đến năm 2030, hải quân Anh sẽ thu hẹp quy mô đến mức nhỏ nhất trong lịch sử nhưng chắc chắn đây không phải là thời điểm yếu nhất của lực lượng này.

Hải quân Anh chuẩn bị nhận 2 tàu sân bay Queen Elizabeth cùng Prince of Wales

Hạm đội hải quân của Anh hiện đang bao gồm 19 tàu khu trục và tàu hộ tống nhưng con số này sẽ thu gọn lại còn 6 tàu khu trục Type 45 và 8 tàu hộ tống Global Combat Ship. Số lượng tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân vẫn được giữ ở mức hiện tại là 7 chiếc.  

Anh đang vận hành 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Vanguard và có kế hoạch hiện đại hóa toàn bộ lực lượng này trong thập niên tới. Ngoài ra, không lực của hải quân Anh cũng sẽ được tăng cường sức mạnh đáng kể sau khi 2 tàu sân bay Queen Elizabeth cùng Prince of Wales với khả năng mang theo 60 chiến đấu cơ mỗi chiếc, được biên chế đầy đủ vào năm 2019.

Trung Quốc

Theo ông Mizokami, với việc tăng ngân sách quốc phòng ở mức 2 con số mỗi năm, hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ là một trong những lực lượng hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2030.

Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào hải quân

Theo dự đoán của cựu quan chức tình báo cấp cao Mỹ, ông James Fanel, tới năm 2030, hải quân Trung Quốc sẽ 415 tàu chiến các loại bao gồm 99 tàu ngầm, 4 tàu sân bay, 22 tàu khu trục và hộ tống, 26 tàu hộ vệ, 73 tàu đổ bộ và 11 tàu tên lửa cỡ nhỏ.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, chính quyền Trung Quốc cần tăng gấp đôi tốc độ chế tạo tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu khu trục, ngoài ra, mọi công việc liên quan đến đóng tàu sân bay mới cũng cần diễn ra suôn sẻ.

Ấn Độ 

Nước châu Á thứ 2 trong danh sách là Ấn Độ, quốc gia đang đầu tư rất nhiều vào việc nâng cấp hải quân với kế hoạch đóng thêm nhiều tàu sân bay và tàu ngầm.

Vào năm 2030, Ấn Độ sẽ có thể sở hữu hạm đội tàu sân bay lớn thứ 2 thế giới, trong đó có 3 chiếc boong phẳng.

Ấn Độ có thể là nước có hạm đội tàu sân bay lớn thứ 2 thế giới vào năm 2030

Vào năm 2030, Ấn Độ sẽ có ít nhất 9 tàu khu trục, trong đó có 2 tàu tuần dương tên lửa lớp Kolkata, 3 chiếc lớp Delhi và 4 chiếc lớp Visakhapatnam. Ngoài ra, nước này còn đang trong giai đoạn phát triển bô 3 hạt nhân chiến lược với chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo Arihant đầu tiên sẽ biên chế vào hải quân trong tương lai gần.

Nga

Hạm đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định sức mạnh của hải quân nước này.

Đến năm 2030, Nga đã có đủ 8 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borei, mỗi chiếc mang được tới 16 tên lửa đạn đạo Bulava.

Nga sẽ có 8 tàu ngầm tên lửa đạn đạo Borei vào năm 2030

Bên cạnh đó, Nga cũng tiết lộ những kế hoạch đầy tham vọng trong thập kỉ tới như việc phát triển siêu tàu sân bay 100.000 tấn có tên Shtorm thuộc Dự án 23000E, có khả năng chở theo gần 100 chiến đấu cơ thế hệ 5 PAK FA hay mua liền 12 tàu khu trục lớp Leader thế hệ mới, dài 200m và mang theo được tới 200 tên lửa các loại.